Có một tình yêu như thế

11/04/2005
Tiếp chúng tôi trong ngôi biệt thự cũ nằm trên đường Đào Duy Từ, TP Đà Lạt là một người phụ nữ mảnh mai với ánh mắt đượm buồn. Vậy mà những gì bà đã chịu đựng thật trái ngược hẳn với vẻ bề ngoài yếu ớt đó. Bà tên là Cao Thị Quế Hương, nguyên Hội trưởng Hội LHPN TP Lâm Đồng. Câu chuyện bà kể cho chúng tôi nghe thật cảm động:

Cô sinh ra ở Huế. Năm 1963, khi đang là sinh viên của trường ĐH Sư phạm Sài Gòn, cô bắt đầu tham gia vào phong trào đấu tranh của học sinh sinh viên với các hoạt động xã hội, từ thiện đòi hòa bình. Tháng 2/1968, thời gian sau đợt 1 Chiến dịch Mậu Thân, TP Sài Gòn trở nên sôi động và hừng hực khí thế của cuộc Tổng công kích. Tổng hội sinh viên Sài Gòn tổ chức các trung tâm “Cứu trợ đồng bào bị nạn”, bạn bè sinh viên học sinh tập họp đông đảo và làm việc hăng say ở những nơi này. Đồng bào ở các khu vực có chiến sự được tập trung về đây để tránh bom đạn. Anh em học sinh, sinh viên phục vụ những công việc như nấu cơm, phân phối thuốc men, cứu thương, đồng thời qua đó mà vận động người tham gia vào tổ chức sinh viên giải phóng. Chính tại đây, cô đã gặp anh Ba Triết, người đã làm cho cô khâm phục ngay từ lần nói chuyện đầu tiên.

 

Qua công tác được giao là phụ trách phong trào sinh viên ĐH Văn khoa, cô nhiều lần gặp anh Ba Triết để nhận công tác hoặc lấy tài liệu. Thế rồi, tình cảm đặc biệt hơn cả tình bạn bè và tình đồng chí dần dần được hình thành.

 

Có lần khi đang ở căn cứ thì gặp địch đi càn. Cô được anh em bảo vệ bố trí xuống hầm bí mật với 3 anh nữa, trong đó có anh Ba Triết. Mùa mưa, hầm đầy nước và bùn, ngồi ngập tới cổ. Con gái mà ngối dưới bùn như vậy thì khổ vô cùng. Nhưng biết làm sao được. Nắp hầm lại bị sập, anh Ba Triết phải dùng đầu và tay đỡ nắp hầm. Các cô đã ngồi rất lâu như thế. Phía trên nghe rõ cả tiếng bọn lính nói chuyện với nhau. Tất cả đều nín thở, không một cái khua chân, dù rất nhẹ trong bùn. Tất cả đều nhủ thầm: nếu hầm bị địch phát hiện thì quyết bám hầm, thà chết chứ không lên.

 

Cuối năm 1968, cô được tin anh Ba bị bắt. 4 tháng anh trong tù là thời gian thử thách tình cảm của cả hai người. Đầu năm 1969, nhờ sự hỗ trợ của đồng đội, anh trốn thoát. Chúng tôi quyết định báo cáo với tổ chức và đơn vị về chuyện riêng. Nhưng chẳng bao lâu sau thì cả cô và anh ấy đều bị bắt. Không sao nói hết những trận đòn tàn bạo bọn địch đã sử dụng với chúng tôi! Nào dùi cui nện vào đầu gối, gan bàn chân, khuỷu tay, nào đi tàu bay, tàu lặn, nào kim đâm vào 10 đầu ngón tay, nào tra điện… Chúng uống rượu cho say để đánh cho hăng. Chúng nhét giẻ vào miệng khỏi nghe tù nhân la chửi. Mỗi lần tỉnh dậy trong phòng tra tấn, cô lại nhìn thấy ánh mắt dịu dàng thương yêu, ánh mắt động viên thông cảm và đầy cương quyết của anh Ba. Cô không sao quên được ánh mắt ấy trong suốt cuộc đờimình.

 

Tháng 4/1970, bọn giặc đưa các cô ra tòa án Quân sự vùng 3 chiến thuật. Tại phiên tòa, do áp lực của phong trào bên ngoài, chúng buộc phải thả 10 trong số 21 sinh viên học sinh bị bắt. Cô được tự do còn anh Ba vẫn bị giam giữ.

 

Ngày mà cô và anh Ba Triết bị bắt là chỉ còn 1 tuần nữa thì hai gia đình sẽ làm lễ kết hôn cho hai người. Còn ngày chia tay anh trước khi ra tòa không ngờ lại là lần cuối cùng cô được thấy ánh mắt thân yêu của anh. Tháng giêng năm 1973, anh đã ra đi vì đòn tra tấn của kẻ thù…”


Vâng, có lẽ ký ức của một thời đã vĩnh viễn không thể xóa nhòa trong lòng bà Quế Hương. Mối tình ngày đó đã theo bà suốt cả quãng đời còn lại. Bà đã lặng lẽ sống, lặng lẽ cống hiến, lấy công việc để quên đi sự mất mát to lớn mà không gì bù đắp được. Sau giải phóng miền Nam, bà là Ủy viên Ban Chấp hành Hội trí thức yêu nước TP Hồ Chí Minh. Tháng 4/1976, bà xung phong lên công trường Thái Mỹ, Củ Chi, vận động giới trí thức và thanh niên xung phong đi lao động, làm thủy lợi xây dựng nông trường của thành phố. Rồi bà chuyển lên Đà Lạt tham gia công tác phụ nữ. Bà đã trải qua các cương vị: Ủy viên thường vụ, Hội phó rồi Hội trưởng Hội LHPN tỉnh Lâm Đồng. Giờ bà đã nghỉ hưu với cương vị Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh.Hơn 30 năm trôi qua, bà vẫn sống một mình trong ngôi biệt thự cũ. Chia tay bà nhưng chúng tôi không thể quên câu chuyện về một tình yêu duy nhất.

Bài & ảnh: Phạm Kim Ngân

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video