Cô giáo đem tình yêu thương đến cho trẻ khuyết tật

09/08/2020
Cô giáo Đỗ Thị Thoa - nguyên Hiệu trưởng trường THCS Ngô Quyền, thị xã Sơn Tây, Hà Nội - cả đời tận tụy cho thế hệ trẻ, đặc biệt là cô dành rất nhiều tâm huyết, tình yêu cho trẻ bị khuyết tật…
Cô giáo Đỗ Thị Thoa cùng các học trò trong Lễ khai giảng lớp học tình thương.

Nếu ai đã gặp cô giáo Đỗ Thị Thoa - nguyên Hiệu trưởng trường THCS Ngô Quyền, thị xã Sơn Tây, Hà Nội, chắc chắn sẽ không bao giờ quên được những ấn tượng về cô. Đó là một người phụ nữ hiền hậu, bao dung, một người giáo viên đã cả đời tận tụy cho thế hệ trẻ, đặc biệt là cô dành rất nhiều tâm huyết, tình yêu cho trẻ bị khuyết tật…

Cô giáo Đỗ Thị Thoa sinh năm 1943, nay cô đã 77 tuổi đời, 54 năm tuổi Đảng. Suốt 29 năm cống hiến trong ngành giáo dục, cô giáo Thoa đã có 21 năm làm hiệu trưởng trường THCS. Nghỉ hưu năm 1991, cô Thoa luôn trăn trở: “Mình sẽ làm việc gì, sẽ sống như thế nào để giúp ích được cho đời dù sức lực có hạn?”. Cô Thoa tâm sự: “Nhìn những em nhỏ bị thiểu năng trí tuệ, bị câm điếc bẩm sinh, bị tật nguyền do ảnh hưởng của chất độc màu da cam... tôi vô cùng xót xa thương cảm”. Từ tình thương bao la dành cho các em nhỏ bị khuyết tật bẩm sinh, từ sự thấu hiểu và chia sẻ với gia đình các em, cô Thoa quyết định mở lớp học Tình thương để dạy dỗ những trẻ em chẳng may rơi vào hoàn cảnh đặc biệt này. Ngày 29/4/1994, cô khai giảng lớp học Tình thương khóa đầu tiên với biết bao yêu thương, niềm tin, hy vọng và cả những âu lo, phấp phỏng, mong chờ... Không phải ngẫu nhiên mà cô chọn ngày 29/4 để khai giảng, lý do khiến cho ai nghe cũng cảm thấy rưng rưng: “Vì đó là ngày tri ân các anh hùng liệt sỹ”.

Từ đó, ngày 29/4 đã trở thành ngày có ý nghĩa đặc biệt với các em nhỏ bị khuyết tật bẩm sinh và người thân của các em, với cô Thoa, với những người có tấm lòng hướng thiện. Lớp học đầu tiên có 15 học sinh phải học nhờ ở đình Hàng Đàn với bao gian khó vì trò nhiều bỡ ngỡ, cô ít kinh nghiệm. Nhưng bù lại là niềm tin yêu, hy vọng của phụ huynh học sinh, những ánh nhìn trong sáng có phần ngây dại có các số phận đáng thương đã giúp cô Thoa vượt qua những ngày đầu đầy thử thách. Dạy chữ cho học trò bình thường là công việc quen thuộc của cô Thoa. Nhưng dạy cho trẻ khiếm khuyết biết nói, biết hát, biết giao tiếp, biết hòa nhập cộng đồng, sau đó mới là biết đọc, biết viết là cả một quá trình đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ và tấm lòng yêu thương vô bờ của cô giáo. Tình yêu thương và tấm lòng chân thành sẻ chia đã giúp cô giáo Thoa vượt qua những gian nan, thử thách và ngày càng tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm dạy dỗ các em. Những ánh mắt bớt ngây dại hơn, những âm thanh phát ra ngày một rõ hơn, những lời chào chưa rõ tiếng với rạng rỡ nụ cười đã tiếp thêm sức mạnh cho cô, giúp cô tiêu tan mệt mỏi, nhẫn nại đi tiếp chặng đường đầy chông gai, đẫm mồ hôi, công sức và chứa chan nhiệt tình, tâm huyết. Các trò yêu quý cô, phụ huynh học sinh biết ơn cô, mọi người xung quanh quý trọng cô. Đó là những món quà vô giá mà cô vui mừng đón nhận.

Cô giáo Đỗ Thị Thoa luôn được đồng nghiệp và phụ huynh học sinh yêu mến.

26 năm qua, lớp học ban đầu với 15 học trò đã được duy trì và phát triển thêm nhiều về số lượng. Do tuổi cao, sức yếu, cô giáo Thoa không đủ sức nhận thêm học trò mà chỉ dừng ở con số 20 em mỗi năm. Cô rất băn khoăn khi thấy học trò học xong không muốn về nhà, chỉ muốn ở lại lớp học và có những em đến sau không được tiếp nhận vào lớp vì quá tải. Cô luôn mong mỏi mình khỏe hơn, có nhiều người sẻ chia công việc hơn để lớp học ngày một phát triển, để học trò không phải ra về với ánh mắt buồn thương, lưu luyến, để phụ huynh học sinh không phải ngậm ngùi, xót xa... Những ánh mắt của học trò, của phụ huynh luôn luôn ám ảnh cô, khiến cô trăn trở và cô lại nỗ lực hơn. Nhờ tích lũy được nhiều kinh nghiệm cùng với sự ân cần chỉ bảo, uốn nắn, dạy dỗ, cô giáo Thoa rất vui vì những năm gần đây trẻ câm điếc bẩm sinh ở lớp học của cô đã có những chuyển biến rõ rệt, mang lại niềm vui cho các em, cho cô giáo và gia đình. Những em nói không ra hơi đã ra hơi được, biết chào theo người lớn. Nhiều em nói được và nói rõ. Nhiều trẻ thiểu năng biết giao tiếp, chào mời, niềm vui hiện rõ trong nụ cười và trên gương mặt thơ ngây. Đến với lớp học của cô, các trò bớt đơn côi, mặc cảm, được vui chơi, học hành, được cô cho hòa nhập cộng đồng bằng các hoạt động hòa mình với thiên nhiên, sinh hoạt xã hội.

Hơn chục năm về trước, khi còn khỏe, cô Thoa còn nấu cơm cho các cháu có hoàn cảnh khó khăn ăn, lo thuốc thang cho cháu bị suy dinh dưỡng nặng, biến chứng tê phù uống.

Tác giả bài viết (phải) và cô giáo Đỗ Thị Thoa.

Cô giáo Thoa dành dụm từ số tiền lương hưu ít ỏi của mình, cùng với quà tặng của các tổ chức cá nhân từ tâm để may quần áo cho các trò vào ngày khai giảng. Vào những ngày khai giảng, rằm Trung thu, Tết Nguyên đán hay các dịp lễ lớn, cô đều cố gắng mang lại niềm vui cho các học trò bằng việc tổ chức liên hoan, tặng quà cho các cháu nhà nghèo chưa có trợ cấp xã hội.

Lớp học Tình thương của cô giáo Thoa đã trở thành tổ ấm yêu thương của các em nhỏ chẳng may bị khiếm khuyết, thiệt thòi. Nhiều em được lớn lên, trưởng thành từ lớp học của cô và đã trở thành những công dân có ích, lao động chăm chỉ, xây dựng hạnh phúc gia đình như em Hải, em Tuấn, đã có vợ và hai con khỏe mạnh; em Thủy đã có chồng và hai con; em Trung làm thợ xây thu nhập hằng tháng trên 7 triệu đồng...

Khai giảng năm học, lớp học Tình thương của cô được đón nhận sự quan tâm động viên của lãnh đạo Thị ủy, Hội động nhân dân, Ủy ban nhân dân Thị xã Sơn Tây, Phòng Giáo dục, các ban ngành, nhà trường, hội Phật giáo Thị xã, các nhà chùa... Đây chính là nguồn cổ vũ động viên rất lớn cho cả cô và trò của lớp học Tình thương.

Cô giáo Đỗ Thị Thoa đã được Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ em mồ côi Việt Nam tặng Bằng khen. Cô còn được nhận Bằng khen và Kỷ niệm chương của Hội cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam. Cô cũng là một trong những cá nhân tiêu biểu được Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa tặng hoa nhân dịp Trung ương Hội cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam họp mặt các cơ sở và cá nhân tiêu biểu. Công đoàn ngành giáo dục đào tạo Thủ đô tặng Giấy khen cho cô về thành tích dạy trẻ em khuyết tật. Cô Thoa đã được vinh danh “Người tốt việc tốt” tiêu biểu Thành phố Hà Nội năm 2015, 2019.

Với tôi, có lẽ xúc động nhất là khi được dự lễ khai giảng lớp học Tình thương của cô giáo Thoa. Một khai giảng không có tiếng trống trường, không ồn ào, tấp nập mà lắng lại trong lòng người biết bao xúc cảm yêu thương xen lẫn cảm phục, biết ơn, tự hào. Tấm gương của cô giáo Đỗ Thị Thoa đã giúp cho tôi, cho những người xung quanh tôi nhận ra một điều giản dị mà sâu sắc: Khi có tình thương, con người ta sẽ vượt qua được tất cả mọi khó khăn, sẽ kiên trì, bền bỉ thực hiện được mục đích sống là để giúp người, để có ích cho đời. Tình cảm yêu thương, sẻ chia là cội nguồn của sức mạnh, giúp con người nỗ lực vươn lên không ngừng; là cội rễ của các tình cảm thiêng liêng, cao quý khác.

 

baophunuthudo

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video