Cơ hội hoàn lương cho phụ nữ mại dâm ở Kenya

29/07/2011
Từ chính sách cho những người có hoàn cảnh khó khăn vay những khoản không chính thức, nhiều phụ nữ nghèo Kenya đã có chút vốn nhỏ để kinh doanh, không phải đi bán thân. Một tương lai mới đã đến với nhóm phụ nữ yếu thế dễ bị tổn thương trên đất nước này.

Bước đường cùng

Kenya vốn là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới với tỷ lệ thất nghiệp cao và nhiều khu ổ chuột sập xệ. Mathare là một nơi như vậy. Tuy chỉ cách trung tâm Thủ đô Nairobi 5km nhưng tại đây lại là khu ổ chuột tồn tại lâu đời nhất ở Kenya. Có đến 200.000 người sinh sống trên một dải đất hẹp, đến nay 85% các túp lều đó là của các bà mẹ đơn thân. Không gian nhỏ, không có nước, bệnh lây nhiễm và nguy cơ suy dinh dưỡng đang đe dọa mẹ con họ.

Không chỉ có thế, tội phạm, tệ nạn mại dâm và tình trạng vô pháp luật đang là thực tế phổ biến ở đây. Đối mặt với sự coi khi và xa lánh của xã hội, nhiều người phụ nữ ở Kenya đã chọn con đường làm gái bán dâm trong các khu ổ chuột để mưu sinh. Làm việc với cường độ cao, điều kiện nguy hiểm khiến nhiều người bị mắc HIV/AIDS. Biết là nguy hiểm nhưng những người phụ nữ khốn khổ ấy không còn cách nào khác bởi họ là nguồn lao động duy nhất đem lại thu nhập cho gia đình. Con cái, đôi khi cả bố mẹ già, đều trông vào những đồng tiền ít ỏi mà các cô kiếm được.

Làm việc với áp lực cao và mối đe dọa bị cưỡng hiếp, bạo lực luôn khiến họ bất an. Do đó, nhiều người đã phải tiêu tốn nhiều tiền cho việc chữa trị suy nhược và trấn an tâm lý. Theo điều tra, tiền thu được từ bán dâm dùng để chi nhiều nhất cho việc mua thực phẩm cho gia đình, sau đó là đến nhu cầu của con cái, bố mẹ và cuối cùng mới là bản thân họ.

Hoàn lương

Nhận thấy sự khó khăn của những người phụ nữ khốn khổ, các ngân hàng kết hợp với các tổ chức tài chính và một số doanh nghiệp đã tìm cách giúp đỡ họ. Ngân hàng cho những cô gái từng bán dâm vay một khoản tiền nho nhỏ làm vốn kinh doanh. Đây có thể là một rủi ro thương mại nhưng nó mang lại hy vọng sống cho những người phụ nữ từng vấp ngã. Ông James Mwangi, Giám đốc điều hành Ngân hàng Sở hữu phát biểu trên mạng Tin tức Phụ nữ, cho biết: “Chúng tôi cho gái mại dâm vay với mục đích nhằm giúp họ thoát khỏi cuộc sống hiện tại”. Trong một quốc gia mà thu nhập bình quân đầu người ít hơn 2USD một ngày, mục đích của tín dụng tài chính vi mô là để thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và cũng tạo cơ hội để giúp gái mại dâm làm lại cuộc đời.

Báo cáo của Chính phủ Kenya cho thấy, trong tỷ lệ người nghèo ở nước này, phụ nữ chiếm đa số. “Các nghiên cứu tại Kenya cho thấy, phụ nữ dễ bị nghèo hơn nam giới. Do đó, sự giải phóng tiềm lực sản xuất của phụ nữ cũng có ý nghĩa rất lớn trong việc phá vỡ chu kỳ đói nghèo”.

Theo đó, mỗi người sẽ được vay khoảng 700USD đến 6000USD và trở thành thành viên của một tổ chức tài chính vi mô đặc biệt dành cho phụ nữ để đáp ứng điều kiện tối thiểu của Hiệp hội các Tổ chức Tài chính vi mô (AMFI). Nhận được cơ hội mới, những phụ nữ này đều vui mừng nhưng cũng tỏ ra thận trọng. Họ sợ đói nghèo và thất bại hơn nếu từ bỏ con đường mại dâm để chuyển sang kinh doanh mà không thành công.

Để giải tỏa tâm lý e ngại, ngân hàng đã lên một kế hoạch trả nợ rất “sáng sủa”. Những phụ nữ Kenya sẽ được thường xuyên đến tổ chức làm việc và có kế hoạch trả nợ trong thời gian dài đủ để họ có thể thu xếp nhu cầu thiết yếu hàng ngày. Nếu các khoản vay được hoàn trả đầy đủ trong thời gian quy định, họ cũng có thể vay tiếp những khoản lớn hơn.

Bà Margaret Muchene là một trong số những gái bán dâm được đổi đời ở Kenya nhờ vốn vay nay mà hiện trở thành chủ doanh nghiệp may ở Kiambu. Với số vốn 3000USD vay được của Ngân hàng, bà đã mở một xưởng may và công ty quần áo. Ngày nay, không những Margaret thoát nghèo mà bà còn tạo thêm công việc cho hàng nghìn người phụ nữ khốn khổ khác.

Trong 10 tháng qua, chương trình này đã giúp đỡ cho hơn 7.000 người hoàn lương. Ông James Mwangi nói: “Chính phủ cũng hy vọng giảm bớt sự lây lan của HIV trong nước, thứ bệnh vẫn ngày ngày hoành hành ở Kenya từ chương trình cho vay này”.

Thời hạn tổng kết các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (năm 2015) đang tới gần. Trước hiệu quả thu được như ngày nay, người Kenya có thể tự tin trở thành một trong những nước đi đầu trong việc giảm đói nghèo, tạo việc làm cho những người phụ nữ từng lầm lỡ.

Theo Báo Phụ nữ Việt Nam

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video