Cô gái Thụy Sĩ ở lại Việt Nam vì trẻ mồ côi

09/01/2006
“Nhà may mắn” của Tim - một cô gái Thụy Sĩ, là nơi 150 trẻ em, trong đó có 40 em mồ côi, khuyết tật ăn ở nội trú. Và trên 100 em khác đến với ngôi nhà này để học văn hóa.

Qua khu nghĩa địa Bình Hưng Hòa, quận Tân Phú, chúng tôi tìm đến “Nhà may mắn”, nơi có một cô giáo Thụy Sĩ đã 14 năm nay gắn bó với trẻ em lang thang, cơ nhỡ ở TP. HCM .

 

Tim Aline Rebeaud (bọn trẻ thường gọi là cô Tim) kể bằng tiếng Việt rành rẽ: “Năm 1992, khi vừa tròn 20 tuổi, tôi có một chuyến du lịch từ châu Âu qua châu Á. Tôi dự định ở TP. HCM ít ngày rồi về lại Thụy Sĩ nhưng hình ảnh những trẻ em đi ăn xin về nằm mệt mỏi không có nơi trú thân khiến tôi nghĩ lại.

 

Tôi dẫn các em đi ăn một bữa thỏa thích và quyết định mình phải làm một cái gì đó để giúp các em, giúp trẻ em Việt Nam vừa qua chiến tranh đỡ cơ cực. Ý tưởng “Nhà may mắn” ra đời từ ấy.

 

Thời gian đầu, khi Tim quyết định ở lại Việt Nam, cả nhà ai cũng lo cho cô. Mẹ và em trai Tim sang Việt Nam định động viên Tim về nước nhưng lại không nỡ bắt cô xa bọn trẻ. Vậy là thay vì đi “vận động” chị gái về nước, em trai của Tim đã ở lại Việt Nam giúp chị suốt một năm sau đó mới trở về Thụy Sĩ tiếp tục học tập.

 

“Nhà may mắn” của Tim hiện là nơi may mắn với 150 đứa trẻ, trong đó có 40 em mồ côi, khuyết tật ăn ở nội trú. Trên 100 em khác đến với “nhà cô Tim” để học văn hóa từ lớp 1 đến lớp 5 và sau đó được chuyển cấp để tiếp tục việc học. Những em có cuộc sống quá khó khăn hay bị khuyết tật đều được cô Tim cho theo học nghề may, vẽ hay tin học.

 

Như Hiền, cô gái khuyết tật kể: “Tôi được mẹ Tim đón về nuôi, cho học nghề may và may mắn đã kết hôn cùng một bạn cũng ở “nhà” của mẹ. Bây giờ tôi đã có con gái và quyết định ở lại cùng mẹ lo cho các em. Hiện nay tôi cũng là giáo viên dạy may của “Nhà may mắn”.

 

Những đứa trẻ khuyết tật hay mồ côi mà Tim mang về nuôi đều gọi cô bằng mẹ, dù cô chưa hề lập gia đình. Tuy vậy, để “thu phục” lũ trẻ đường phố về với “Nhà may mắn” cũng không phải dễ.

 

Tim hỏi thăm tụi nó để hiểu thêm về hoàn cảnh và mong muốn của chúng. Tim phải đi cùng lũ trẻ đã ở trong “Nhà may mắn” để vận động lũ trẻ đường phố, cũng như giải thích mình đang làm gì để tụi nó biết được và đề nghị giúp chúng.

 

Cảm phục trước nghĩa cử cao đẹp của Tim, một số người đã chung tay gánh vác công việc từ thiện với chị. Chị Trương Thị Kim Chi là cô giáo Trường Cao đẳng Sư phạm An Giang, trước xin về dạy ở Nhà Bè, nhưng khi biết tin cô Tim cần cô giáo chị đã tìm đến tình nguyện dạy cho các cháu.

 

Chị Kim Chi nói: “Nghe chuyện của Tim, tôi thực sự cảm động. Một người nước ngoài chia sẻ bằng tinh thần với Việt Nam đã là quý. Đằng này, cô ấy còn chia sẻ cả trái tim của mình, cuộc sống của mình, hạnh phúc riêng tư của mình với trẻ em bất hạnh Việt Nam. Chúng tôi thường nói vui: Cô Tim quả là có trái tim vàng, một tấm lòng vàng…”.

Chia tay, Tim tâm sự: “Tim cũng biết không thể ép ai có trách nhiệm với xã hội, tùy theo lương tâm và tình cảm của mỗi người, cũng có nhiều người giàu muốn giúp đỡ nhưng họ chưa biết làm cách nào để có thể giúp… Tim sẽ nói với họ, chỉ cho họ và Tim nghĩ họ cũng sẽ rất vui khi giúp đỡ được nhiều người khác. Chỉ cần mở cửa trái tim mình mà thôi!”

Theo Tiền Phong

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video