Cuộc “trốn chạy” của nạn nhân bị hiếp dâm

17/05/2008
Từ ngày cô con gái 14 tuổi bị hiếp dâm, gia đình anh sống không khác nào cuộc “chạy trốn” để nuôi con. Chỉ cần một chút gì khơi gợi lại tội ác quá khứ, anh chị có thể mất con bất cứ lúc nào.

Có nhà, vẫn phận “tha phương”

Chúng tôi bấm số máy của anh Chiến, bố cháu N. - cô bé ở Đại Đồng, Văn Lâm, Hưng Yên bị xâm hại bởi “ông chú” hàng xóm khi cháu mới 14 tuổi. Rất nhiều hồi chuông, không ai trả lời… Gọi lại lần thứ 3, anh Chiến nhấc máy, xưng tên. Nhưng hơi lạ, anh đáp lại những câu hỏi bằng câu trả lời không hề ăn khớp. Giọng nói tỏ ra rất vui vẻ, anh Chiến lặp đi lặp lại: “Đang đến 20 Thụy Khuê đây, chừng 10 phút nữa”, rồi tắt máy.

20 phút sau, chúng tôi chạy tới địa chỉ anh nói, chiếc xe biển 89 (Hưng Yên) dựng trên vỉa hè ngay trước biển tên “Trung tâm phụ nữ và phát triển”. Vào một quán cà phê gần đó, anh Chiến bắt đầu câu chuyện: “Lúc nãy đang chở cháu, không dám nghe điện thoại, cũng không trao đổi thẳng được. Hiểu ra nội dung cháu sẽ lại nhớ đến chuyện khủng khiếp và sẽ lại hoảng loạn”. Đôi mắt mệt mỏi của người cha dờm dợm nước.

Hôm nay, anh Chiến đưa con gái đến “Ngôi nhà bình yên” (nơi hỗ trợ nạn nhân bị bạo hành) của Trung tâm phụ nữ và phát triển - Hội liên hiệp phụ nữ VN để thăm các cô, các chị N. đã từng sống cùng hơn 3 tháng, cũng là để có người chuyện trò, như một biện pháp trị liệu tâm lý. Khó khăn để kể lại sự việc, anh Chiến đưa cho chúng tôi bản án sơ thẩm tòa án huyện Văn Lâm, Hưng Yên xét xử ngày 3/4/2008 vừa qua. Thủ phạm gây ra nỗi đau cho cô bé 14 tuổi, nhận một cái án nhẹ nhàng: 4 năm tù giam.

Vụ án “hiếp dâm trẻ em” xảy ra chiều 9/6/2007. Ngô Văn Phú (SN 1970) hàng xóm sát vách gia đình anh Chiến - chị Cúc trèo tường nhảy vào vườn nhà. Anh Chiến khi đó vẫn trên Hà Nội, đi làm thuê để chăm cậu con trai lớn đang học cao đẳng ở đây. Chị Cúc đi làm đồng chưa về. Cháu N. ở nhà một mình, đang tắm, phòng tắm không đóng cửa.

Nhìn thấy chú hàng xóm đột ngột xuất hiện ngay trước mặt, cháu N. vội đóng cửa. Phú xô tới nhà tắm, N. hoảng sợ kêu lên: “Chú đi đi, nếu không cháu sẽ kêu lên bây giờ”. Phú xông vào phòng tắm giở trò đồi bại, cháu N. giằng co chống cự và cắn được vào tay Phú. Cô bé chạy lên nhà, ôm mớ khăn áo đầy “vết tích”, cuốn chặt chăn nằm khóc trong bóng tối chờ mẹ về.

Hôm sau, anh Chiến về, đưa con đi viện và trình báo công an huyện Văn Lâm. Ngô Văn Phú bị bắt, bị khởi tố về tội “hiếp dâm trẻ em” và bị truy tố ở khung hình phạt 7-15 năm tù.

Từ ngày xảy ra sự việc, cháu N. luôn ở trong tình trạng hoảng loạn, thỉnh thoảng lại lên cơn co giật. Vợ chồng anh Chiến cắn răng nghỉ làm, đưa con đi lại Hà Nội chạy chữa. Khi N. bắt đầu đi học trở lại thì hung thủ được tạm tha (27/11/2007), cô bé nhìn thấy “chú râu xanh” giật bắn người, lại hoảng loạn, đầu đau buốt, co giật. Trong đêm, anh Chiến - chị Cúc lại gọi xe đưa con đi cấp cứu.

16 ngày nằm trong viện Bạch Mai và những buổi trị liệu với chuyên gia tâm lý, anh chị đành để con vào “ở lánh” tại “Ngôi nhà bình yên” đến cuối tháng 4 vừa qua. Hiện tại, anh thuê một căn phòng nhỏ trong một xóm trọ tại khu Cầu Bươu để ở chăm con. Nhà cửa đàng hoàng ở Hưng Yên đành khóa cửa bỏ không.

Âm thầm đấu tranh…

Nói về tình hình hiện tại của con, người cha lại trào nước mắt: “Cháu đã phải bỏ học hoàn toàn. Hiện vẫn buồn vui lẫn lộn, tính cách thất thường, lúc cười lúc khóc một mình…”. Cả gia đình hiện tại chỉ biết cố chạy, chiều theo những ý thích như ngây dại của cô bé 14 tuổi.

Vợ chồng anh Chiến hơn nửa tháng nay sống trong cảnh lo lắng, tính toán sao để không lọt một chi tiết, một câu chuyện nào gợi cho con gái nhớ tới sự việc kinh hoàng vừa qua với cháu. Một mẩu tin trên báo, một cảnh tình cảm trên phim gợi cảnh nam nữ… cô bé lại lập tức trở nên lầm lỳ, hoảng sợ, lảng tránh và xa cách bố mẹ.
Vậy nên hồ sơ vụ án, những bài báo, kiến nghị của các cơ quan đoàn thể liên quan đến việc của con, anh chị phải cẩn thận giấu kín. Phiên tòa diễn ra, chị Cúc phải nói dối đi làm, giao cậu con trai cả đưa em đi chơi để anh chị về quê dự tòa. Không đồng tình với bản án “nương tay” cho bị cáo, gia đình lại âm thầm qua lại chỗ luật sư Trần Đình Triển (người nhận bảo vệ miễn phí cho N. trong vụ án) để đơn từ khiếu nại, chống án.

Anh Chiến là thợ cơ khí, công việc phải làm đêm. Chị Cúc mấy tháng nay xin được việc trong một xưởng may, tháng lương ba cọc ba đồng. Hai vợ chồng thuê một căn phòng 12m2 làm chỗ cho chị và con gái sinh hoạt. Anh Chiến xin cho cậu con trai đêm đêm “tá túc” nhờ trong xưởng cơ khí bố làm việc. Ban ngày, chị đi làm, con trai đi học, anh lại về căn phòng thuê ngủ và chăm con gái.

Anh chị giấu biệt chỗ ở, không bạn bè, không khách đến chơi. Chỉ một người đàn ông khác ngoài bố và anh trai đứng cửa nhìn vào phòng, N. lại hoảng sợ, tìm cách chạy trốn và “biệt giao” luôn với bố mẹ mấy ngày. Cô bé không làm quen, không chơi với ai trong khu xóm trọ. Thỉnh thoảng, anh Chiến lại về Hưng Yên đưa mấy người bạn gái thân của N. lên chơi cho con khuây khỏa, theo sát từng bước, “canh” để bọn trẻ không lỡ lời nói về việc đã xảy ra.

… và lặng lẽ “trốn chạy”

Người cha vẻ mặt khắc khổ, trầm ngâm: “Lo nhất là tương lai của cháu. Cuộc đời nó sẽ thế nào đây với một cú sốc khủng khiếp. Làm sao để con bé hòa nhập lại cuộc sống. Cả gia đình tôi như đang đứng giữa sông giữa biển, hoang mang không biết làm cách nào…”. Các bác sĩ kết luận N bị chấn thương tâm lý nhưng cũng không biết khi nào có thể lành, chỉ biết hi vọng, trông chờ vào thời gian. Mà thời gian thì biết đến khi nào?

Anh Chiến cười buồn, nhiều lúc 2 vợ chồng gần như quẫn, đêm chỉ biết ôm con khóc. Bao lần, anh còn phải cố trấn tĩnh vợ, ngăn nước mắt của người đàn bà xót con vỡ òa ngay trước mặt cô bé. N. trở thành ngây ngô, vui buồn như trẻ con và cũng nhạy cảm, dễ tủi thân như trẻ con nhưng lại không dễ quên, dễ bỏ qua như thế.

Bản án xử phạt kẻ gây tội ở mức dưới khung. Tòa áp dụng một tình tiết giảm nhẹ “thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải” trong khi 3-4 lần phiên tòa hoãn đi hoãn lại, bị cáo luôn miệng “cãi ngược”, đổ lỗi do nạn nhân chủ động “mơi” trước. Tòa sơ thẩm cũng quyết mức bồi thường tổn thất danh dự cho nạn nhân là 10 tháng lương tối thiểu (5,4 triệu đồng) và 4 triệu đồng đền bù chi phí nghỉ việc và chữa trị cho con của anh Chiến, chị Cúc.

Biến cố đối với cả một gia đình đang trong ấm ngoài êm, thời gian hơn nửa năm cuộc sống “tha phương” lay lắt của 4 con người và tương lai bất định của họ được quyết bù đắp bằng hơn 9 triệu đồng. Người cha chua xót chảy nước mắt: “Cảnh nông dân giữa đất Hà Nội, thân cô thế cô, chúng tôi không biết kêu cầu chỗ nào. Gần 1 năm nay theo đuổi việc này, cả nhà cũng đã quá khổ”.

Người cha mắt mờ đục ngồi tính chuyện tương lai, không thể nghĩ tới việc đưa vợ con trở về nhà sống vì chỉ sợ một phút, một việc làm N. chạnh lòng, anh chị có thể mất con bất cứ lúc nào. Nếu không trụ nổi cuộc sống ở đất Hà Nội, anh chị sẽ tìm cách đưa con đi thật xa, không quen biết, đụng chạm ai để cắm dùi, lập nghiệp lại. Cuộc sống từ ngày tai ác đó với anh chị không khác nào “chạy trốn” để nuôi con.

Điện thoại đổ chuông, anh vội đứng dậy. N. gọi, anh phải quay lại “Ngôi nhà bình yên” để đón con về lại căn phòng trọ bình dân bé nhỏ lẩn lút, khó tìm ở khu vực Cầu Bươu - Thanh Trì.

 

Theo P.Thảo
Dân trí

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video