Dấu ấn 15 năm tôn vinh giá trị gia đình

29/06/2016
Nhân dịp 15 năm Ngày Gia đình Việt Nam (28/6/2001 - 28/6/2016), báo Phụ nữ Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Tiến sỹ Trần Tuyết Ánh, Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch, nhìn lại hành trình vừa qua của công tác gia đình.

Website TW Hội LHPN Việt Nam xin giới thiệu bài phỏng vấn này.

PV: Thưa bà, Ngày Gia đình Việt Nam (28/6) có tầm quan trọng và ảnh hưởng như thế nào đối với xã hội nói chung và công tác gia đình nói riêng?

Tiến sỹ Trần Tuyết: Gia đình là tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhằm đề cao trách nhiệm lãnh đạo các cấp, ngành, đoàn thể và tổ chức xã hội cùng toàn thể gia đình thường xuyên quan tâm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg ngày 4/5/2001, lấy ngày 28/6 hàng năm là Ngày Gia đình Việt Nam.

Cứ vào dịp 28/6, các cấp, ngành, đoàn thể từ Trung ương đến cơ sở lại có những hoạt động thiết thực để tôn vinh gia đình Việt Nam; quan tâm, chăm sóc những gia đình khó khăn, gia đình chính sách. Đây cũng là dịp để các gia đình giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc.

Ngày Gia đình Việt Nam còn có ý nghĩa đặc biệt đối với công tác gia đình bởi nó là chất xúc tác, là tiền đề hình thành bộ máy công tác gia đình từ Trung ương đến địa phương như hiện nay để thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về gia đình, nhằm cụ thể hóa những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về gia đình trên phạm vi toàn quốc.

PV: Theo bà, những thuận lợi và khó khăn, hạn chế của công tác gia đình hiện nay là gì?

Tiến sỹ Trần Tuyết Ánh: Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, sau hơn 10 năm hình thành bộ máy quản lý Nhà nước về gia đình, chúng ta đã có một khung pháp lý khá tốt, đặc biệt là Nghị định về công tác gia đình. Hàng loạt văn bản quản lý, điều hành đã giúp cho bộ máy quản lý Nhà nước về gia đình hình thành những nội dung, nhiệm vụ chuyên môn của lĩnh vực công tác. Vấn đề gia đình cũng được nhiều địa phương xác định là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của địa phương, được đưa vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và 5 năm.

Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình ở các cấp còn thiếu, cấp huyện và cấp xã chưa có cán bộ chuyên trách công tác gia đình, còn thiếu hụt cả kiến thức, kỹ năng làm việc. Kinh phí đầu tư cho công tác gia đình chưa được phân bổ tương ứng với nhiệm vụ chính trị được giao. Tình trạng cấp huyện, cấp xã không có kinh phí phân bổ từ đầu năm cho công tác gia đình diễn ra khá phổ biến, đặc biệt là những tỉnh khó khăn. Các hộ gia đình đã và đang chịu tác động mạnh từ những yếu tố bên ngoài cũng như từ chính bản thân mỗi người, dẫn đến nhiều vấn đề về gia đình nảy sinh như: Xung đột về lợi ích, nhu cầu; sự suy thoái về đạo đức, lối sống trong gia đình; bạo lực gia đình, mất cân bằng giới tính khi sinh…

PV: Xin bà cho biết một số kết quả chính của công tác gia đình trong 5 năm gần đây?

Tiến sỹ Trần Tuyết Ánh: Có thể nói, 5 năm gần đây là giai đoạn để lại dấu ấn sâu đậm nhất của công tác gia đình trên lĩnh vực xây dựng và kiện toàn hệ thống văn bản, triển khai văn bản quy phạm pháp luật. Hàng loạt văn bản quan trọng được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt như Nghị định về công tác gia đình, Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam, Chương trình hành động quốc gia về phòng chống bạo lực gia đình (BLGĐ), Tháng hành động quốc gia về phòng, chống BLGĐ, Quy chế phối hợp liên ngành trong phòng, chống BLGĐ. Các đề án về gia đình và phòng, chống BLGĐ cũng được phê duyệt trong thời gian này.

Công tác gia đình được các địa phương quan tâm hơn. Các ngành, đoàn thể cùng vào cuộc trong triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ của công tác gia đình.

Tình hình BLGĐ ở các địa phương đã có dấu hiệu giảm dần về số vụ, nhận thức của người dân về pháp luật được nâng cao sau mỗi năm. Nhận thức của người dân về gia đình và phòng, chống BLGĐ được nâng lên rõ rệt. Các cấp, các ngành chủ động phối hợp lồng ghép tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình với cuộc vận động phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”

PV: 15 năm là 15 chủ đề kèm theo những thông điệp cụ thể. Theo bà, chủ đề nào mang nhiều ý nghĩa nhất?

Tiến sỹ Trần Tuyết Ánh: Mỗi chủ đề, mỗi thông điệp khi xây dựng được lựa chọn rất cẩn thận, đều ẩn chứa những ý nghĩa nhân văn, giáo dục để hướng đến mục tiêu chung là xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Do vậy, thật khó để nói chủ đề nào mang nhiều ý nghĩa hoặc sâu sắc hơn chủ đề nào bởi mỗi chủ đề được gắn với bối cảnh thời gian, không gian nhất định. Chủ đề “Bưa cơm gia đình ấp áp yêu thương” được lựa chọn có tính liên tục mấy năm qua nhằm thông qua bữa cơm khơi dậy những giá trị nhân văn, tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Bữa ăn của người Việt không chỉ để thỏa mãn nhu cầu sinh học mà còn thỏa mãn nhu cầu xã hội, là nơi để các thành viên quan tâm, chăm sóc, chia sẻ và giáo dục con cháu về nền nếp gia phong, về kỹ năng, kinh nghiệm trong cuộc sống.

Xin trân trọng cảm ơn bà!

Theo Hoàng Anh - Báo Phụ nữ Việt Nam (HM)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video