Cô giáo tái chế sản phẩm đặc biệt từ vỏ mì tôm, tạo vòng đời mới cho rác thải nhựa

11/11/2020
Sau khi sử dụng, những chiếc vỏ mì tôm vô tri vô giác được cô Vũ Thị Thảo và học trò của mình tái chế thành những đồ vật thân thuộc trong được sống, đem đến cho rác thải một cuộc sống mới ý nghĩa hơn và có ích cho cộng đồng.
Cô Vũ Thị Thảo (giáo viên trường THPT Vinschool, Hà Nội), chủ nhiệm CLB Mì Tôm Xanh

Là một người yêu thích sản phẩm tái chế, cô Vũ Thị Thảo (giáo viên trường THPT Vinschool, Hà Nội) đã bắt đầu mày mò sáng tạo, thử nghiệm với nhiều vật liệu khác nhau. Cô chia sẻ: Sau khi thử làm nhiều vật liệu khác nhau, mình nhận thấy vỏ mì tôm đáp ứng được những yêu cầu về độ bền, độ dẻo và tính thẩm mỹ nên rất phù hợp để tạo ra các sản phẩm đồ dùng. Hơn nữa, mì tôm là thực phẩm được sử dụng rất nhiều trong đời sống. Mình có thể tận dụng số lượng lớn rác thải này để tái chế. Với ý tưởng đó, tháng 01/2020 cô đã cho ra đời sản phẩm đầu tay của cô là những chiếc đế lót cốc nhỏ xinh với màu sắc sặc sỡ.

Đến nay, câu lạc bộ Mì Tôm Xanh do cô Vũ Thảo và học sinh thành lập đã tạo được tiếng vang nho nhỏ trong cộng đồng những người yêu đồ tái chế với những sản phẩm đa dạng, thời trang và bền vững, được đan từ vỏ mì tôm như túi xách, túi đựng mỹ phẩm, lót ly, hộp bút….

CLB Mì Tôm Xanh đã sáng tạo ra nhiều sản phẩm thời trang, đồ dùng gia đình từ vỏ mì tôm

Cô Vũ Thảo cho biết: Để sử dụng được, vỏ mì phải được cắt ngang miệng, không xé dọc. Sau khi phân loại, các em học sinh sẽ dùng giấy lau sạch, cắt đi cạnh cứng, có răng cưa. Phần thừa này được thu gom lại và chuyển cho Công ty tái chế Rác là vàng, tránh xả ra môi trường. Sau đó, phần phần vỏ mì còn lại được cuộn tròn thành những que dài. Cô Thảo sẽ dùng những que này để đan, hoàn thành sản phẩm.

Để hoàn thiện một sản phẩm, cần tỉ mỉ, dành tứ 2 đến 12 tiếng, chưa kể công đoạn làm sạch. Nhưng thay vì kết thúc số phận trong thùng rác hay lang thang ngoài môi trường hàng trăm, chục năm, thì chiếc vỏ mì tôm vô tri vô giác sẽ được sống một cuộc sông mới ý nghĩa hơn dưới hình dạng những đồ vật thân thuộc như túi xách, lót ly, lọ đựng hộp bút. Chỉ cần ta sáng yêu môi trường và sáng tạo một chút, chỉ một chiếc túi, đã giảm được 300 vỏ rác thải nhựa ra khỏi môi trường. Mỗi sản phẩm ra đời với sứ mệnh góp phần giảm thiểu "ô nhiễm trắng", nâng cao ý thức của cộng đồng đối với đồ nhựa. Đó là thông điệp của câu lạc bộ Mì Tôm Xanh.

Những sản phẩm tái chế từ vỏ mì tôm của cô và trò được nhiều người yêu thích

Lúc đầu, khi các em học sinh, đồng nghiệp của cô Thảo gom vỏ mì tôm để trong bếp, có những người đã từng bị người thân mắng và vứt đi. Chỉ đến khi họ trực tiếp xem hình ảnh sản phẩm của mình và biết đến mục đích hoạt động của Câu lạc bộ thì mọi người mới đồng ý thu gom rác. Đến nay, những chiếc vỏ gói mì tôm, cháo, phở, bún ăn liền… được nhiều người thu gom và gửi về câu lạc bộ để tái chế.

Lan tỏa lối sống xanh đến học sinh và cộng đồng

Một hành động nhỏ nhưng được nhân rộng tới nhiều người sẽ tạo nên những giá trị tích cực cho cộng đồng, xã hội, đặc biệt là mẹ thiên nhiên. Yêu thương môi trường cũng chính là yêu thương chính sức khỏe của bản thân và loài vật xung quanh. Bằng việc sáng tạo đồ dùng từ vỏ mì tôm, cô giáo Vũ Thị Thảo đã lan tỏa hoạt động tái chế bảo vệ môi trường và lối sống xanh đến học sinh cùng những người xung quanh.

Cô đăng tin tuyển thành viên và kêu gọi mọi người cùng tham gia vào dự án của của mình. Câu lạc bộ Mì Tôm Xanh được thành lập, cứ mỗi tuần 2 buổi, sau giờ học, cô Thảo và các thành viên trong nhóm lại tập trung tại phòng thể chất của trường để bắt đầu hành trình tái chế. "Điều làm mình hạnh phúc nhất là nhiều học sinh ở các trường học khác đã chủ động liên hệ và xin được tham gia câu lạc bộ. Nhiều em học sinh tiểu học đã cùng bố mẹ tham gia thu gom vỏ mì để ủng hộ dự án", cô Thảo chia sẻ. Cô giáo trẻ cũng đang đào tạo cho các bạn học sinh, các thành viên trong nhóm làm thành thạo các sản phẩm.

Bằng việc sáng tạo đồ dùng từ vỏ mì tôm, cô giáo Vũ Thị Thảo đã lan tỏa hoạt động tái chế bảo vệ môi trường và lối sống xanh đến học sinh

Mỗi sản phẩm tái chế từ vỏ mì tôm có giá từ 100.000-300.000 đồng tùy loại. Lợi nhuận thu về được cô Thảo dùng để quyên góp cho chương trình Cặp lá yêu thương của VTV, ủng hộ quỹ chống Covid-19, ủng hộ miền Trung lũ lụt…, nhằm chia sẻ khó khăn với những hoàn cảnh không may mắn.

Đầu tháng 9 vừa qua, Mì Tôm Xanh giành giải ba cuộc thi Sáng kiến thanh niên "Trả xanh cho biển" do Quỹ ASEAN tổ chức. Cô giáo Vũ Thị Thảo và các thành viên CLB vẫn đang tiếp tục hành trình bảo vệ môi trường, lan tỏa lối sống xanh và năng lượng tích cực đến cộng đồng.

Để ủng hộ những chiếc vỏ mì tôm đã qua sử dụng, tìm hiểu thông tin về sản phẩm và CLB Mì Tôm Xanh, bạn có thể liên hệ: Cô Vũ Thị Thảo - Chủ nhiệm CLB, Giáo viên trường THCS Vinschool Times City (Hà Nội), ĐT: 0975789186.

https://phunuvietnam.vn/

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video