Cô giáo trẻ vượt núi mang chữ tới vùng xa

08/08/2019
Cô giáo trẻ dám dấn thân, vượt qua rừng sâu, núi cao, mang theo tri thức đến cho các em học sinh là cô giáo Lã Thị Thanh Huyền - giáo viên cấp II đầu tiên của huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) có học vị tiến sĩ.

Khi chia tay khoa Văn học – trường Đại học KHXH&NV, mỗi sinh viên đều ấp ủ những ước mơ trở thành nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu, giáo viên... Rồi mỗi người một đường, một cuộc sống, một công việc riêng, và hầu như ai cũng muốn cuộc sống của mình thật đủ đầy, sung sướng.

Huyền sinh ra và lớn lên ở Thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Không như những sinh viên khác, cô chọn một con đường vô cùng chông gai... Huyền kể, ra trường, cô có ý định xin làm giáo viên dạy Văn tại một ngôi trường ngay tại thành phố Vinh. Nhưng một lần, sau khi xem phóng sự của Đài Truyền hình Nghệ An về những ngôi trường, những học sinh vùng sâu, vùng xa thiếu thốn đủ bề, cô đã quyết tâm đến với những em nhỏ nơi đây....

Nói là làm, Huyền làm đơn gửi Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh trình bày nguyện vọng lên công tác ở huyện miền núi biên giới Kỳ Sơn. Với tấm bằng cử nhân Văn học loại Khá cùng chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm, Huyền được nhận ngay vào Trường THCS Mường Lống làm giáo viên dạy Văn cấp II. Huyền tâm sự: “Quyết tâm là thế, nhưng những ngày đầu mình không thể tưởng tượng cuộc sống nơi vùng cao lại vất vả đến thế. Cách nhà 250 km, nhiều đoạn đường rất khó đi, đặc biệt là đoạn đường từ thị trấn Mường Xén vào xã Mường Lống. 50 km đường đất đỏ, vào ngày mưa hết sức trơn trượt, đi lại có khi mất cả một ngày trời. Thời tiết ở đây lại vô cùng khắc nghiệt. Cái gì cũng thiếu hết, từ điện, nước, đến thực phẩm, vật dụng sinh hoạt hàng ngày”.

Khó khăn chồng chất khó khăn. Một cô giáo trẻ mới ra trường không tưởng tượng nổi tại một nơi mà sự học của các em được “gán” hoàn toàn cho nhà trường và thầy cô giáo. Các cô phải vừa dạy, vừa dỗ dành, vừa động viên các em đi học. Thêm vào đó, sự khác biệt ngôn ngữ như muốn cản lại những tâm huyết của cô khi truyền lửa cho các em. Cô giáo không biết tiếng Mông, trong khi các em học sinh lại hạn chế tiếng Việt, thành thử cả cô và trò đều khó khăn trong việc truyền và tiếp nhận kiến thức, vậy nên, gần như không thể dạy theo đúng giáo trình, giáo án, sách giáo khoa và chương trình lên sẵn. Cô giáo trẻ Lã Thị Thanh Huyền đã tìm cách khắc phục bằng việc tích cực học tiếng Mông. Huyền chia sẻ: “Mình đã học tiếng Mông từ những giáo viên lâu năm của trường; tranh thủ mọi nơi mọi lúc để tìm cách giao tiếp với người dân Mường Lống, rồi học từ chính các em học sinh. Thời gian rảnh thì vào bản để tìm hiểu những phong tục tập quán, hiểu thêm về tính cách tộc người. Đây cũng là nền tảng để mình truyền kiến thức cho các em”.

Nhờ chịu khó học tiếng Mông và tìm hiểu phong tục tập quán của người dân nơi đây đã giúp cô giáo Huyền biết thêm được tính cách, đặc thù hoàn cảnh của từng học sinh, hiểu được tâm tư nguyện vọng của học sinh để bù đắp. Cô và trò càng xích lại gần nhau, kỹ năng nghe – nói – đọc – viết của các em học sinh cô dạy dần tốt lên, lượng tri thức được truyền tải nhiều hơn. Rồi từ lúc nào, Huyền trở thành một hình tượng cô giáo dạy giỏi, tận tụy trong lòng học sinh. Các em học sinh ngày càng quyến luyến và yêu quý Huyền. Cô cũng được các đồng nghiệp đánh giá cao về chuyên môn nghiệp vụ, là Tổ trưởng chuyên môn, luôn đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi, và từng đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp huyện. Với hơn 10 năm tuổi Đảng, Huyền là một đảng viên gương mẫu của Chi bộ Trường THCS Mường Lống.

 Ảnh minh họa
 Cô giáo Huyền (áo hồng) chụp ảnh lưu niệm cùng Hội đồng nghiệm thu Luận án.
Những tưởng thế là yên ổn cho một giáo viên trường huyện. Nhưng với Huyền vẫn là chưa đủ. “Trước đây mình nghĩ giáo viên cấp II có bằng Đại học là tốt rồi. Nhưng đến khi đi dạy học, trước sự ham học, ham hiểu biết của các em, lại dạy trong một ngôi trường đặc biệt, mình lại càng thấy không đủ, nếu cứ dạy và áp theo các quy định chuyên môn thì rất khó”. Để tìm tòi thêm về phương pháp dạy học, năm 2011 Huyền đăng ký thi, học thạc sĩ chuyên ngành Lý luận và phương pháp dạy học bộ môn Văn và tiếng Việt.tại khoa Ngữ văn, Trường Đại học Vinh. 

Năm 2013, sau khi bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ, Huyền được điều động về Trường PTDT Bán trú THCS Na Ngoi dạy học. Cũng như Mường Lống, Na Ngoi là một xã đặc biệt khó khăn của huyện Kỳ Sơn, đường xá đi lại thậm chí còn khó khăn hơn. Cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học thiếu thốn. Ý thức về học tập của các em học sinh chưa cao, nhiều học sinh bỏ học… Huyền lại một lần nữa trở thành người mẹ của các em; ngoài việc dạy học còn đi kèm nhiều công việc khác như quản lý học sinh, dạy các em nếp ăn, nếp ở, động viên khích lệ mỗi khi các em có việc vui, buồn…

Giảng dạy cho các học sinh dân tộc, Huyền rất băn khoăn về hệ thống giáo trình dùng chung cho cả nước. “Làm thế nào để dạy văn cho các em học sinh dân tộc Mông hiệu quả nhất, để các em thêm yêu và hiểu Văn?”. Câu hỏi đó khiến Huyền day dứt khôn nguôi. Cũng trong thời gian này, những giảng viên trường Đại học Vinh thường xuyên liên lạc, động viên Huyền nên tiếp tục phát triển luận văn về đề tài phương pháp dạy học cho học sinh người dân tộc Mông trở thành luận án… Được sự động viên, sự ủng hộ của ban giám hiệu và các giáo viên Trường PTDT Bán trú THCS Na Ngoi, năm 2014, cô giáo Lã Thị Thanh Huyền lại quyết tâm vượt khó, “xuống núi tìm chữ”.

Lần này, Huyền phải về tận Trường Đại học Sư phạm Hà Nội để học. Đường sá xa xôi, chi phí tốn kém. Thời gian đầu, Huyền chạy như con thoi giữa Hà Nội – Kỳ Sơn, vừa học, vừa dạy để có tiền lương cộng thêm tiền đứng lớp, đảm bảo học phí, tiền ăn ở, đi lại cũng như để nuôi con… Đến năm 2017, để tập trung vào việc nghiên cứu luận án, cô giáo Huyền xin tạm nghỉ công tác. Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, vừa qua, Huyền đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ “Phương pháp dạy môn Văn – Tiếng Việt cho học sinh người Mông” và được Hội đồng bảo vệ luận án đánh giá xuất sắc.

“Theo mình, dạy Văn không chỉ hướng tới vẻ đẹp ngôn từ mà hướng tới cho học sinh năng lực giao tiếp, kỹ năng nghe – nói – đọc tiếng Việt. Từ hiểu, yêu tiếng Việt, các em học sinh người Mông sẽ hiểu các môn học khác, rồi từ đó quay lại yêu môn Văn”. “Giờ mình đã có thể toàn tâm toàn ý cho việc dạy học. Chồng và các con mình là người dân tộc Mông. Mình yêu mảnh đất và con người nơi đây. Mình hãnh diện và tự hào khi được góp phần nhỏ bé mang tri thức đến cho mảnh đất gian lao mà kiên cường này”.

Chia tay cô bạn nhỏ bé mà kiên cường, tôi tự nhủ, cuộc đời này vẫn có quá nhiều điều tốt đẹp, bởi vẫn còn những người như cô giáo Huyền, giản dị mà đầy đức hy sinh, như một bông hoa nhỏ âm thầm tỏa hương thơm ngát giữa đời thường. Chúc Huyền luôn có đủ sức khỏe để tiếp tục thắp sáng những ước mơ nơi vùng xa!

dangcongsan

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video