Công tác tiếp nhận và hỗ trợ phụ nữ, trẻ em bị buôn bán trở về

10/10/2007
Nhận thông báo từ tổ chức Di dân quốc tế (IOM), Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội An Giang phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm tệ nạn xã hội, Phòng Cảnh sát xuất nhập cảnh Công an tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã tổ chức tiếp nhận 5 nạn nhân bị buôn bán trở về qua cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh). Trong đó có 3 em ở huyện Châu Thành, 1 em ở Tân Châu và 1 ở Phú Tân.

Đồng chí Nguyễn Bảo Yến, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội An Giang cho biết: Từ đầu năm đến nay, Chi cục đã tiếp nhận 9 nạn nhân bị buôn bán trở về, trong đó có 2 người bị dụ dỗ đưa sang Malaysia. Ngoài ra, Chi cục đang xác minh lập hồ sơ 2 nạn nhân do Bộ đội Biên phòng tiếp nhận qua cửa khẩu Long Bình (An Phú). Đặc biệt, tại huyện An Phú có 5 nạn nhân tự trở về, nâng tổng số nạn nhân tự trở về đến nay là 16 người. 9 nạn nhân được tiếp nhận trở vềban đầu được lưu trú tạm thời tại Trung tâm Hỗ trợ xã hội tỉnh, được lập hồ sơ tư vấn, khám sức khỏe, xét nghiệm máu, hỗ trợ tiền tàu xe và trợ cấp khó khăn ban đầu giúp nạn nhân ổn định cuộc sống khi hồi gia. Tổng số tiền hỗ trợ hơn 5 triệu đồng, trong đó Tổ chức Vòng tay Thái Bình hỗ trợ 2 triệu đồng. Ngoài ra, Chi cục còn phối hợp Tổ chức Vòng tay Thái Bình và Hội Liên hiệp Phụ nữthực hiện nhiều biện pháp nhằm giúp hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập. Trong đó có 2 trường hợp được Tổ chức Vòng tay Thái Bình và IOM hỗ trợ dài hạn để tiếp tục học trường THPT nội trú tại TP.Hồ Chí Minh. Một trường hợp khác là Võ T.T (An Phú) được hỗ trợ xe đẩy buôn bán nhỏ và một trường hợp ở TX. Châu Đốc được đưa đi học nghề trang điểm và làm móng tại TP.Hồ Chí Minh...

Không chỉ hỗ trợ cho nạn nhân bị buôn bán trở về, Chi cục còn phối hợp các địa phương mở 5 lớp dạy nghề may công nghiệp, dệt thổ cẩm, đan thảm lục bình... cho gần 160 lao động nữ là những đối tượng có nguy cơ tham gia. Các chị được đào tạo nghề miễn phí. Tổng kinh phí dạy nghề từ ngân sách hơn 120 triệu đồng. Bên cạnh đó, Chi cục còn in ấn 15.000 tờ rơi về công tác phòng ngừa buôn bán phụ nữ và trẻ em qua biên giới phát cho các huyện An Phú, Châu Phú, TP.Long Xuyên, Bộ đội Biên phòng, Đoàn Thanh niên... Đồng thời duy trì sinh hoạt 11 Câu lạc bộ phụ nữ, trẻ em ở 11 xã điểm. Nội dung sinh hoạt các chủ đề về phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em, phòng ngừa trẻ em bị xâm hại tình dục, phòng chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm...

Nhờ sự phối hợp giữa các ngành liên quan và các địa phương chặt chẽ, hiệu quả và có sự tham gia tài trợ của các tổ chức quốc tế trong công tác tư vấn và hỗ trợ nạn nhân, nên công tác tái hòa nhập cộng đồng cho phụ nữ và trẻ em bị buôn bán trở về luôn được thực hiện tốt.


 

 

Theo Hạnh Châu – báo An Giang

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video