Cô gái 8x tìm cách khích lệ trẻ tự kỷ phát huy thế mạnh

24/04/2018
Tốt nghiệp khoa giáo dục đặc biệt của trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Ths. Nguyễn Hà Ly luôn cho rằng, nếu được giúp đỡ và can thiệp đúng hướng, trẻ có nhu cầu giáo dục đặc biệt hoàn toàn có thể tự lập và sau này còn tự kiếm sống bằng khả năng của mình.

Dạy trẻ sống độc lập

Năm 2004, sau khi tốt nghiệp phổ thông, Ly đã chọn thi vào chuyên ngành Giáo dục Đặc biệt, trường ĐH Sư phạm. Với thành tích học tập tốt, sau khi tốt nghiệp ĐH, Ly được tuyển dụng vào Trung tâm Đào tạo và Phát triển Giáo dục Đặc biệt thuộc trường ĐH Sư phạm Hà Nội. 

Ly đã có 7 năm gắn bó với Trung tâm của trường ĐH trước khi quyết định thành lập Trung tâm Giáo dục kỹ năng cho trẻ có nhu cầu đặc biệt Akari. Trong con mắt của nhiều người trẻ có nhu cầu đặc biệt (như trẻ tự kỷ, trẻ tăng động giảm tập trung, khó khăn về học, chậm phát triển trí tuệ, khuyết tật vận động, đa tật...) thường không thể sinh hoạt như người bình thường, chưa nói đến việc lập nghiệp sau này. Ngay cả cha mẹ nhiều bé đôi khi cũng nản chí, hoang mang cho tương lai của con. Họ lo lắng không biết con sẽ xoay xở ra sao để tồn tại khi lớn lên và không còn bố mẹ hỗ trợ.

Song, Ly lại khác. Với Ly, trẻ tự kỷ là những trẻ có nhu cầu đặc biệt và có thế mạnh riêng theo nhiều cách khác nhau. Mỗi bé, giỏi một khía cạnh nào đó và nếu được động viên, khuyến khích thì các bé có thể phát huy thế mạnh đó.

Ở Trung tâm Akari không có nhân viên vệ sinh, không có đầu bếp riêng, mà tất cả các công việc đều được cô và trò đảm nhận và cùng làm bởi vì các cô giáo luôn nghĩ đơn giản rằng: Nếu mình muốn dạy học sinh thực hiện được kỹ năng đó thì trước hết, bản thân mình phải thành thục kỹ năng đó trước đã. Có những kỹ năng tưởng chừng đơn giản như sử dụng cây lau nhà, trình tự lau nhà, cách vo gạo, cắm nồi cơm, cách nạo rau củ, các bước rửa tay, đánh răng, rửa mặt; cách vệ sinh cá nhân... nhưng các cô phải mất rất nhiều thời gian, sự kiên trì, nhẫn nại mới có thể dạy được để các trẻ tự thực hiện.

Không chỉ dạy trẻ kỹ năng tự lập, Ly còn thử nghiệm các hoạt động hướng nghiệp cho trẻ đặc biệt. Chẳng hạn, dịp trước Tết âm lịch vừa qua, Ly đã tổ chức cho các bé làm phong bao lì xì Tết. Ly và các cô giáo thiết kế phong bao  lì xì, trên phong bao in các hình ngộ nghĩnh. Sau đó, Ly chia các bé thành từng nhóm khác nhau. Nhóm thì được phân công tô màu lên tranh, nhóm lại phân loại những lì xì có hình giống nhau, nhóm gấp và dán chúng thành phong bao, nhóm đóng dấu triện...

Những phong bao do các bé làm ra, thật cảm động đã được cộng đồng đón nhận. Ly cho biết, dịp trước Tết, cô đã bán được một lượng kha khá với giá thành vừa phải. Tiền thu được sau khi trang trải chi phí làm phong bao, đã được các cô giáo mua các món quà Tết, tổ chức hoạt động gói bánh chưng và phát cho trẻ mang về tặng bố mẹ. Nhận món quà ấy, không ít cha mẹ đã rưng rưng cảm động vì họ không dám tin, đến một ngày, con mình lại có thể mua được quà bằng chính sức lao động của bản thân. 

Hạnh phúc khi thấy học trò thay đổi

Từ thành công ấy, Ly biết mình đã đi đúng hướng. Sau những chiếc phong bao lì xì, Ly ấp ủ kế hoạch sẽ tiếp tục cho các bé làm postcard, sổ tay, phong bì... Đây là những sản phẩm khá thông dụng trong cuộc sống và các bé có thể tự làm được. Sau này, biết đâu các em có thể tự mở cửa hàng, rồi tập hợp thành một nhóm cùng làm sản phẩm handmade để kiếm sống.

Với Ly và các đồng nghiệp, niềm vui, hạnh phúc chính là được thấy những tiến bộ dù là nho nhỏ ở các học sinh đặc biệt của mình. Ly vẫn nhớ có một học sinh nam - theo học Ly trong tình trạng chỉ biết ăn cơm với thịt và nước mắm. Ly đã bỏ công rèn để học sinh đó có thể ăn đa dạng các món, các loại thức ăn khác nhau. Việc này thực sự là một thử thách lớn bởi mỗi lần muốn con tập ăn món mới, chưa đưa khay cơm đến con đã khóc ầm lên, nước mắt giàn giụa và còn làm náo loạn cả xóm. Dần dần, những cơn khóc, ăn vạ từ chối thức ăn qua đi; con đã ăn được rau xanh, rau củ, ăn hoa quả, uống các loại nước hoa quả, sữa khác nhau thay vì chỉ ăn theo thói quen của mình.

Một câu chuyện khác khiến Ly rất cảm động là sự quan tâm của học sinh dành cho nhau. Trẻ tự kỷ gặp khó khăn và hạn chế lớn nhất là ở lĩnh vực giao tiếp, tương tác xã hội; nhưng học sinh của Ly lại rất thương yêu nhau và quan tâm đến nhau theo những cách thức thể hiện thật đặc biệt.

Cùng học trong một lớp, hàng ngày sinh hoạt cùng nhau, có lúc bạn này làm chưa tốt nhiệm vụ, cô nhắc nhở thì bạn khác bắt đầu bồn chồn, khó chịu, thậm chí đi ra khỏi chỗ và ngồi gần cô tỏ ý muốn bênh bạn (con không có ngôn ngữ nói nên chỉ dùng các cử chỉ điệu bộ của cơ thể). Khi đi dã ngoại hay tham gia các hoạt động nơi công cộng, các bạn biết tự giác nắm tay nhau, đi gần nhau để không bị lạc. Hay chỉ đơn giản như trong giờ ăn, chưa có mặt đủ các bạn thì không bạn nào ăn trước.

Từ những trải nghiệm hàng ngày cùng với học sinh, Ly chỉ muốn gửi tới các cô giáo, các bậc phụ huynh một thông điệp nhỏ rằng: “Người lớn cần có niềm tin, kỳ vọng đúng mức với năng lực của trẻ có nhu cầu đặc biệt. Khi đó, chúng ta sẽ tìm ra hướng để giúp đỡ các em tự lập”. 

Ly và các đồng nghiệp đã tập trung dạy các trẻ kiến thức ứng dụng và kỹ năng sống - hai mảng hoạt động quan trọng nhằm giúp các em có thể sống độc lập một cách tối đa với năng lực của mình. Hàng ngày, các trẻ sẽ được giao thực hiện các nhiệm vụ như: Tập thể dục buổi sáng, hoạt động vòng tròn, giờ lao động, chuẩn bị phòng học, sơ chế đồ ăn, nấu cơm, viết nhật ký hàng ngày...

PNVN

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video