Có một dự án của Hội góp phần phòng chống buôn bán phụ nữ, trẻ em

09/01/2008
Tình hình buôn bán phụ nữ, trẻ em ở Việt Nam vẫn diễn biến phức tạp, đa dạng với tính chất và quy mô ngày càng tinh vi, xảo quyệt, có tổ chức chặt chẽ trong nước và mang tính quốc tế. Điều này đã gây hậu qủa nghiêm trọng đối với tình hình an ninh chính trị, đời sống vật chất, tinh thần của nạn nhân, gia đình và cộng đồng, ảnh hưởng đến sự phát triển đất nước và khu vực.

Sự lo ngại

 

Theo báo cáo của Bộ Công an, tính từ năm 2005 đến nay, Việt Nam đã phát hiện 900 vụ, 1.600 đối tượng, có 2.200 phụ nữ trẻ em bị buôn bán, trong đó năm 2007 có 357 vụ, 670 đối tượng, 862 phụ nữ trẻ em, so với năm 2006 phát hiện hơn 29 vụ, 63 đối tượng.

 

Ngoài một số phương thức, thủ đọan bọn tội phạm đã sử dụng từ trước, năm 2007 nổi lên một số tình hình sau: xuất hiện một số đường dây buôn bán phụ nữ trẻ em Việt Nam qua nước thứ ba (Lào, Thái Lan, Ăng - gô - la, Nga..) vào các động mại dâm. Một số nữ học sinh, sinh viên cũng bị lừa bán ra nước ngoài. Nhiều phụ nữ bỏ nhà đi khỏi địa phương không rõ lý do, không có địa chỉ nghi bị lừa và bị buôn bán càng nhiều lên (theo kết quả điều tra, khảo sát, năm 1998-2005 có khoảng 8.000 người; năm 2006: 5.846 người; năm 2007: 5.982 người. Tình hình phụ nữ kết hôn với người nước ngoài ngày càng tăng, tập trung ở các tỉnh phía Nam. thậm chí không chỉ buôn bán đối tượng là phụ nữ trẻ em mà bọn tội phạm còn buôn bán nam giới ra nước ngoài (5 nam giới huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai bị 2 phụ nữ lừa bán cho chủ lò gach huyện Dương Hà, tỉnh Tây Giang –Trung Quốc; Nguyễn Văn Hòa ở Hải Dương bị Đỗ Thị Hồng lừa bán sang Trung Quốc) v.v…

 

Hầu hết các nạn nhân ở trong độ tuổi thanh niên, một số ít là trung niên. Họ bị buôn bán do thiếu thông tin, thiếu hiểu biết về thủ đoạn của bọn tội phạm buôn bán phụ nữ trẻ em, do đời sống khó khăn, thiếu việc làm, thích đi xa; quản lý nhà nước chưa chặt chẽ, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng chống buôn bán phụ nữ, trẻ em chưa đồng bộ, khó thực hiện…Tất cả đã tạo kẽ hở cho bọn tội phạm bất chấp thủ đoạn để buôn bán người (gọi là “hàng hoá tươi sống” có lợi nhuận cao). Một số phụ nữ từng là nạn nhân cũng đã trở thành tội phạm buôn bán người.

 

Tác động dự án

 

Xác định ảnh hưởng nghiêm trọng của nạn buôn bán phụ nữ trẻ em, Đảng và Chính phủ Việt Nam đã ban hành các chủ trương, chính sách nhằm phòng chống buôn bán người, trong đó có buôn bán phụ nữ, trẻ em. Với vai trò là tổ chức chính trị - xã hội, Hội LHPN Việt Nam trong thời gian qua đã tích cực thực hiện và phối hợp với nhiều bộ, ngành, đoàn thể, tổ chức có liên quan tham gia công tác phòng chống buôn bán phụ nữ, trẻ em.

 

Từ năm 2001, Hội LHPN Việt Nam và Tổ chức Hỗ trợ Hành động viện trợ Anh tại Việt Nam (Action Aid Việt Nam - AAV) đã phối hợp thực hiện dự án “Nâng cao năng lực phòng chống buôn bán phụ nữ trẻ em Việt Nam” tại Thị trấn Gò Dầu (huyện Gò Dầu) và thị trấn Hoà Thành (huyện Hoà Thành) tỉnh Tây Ninh. Năm 2002, dự án mở rộng thực hiện tại 18 xã thuộc 12 huyện 7 tỉnh: Tây Ninh, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hoá, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai. Tháng 6/2004, dự án tổng kết và tiếp thục thực hiện trong giai đoạn mới với tên gọi Dự án “Nâng cao năng lực cho cộng đồng và nhóm có nguy cơ cao để giảm thiểu nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em”.

 

Dự án được triển khai tại 16 xã thuộc 8 huyện của 4 tỉnh, thành phố: Ninh Bình, Nam Định, Hải Phòng, Cao Bằng.

 

Qua hơn 3 năm thực hiện (6/2004-12/2007) Với sự nỗ lực của Hội LHPN các cấp tại địa bàn, dự án đã tổ chức nhiều hoạt động: khảo sát tình hình buôn bán phụ nữ trẻ em; tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên; truyền thông nâng cao nhận thức cho cộng đồng và các đối tượng có nguy cơ cao; xây dựng và mở rông các mô hình truyền thông phòng chống buôn bán phụ nữ trẻ em hiệu qủa tại các địa bàn dự án; hỗ trợ phụ nữ trẻ em có nguy cơ cao và nạn nhân bị buôn bán trở về tái hoà nhập cộng đồng.

 

Hội LHPN tỉnh Nam Định đã tổ chức thảo luận nhóm 180 người, phỏng vấn 360 đối tượng, tổ chức 1 lớp tập huấn cho 70 phụ nữ có nguy cơ cao và đã bị buôn bán nay trở về cộng đồng; Hội LHPN tỉnh Cao Bằng khảo sát nắm thông tin qua 160 nhóm, phỏng vấn 60 gia đình có người thân bị buôn bán, lấy chồng nước ngoài; phỏng vấn sâu 60 đối tượng bị buôn bán đã trở về và những người có nguy cơ cao bị buôn bán; Hội LHPN TP Hải Phòng khảo sát nắm tình hình 200 phụ nữ lấy chông nước ngoài, tìm hiểu hoàn cảnh những chị em bị buôn bán đã về lại cộng đồng. Qua khảo sát, nắm tình hình, các tỉnh thành Hội đã xây dựng kế hoạch, đề ra các giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng BBPNTE.

 

4 tỉnh dự án đã tổ chức 27 lớp tập huấn cho 1.023 cán bộ, hội viên, phụ nữ về PCBBPNTE; tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, toạ đàm, diễn đàn về PCBBPNTE ở 4 tỉnh thành Hội; tổ chức 164 buổi tuyên truyền (mít tinh, diễu hành) thu hút hang chục ngàn phụ nữ, thanh thiếu niên tham gia; tổ chức thi viết, thi thơ ca, kể chuyện, thi ứng xử tình huống, tìm hiểu kiến thức về PCBBPNTE; xây dựng đội văn nghệ tuyên truyền lưu động về phòng chống BBPNTE; thường xuyên tuyên truyền tin về PCBBPNTE với các tiểu phẩm, phóng sự, chuyên mục phong phú, hấp dẫn nhiều người tham gia. Hàng ngàn tài liệu, tờ rơi, lịch, sổ tay, khẩu hiệu, panô, áp phích…đã được phát hành tại các địa bản của dự án. Hoạt động tư vấn cũng được các cấp Hội tại 4 tỉnh quan tâm. Từ tháng 6/2005 – 2007, Hội LHPN TP Hải Phòng đã tư vấn cho hơn 200 lượt phụ nữ trẻ em bị buôn bán tái hào nhập cộng đồng về PCBBPNTE.

 

Trong 3 năm, có 54 câu lạc bộ về PCBBPNTE đã được thành lập với 3.153 thành viên là phụ nữ bị buôn bán, lấy chồng nước ngoài trở về, phụ nữ có nguy cơ cao. Các CLB đã tổ chức sinh hoạt với các nội dung: góp vốn, hỗ trợ thành viên phát triển kinh tế gia đình, thi phổ biến kiến thức qua hái hoa dân chủ, kể chuyện, văn hoá, văn nghệ, liên hoan, giao lưu các mô hình CLB…thu hút hàng ngàn người dân trong cộng đồng tham gia.

 

Không chỉ giúp đỡ về tinh thần, dự án đã có nhiều hoạt động hỗ trợ nạn nhân tái hoà nhập cộng đồng. Dự án đã tổ chức được 4 lớp dạy nghề mây tre đan, dệt chiếu, thêu ren xuất khẩu cho 130 phụ nữ nghèo, đến nay có 80% chị em học nghề duy trì việc làm, mức sống ổn định; tổ chức 13 lớp tập huấn về khởi sự kinh doanh, kiến thức khoa học kỹ thuật, về giới; tín chấp cho 407 chị vay vốn hơn 2 tỷ đồng để làm kinh tế gia đình. CLB tỉnh Nam Định đã vận động xây dựng quỹ hỗ trợ cho hơn 20 lượt thành viên vay vốn từ 300 ngàn đến 400 ngàn đồng ổn định cuộc sống. Mô hình “Nhóm phụ nữ cùng tiến” xã Đồng Sơn, tỉnh Nam Định có 9 thành viên bị buôn bán trở về đã được nhóm hỗ trợ vay vốn, tập huấn kiến thức, phát triển sản xuất, mức sống nâng lên rõ rệt, được phổ biến kinh nghiệm ở trong nước và nước ngoài. Đối với những chị em nghèo gặp nhiều khó khăn, dự án đã vận động cộng đồng giúp đỡ, hỗ trợ về vật chất, tinh thần; động viên đến nhà tạm lánh của TW Hội để học nghề, ổn định cuộc sống.v.v…

 

Nhũng hoạt động của dự án đã có hiệu quả rõ rệt, tình trạng phụ nữ, trẻ em bị lừa bán đã giảm rõ rệt. Nhiều nạn nhân đã tự tin, ổn định cuộc sống, trở thành báo cáo viên, tuyên truyền viên tích cực của chương trình PCBBPNTE . Vai trò, vị thế của Hội LHPN Việt Nam và các tổ chức chính quyền, đoàn thể được nâng lên trong công tác PCBBPNTE.

 

Cần có sự nỗ lực tiếp theo

 

Tuy nhiên, để kết quả của dự án được vững bền, có sức nhân rộng, lan toả Hội LHPN Việt Nam cần tập trung nguồn lực vào các hoạt động: nâng cao chất lượng hơn nữa đội ngũ cán bộ Hội trong việc nắm tình hình liên quan đến BBPNTE; đa dạng hoá các hình thức tuyền truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho phụ nữ, thanh thiếu niên và cộng đồng về tác hại, thủ đoạn của tệ nạn BBPNTE; mở rộng mạng lưới cộng tác viên, báo cáo viên, tuyên truyền viên; tăng cường hỗ trợ các hoạt động dạy nghề, tạo việc làm, vay vốn phát triển kinh tế gia đình cho phụ nữ và nhân rộng các mô hình hiệu quả của dự án sang những địa bàn khác… 

Trung tâm thông tin

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video