Cô giáo nhiễm chất độc da cam: 20 năm dạy tiếng Anh miễn phí cho học sinh nghèo

30/09/2020
Sau những năm tháng đấu tranh với bệnh tật, chị Lan Anh mạnh mẽ vượt lên số phận, tự học ngoại ngữ rồi mở lớp dạy tiếng Anh để kèm cặp cho các em học sinh gần nhà.
Lớp học miễn phí của cô giáo Lan Anh. Ảnh Thanh Huyền.

Ước mơ cháy bỏng

Người trong khu Tân Bình, thị trấn Xuân Mai (Chương Mỹ, Hà Nội) thường gọi chị Lê Thị Lan Anh (SN 1976) với cái tên thân mật là "cô giáo tí hon". Chị Lan Anh chỉ cao vỏn vẹn 1,1m, chân tay co quắp, cổ ngắn, lưng gập, cơ thể yếu ớt.

Ngồi trên chiếc nhựa chân chẳng chạm nổi xuống đất, chị Lan Anh cho biết, bố mẹ chị đều bình thường, không cao không lùn. Thế nhưng vì ông tham gia chiến tranh nên bị nhiễm chất độc da cam, di chứng khiến chị bị ảnh hưởng.

Từ khi sinh ra, chị đã mang trong mình một cơ thể không được lành lặn. Cả nhà nghĩ sự sống của đứa trẻ này thật mong manh. Do thể trạng sức khoẻ không tốt nên lúc bé thời gian chị nằm viện còn nhiều hơn ở nhà.

Đến tuổi đi học, bố mẹ chị đã lo sợ con không ngồi vững, tay con run run co quắp như thế thì không thể cầm bút viết. Thế nhưng, chính vì sự lo lắng, quan tâm của bố mẹ khiến chị càng quyết tâm hơn. Chị viết chữ đẹp đến mức cô giáo đã chọn vào đội tuyển đi thi viết chữ đẹp của trường.

Ông trời đã không ban cho chị một ngoại hình ưa nhìn, nhưng lại bù cho chị một trí thông minh hơn người. Từ nhỏ, khả năng tiếp thu kiến thức của chị đã vượt trội so với đám bạn cùng trang lứa khác.

Di chứng của chất độc da cam khiến ngoại hình của chị bị ảnh hưởng. Ảnh Thanh Huyền.

Thời gian thấm thoát thoi đưa, khuân mặt chị Lan Anh chỉ già đi chứ không cao lên được tí nào. Đến tuổi đôi mươi, nhìn đám bạn cùng trang lứa lần lượt lên xe hoa về nhà chồng, đi hết đám cưới này đến đám cưới nọ. Chị Lan Anh cũng ao ước một ngày nào đó mình sẽ được khoác trên người chiếc váy cưới màu trắng, nhưng vì ngoại hình xấu xí, chị chỉ dám nghĩ vậy thôi chứ "nói ra người ta cười cho". Nhiều đêm nước mắt nhạt nhòa, nhưng số phận đã vậy chị cũng chẳng biết làm gì hơn.

"Con gái đẹp nhất lúc tuổi trăng tròn, được phép kiêu ngạo. Nhưng đối với tôi, mỗi khi ra ngoài đường tôi lại khép nép chỉ vì sợ mọi người hướng mắt nhìn chằm chằm vào mình. Có những lúc, tôi cảm thấy sợ hãi khi phải bước chân ra khỏi nhà", chị Lan Anh chia sẻ.

Chị Lan Anh cho biết, năm lên lớp 9, chị phải trải qua trận ốm kinh hoàng và phải bỏ học để chữa bệnh. Vài năm sau, sức khoẻ chị dần khá lên, nhưng lúc đó thân hình của chị còn "thảm hại" hơn khiến chị lại càng tự ti với bản thân mình. Nhưng với đam mê cháy bỏng được học tiếng Anh và ước mơ trở thành giáo viên, bố mẹ chị đã nỗ lực hết mình để giúp con gái.

20 năm dạy học miễn phí

Bố mẹ chị đã gửi chị ra nhà một người bác ở Hà Nội, sau đó thuê một gia sư là sinh viên về dạy, nhưng cũng bởi sức khoẻ yếu và kinh tế gia đình không cho phép khiến chị phải khăn gói rời Hà Nội sau 1 tháng.

Về quê, chị tiếp tục tự trao dồi vốn kiến thức của mình bằng cách mua sách tiếng Anh, cặm cụi tự học để thực hiện ước mơ trở thành giáo viên của mình. Sau một thời gian, khả năng tiếng Anh của chị tiến bộ đáng nể, nhiều người dân trong thôn bắt đầu gửi con cho chị kèm cặp.

"Cách đây 20 năm, tôi chỉ dạy mấy cháu hàng xóm. Sau đó, phụ huynh thấy con họ tiến bộ nên đã khuyên tôi mở lớp dạy và họ tự đi giới thiệu thêm một số bạn muốn học. Đã có lúc, lớp học của tôi lên đến 20 cháu", chị Lan Anh chia sẻ.

Chị Lan Anh mở lớp dạy chỉ để thỏa mãn niềm đam mê làm giáo viên chứ không hề thu phí. Nhưng sau đó, nhiều phụ huynh trong lớp thấy cảm động vì việc làm của cô giáo nhỏ, họ đã góp một số tiền nhỏ để hỗ trợ duy trì lớp học.

Biết được nghị lực, lòng nhiệt huyết của cô, lớp học có cả sự tham gia của học sinh khuyết tật. Với những học sinh này chị dành nhiều thời gian và tình cảm khích lệ để các em có ý chí phấn đấu vượt lên khó khăn để viết tiếp lên những ước mơ trên con đường tương lai phía trước.

Chị Lan Anh chụp cùng học sinh của mình. Ảnh Thanh Huyền.

Chị Lan Anh tâm sự: "Có những hôm "trái gió trở trời" người tôi lại đau buốt như muốn từ bỏ tất cả. Nhưng chính tiếng các con khúc khích cười đùa khiến tôi cố gắng và thấy vui vẻ, giàu năng lượng hơn. Tôi cảm thấy mình còn may mắn hơn những người có hoàn cảnh khó khăn khác, tôi có thể tự trang trải và chăm sóc cho chính bản thân mình".

Gần 22 năm qua, chị đã dạy rất nhiều thế hệ học trò, có khi chị còn không nhớ nổi tên, mặt của các cô cậu học trò đó. Nhưng hễ có đi ra ngoài là chị lại bắt gặp đâu đó tiếng chào "em chào cô ạ, cô còn nhớ em không".

Ông Mai Trương Định, Bí thư Chi bộ khu Tân Bình, thị trấn Xuân Mai, cho biết: "Những việc làm và hành động của cô Lan Anh đã lan toả đến những hoàn cảnh khó khăn khác. Chính những việc làm đó là tấm gương và truyền nghị lực đến người dân trong và ngoài khu Tân Bình. Và cô Lan Anh có tham gia một số phong trào khuyến học trong khu vực để truyền cảm hứng đến các em nhỏ".

Năm 2019, với đóng góp tốt đẹp cho cộng đồng, chị Lan Anh được Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ và Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội biểu dương, nhận Bằng khen về gương "Người tốt, việc tốt". Chị cũng được tôn vinh và đã được trao Giải Kova lần thứ 17 năm 2019 ở hạng mục "Sống đẹp" trong một giải thích tìm kiếm và tôn vinh những người Việt tiêu biểu trên nhiều lĩnh vực. 

https://phunuvietnam.vn/

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video