Cụ bà 81 tuổi vẫn lạc quan, yêu đời nhờ hăng say với cây đàn măng đô lin

24/12/2021
Qua lần gặp gỡ bà Hồ Thị Ấm (81 tuổi) ở thôn 2, xã Nghĩa Lâm, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi mới thấy hết sức sống tiềm tàng và tâm hồn lạc quan, yêu đời chất chứa ở người phụ nữ xuất thân từ miền quê giàu truyền thống cách mạng nhờ hăng say với đàn măng đô lin.
Bà Hồ Thị Ấm say sưa với những ca khúc cách mạng bên cây đàn măng đô lin

Ở tuổi của bà Ấm có lẽ không mấy người còn minh mẫn thuộc lời từng ca khúc, ngồi ôm đàn vừa gảy vừa hát. Những ngón tay nhăn nheo đã điểm chấm đồi mồi của bà Ấm thoăn thoắt trên những sợi dây đàn măng đô lin, đánh lên các ca khúc cách mạng hùng hồn, những bài ca trữ tình sâu lắng.

Sinh ra và lớn lên ở làng quê giàu truyền thống cách mạng và văn nghệ nên cái thú ham mê âm nhạc như một phần tất yếu trong cuộc sống của bà. Từ năm 11 tuổi, bà thường nghe mẹ đàn các bài về cách mạng, về tình yêu quê hương, đất nước và làm quen với cây đàn măng đô lin từ đó. “Mẹ tôi bắt đầu dạy cho tôi học đánh đàn măng đô lin từ những bước cơ bản. Hồi đó, lúc rảnh rỗi mẹ đánh đàn cho anh em chúng tôi nghe. Nhìn mẹ say sưa với tiếng đàn măng đô lin, tôi cũng thích thú hòa mình theo điệu nhạc. Tôi học từ mẹ và tự mày mò, tập tành, rồi cũng đánh được những bài hát đơn giản”, bà Ấm bộc bạch.  

Những năm 1950, 1951, nhà bà Ấm trở thành nơi nuôi quân, tiếp tế lương thực cho bộ đội và bà đã có cơ hội gặp gỡ các chiến sĩ cách mạng, nghe các chú, các anh đàn hát càng khiến bà thêm yêu quê hương, đất nước và yêu tiếng vang trong trẻo của đàn măng đô lin.  

“Trong những năm chiến tranh gian khó, ở xã Nghĩa Lâm có đội văn nghệ nhiều người biết chơi đàn măng đô lin, có người chơi đàn vi ô lông. Hiện nay, ở xã chỉ còn có 3 người chơi đàn măng đô lin trong đó có tôi”, cụ Ấm chia sẻ. Trong gia đình, 7 anh chị em của cụ Ấm đều yêu thích chơi đàn măng đô lin, nên mỗi dịp về quê là cơ hội để cùng “đồng ca” và chơi đàn.

Về sau, chiến tranh ngày càng ác liệt, bà Ấm gác lại niềm vui với tiếng đàn măng đô lin để tham gia hỗ trợ, tiếp tế nhu yếu phẩm, thuốc men phục vụ kháng chiến.  Năm 1969, chồng bà Ấm hy sinh. Sau bao nhiêu năm tháng chịu thương, chịu khó, bà đã nuôi dưỡng các con nên người, thành đạt. Bên cạnh chăm lo nuôi dạy các con, bà Ấm cũng tích cực tham gia công tác hội phụ nữ ở địa phương, đồng thời luôn giữ niềm đam mê với tiếng đàn, ca hát.

Ở cái tuổi gần đất xa trời nhưng tình yêu với âm nhạc, với cây đàn măng đô lin của bà Ấm chẳng khi nào vơi cạn. Cứ mỗi ngày bà lại ôm đàn hát để nuôi dưỡng tâm hồn không tuổi, đó như liều thuốc bổ tinh thần, được thỏa niềm đam mê ca hát hay có khi chỉ là tìm một thú vui tao nhã cho tuổi già.

Như Đồng

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video