Cô gái đồng chiêm và ước mơ nghề báo

25/06/2019
Mặc dù chưa từng học qua trường lớp đào tạo báo chí nhưng tình yêu con chữ đã thôi thúc cô gái đồng chiêm Phạm Thị Dần dấn thân với nghề báo. Cô chọn con đường ghi dấu ấn của lịch sử để thực hiện các loạt bài viết của mình

Có một nữ phóng viên đặc biệt, cô chọn con đường ghi dấu ấn của lịch sử để thực hiện các loạt bài viết của mình. Từ câu chuyện bên tách trà với những vị lão thành cách mạng, cô đã lặn lội tới từng cơ sở nuôi giấu cán bộ, chiến sĩ, tìm gặp những nhân chứng và đồng đội của những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc để viết bài ca ngợi nhằm góp phần tri ân công lao của họ.

Cô Dần nhớ như in câu chuyện về việc truy tặng Anh hùng LLVT nhân dân trẻ nhất nước Việt Nam - Trương Văn Tôn. Để có được những tư liệu đáng quý về chàng thiếu niên quả cảm Trương Văn Tôn, trong khi lịch sử Đảng bộ địa phương lại không có thông tin, cô Dần đã phải gặp gỡ nhân chứng sống là cụ Phạm Thị Hoa, xã đội trưởng xã Tri Thủy giai đoạn 1947–1951. 12 tuổi, Trương Văn Tôn đã làm nhiệm vụ truyền đạt mệnh lệnh từ cấp xã, lực lượng du kích và các đơn vị liên quan để phối hợp tác chiến trong kháng chiến chống Pháp tại làng Tri Thủy, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây (nay thuộc Hà Nội). Cậu bé 12 tuổi cũng chính là tài liệu sống để Chủ tịch xã Vũ Văn Ân chuyển phương án chiến đấu bảo vệ xóm làng xuống cơ sở. Trong một lần được giao nhiệm vụ truyền đạt mệnh lệnh cho bộ đội và du kích xã rút về tuyến sau, ẩn nấp dưới hầm bí mật để bảo đảm an toàn lực lượng, chờ thời cơ thì Tôn bị giặc Pháp bắt tại đầu xóm Trại. Khám xét trong người Tôn thấy dao găm và lựu đạn, chúng đoán được đây không phải là thiếu niên bình thường chỉ vô tình nhặt được dao và lựu đạn. Tra hỏi, dọa nạt, đánh đập để bắt Tôn khai người chỉ huy lực lượng du kích và các hầm bí mật nhưng Tôn nhất mực lắc đầu nói “không biết”. Đó là ngày 21-2-1951. Ngày 14-3-2001, Trương Văn Tôn được công nhận là liệt sĩ chống Pháp và năm 2011, Chủ tịch nước đã ký quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho liệt sĩ Trương Văn Tôn.

Sau bài báo “Nỗi đau Truông Mít và nghĩa tình đồng đội” của tác giả Phạm Thị Dần nêu sự việc 17 cán bộ, chiến sĩ Đại đội 7, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 1, Sư đoàn 9 đã hi sinh anh dũng khi bị cả chiến đoàn tăng gần 40 chiếc của địch di nát trận địa ngầm cuối tháng 3-1975. Sau nhiều năm tìm kiếm, người đồng đội là cựu binh Lê Hồng Hà vẫn không thể tìm thấy hài cốt của các anh dưới lòng đất. May mắn, nhờ tấm lòng tri ân các anh hùng liệt sĩ, ông Hà đã không đơn độc khi nhận được sự chung tay của Bộ CHQS tỉnh Tây Ninh, Ban CHQS huyện Dương Minh Châu, Hội CCB Sư đoàn 9, trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP HCM), Đảng ủy – UBND xã Truông Mít và nhân dân xã Truông Mít. Công cuộc tìm kiếm đẫm nước mắt nhưng sau 42 năm nằm dưới lòng đất hài cốt các chiến sĩ đã trở về với cát bụi…

Không quản ngại nắng, mưa, cô Dần đi đến gặp gỡ các nhân chứng cách mạng, lắng nghe họ kể về câu chuyện lịch sử trong cuộc kháng chiến dân tộc. Kỷ niệm nhớ nhất với cô Dần chính là việc tìm hiểu sự kiện cố Tổng Bí thư Đỗ Mười về Phú Xuyên chỉ đạo kháng chiến. Trong lịch sử Đảng bộ địa phương đều không có thông tin, cô Dần đã quyết tâm tìm hiểu và mong muốn nơi đây sẽ được công nhận là di tích lịch sử cách mạng kháng chiến. Cô lặn lội đến ngôi nhà cố Tổng Bí thư Đỗ Mười tìm gặp lúc ông còn sinh thời. Sau khi nghe nguyện vọng của “cô gái đồng chiêm”, cố Tổng Bí thư đã viết bút tích và kể cho cô nghe rõ mồn một về những năm tháng ông về Phú Xuyên chỉ đạo kháng chiến. Nhờ bút tích của cố Tổng Bí thư Đỗ Mười và tư liệu các nhân chứng lịch sử, cô Dần đã hoàn thiện đề án, báo cáo Sở VH-TT Hà Nội và nhận được quyết định của UBND TP Hà Nội công nhận đây là di tích lịch sử cách mạng kháng chiến. Tuy nhiên, hành trình để được cấp phép xây dựng hiện vẫn còn đang “dang dở”…

Những chuyến tác nghiệp đã cho cô Dần có những bài viết sâu sắc về gia đình có 3 anh em tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, về “Nỗi đau Truông Mít và nghĩa tình đồng đội”,… Ít ai biết, nữ phóng viên nghiệp dư ấy ngoài cây bút và trái tim thì cơ duyên đến với nghề báo còn là mối duyên nợ. Cô gái yêu văn chương luôn đạt giải nhất Văn thời cấp 3 là tuyên truyền viên viết báo cho các hoạt động văn hóa của đài truyền thanh cơ sở từng “cả gan” gửi lá thư bày tỏ nguyện vọng viết báo cùng 3 bài thơ đến cố Tổng biên tập báo Hà Tây Nguyễn Xuân Hưng. Sau 9 ngày gửi thư, cô may mắn nhận được hồi âm.

Tháng 10-1997, bài thơ của tác giả Phạm Thị Dần được đăng báo Hà Tây. Cũng đánh dấu bước ngoặt lớn trong đời của cô Dần chính thức bước vào làng báo. Nhờ sự dìu dắt của người thầy đặc biệt Nguyễn Xuân Hưng, Phạm Thị Dần đã có giải thưởng báo chí đầu tiên. Đó là giải Nhất về cuộc thi báo chí viết về lực lượng vũ trang tỉnh Hà Tây năm 2007. Tiếp đó, cô Dần được Viện Khoa học nghiên cứu nhân tài nhân lực kết nạp vào thi đàn thơ Việt Nam.

Nhớ về người thầy đầu tiên, cô Dần kể về kỷ niệm 2 thầy trò. Trước khi mất, thầy Nguyễn Xuân Hưng có tặng cô Dần bài thơ với tựa đề “Chim đỗ quyên” với lời căn dặn: “Con biết không, chim đỗ quyên ở vùng đồng chiêm chính là chim sâu đấy. Đó là loài chim có ích bảo vệ mùa màng. Nó chỉ ăn sâu thôi. Dù đói nó cũng không ăn lúa. Thầy mong con sẽ mãi mãi là con chim đỗ quyên bé nhỏ siêng năng và tự trọng. Thầy biết cuộc sống của con còn rất khó khăn, nhưng không được “Đói ăn vụng, túng làm càn nghe không”.

“Thầy Nguyễn Xuân Hưng đã cho tôi động lực cầm bút và trong 22 năm làm nghề, từ người viết tự do theo niềm đam mê, theo phong trào tôi đã trở thành cây bút chuyên nghiệp của Tạp chí Tinh hoa Đất Việt. Người thầy thứ hai giúp tôi trưởng thành, chuyên nghiệp hơn trong cách viết báo chính là Tổng biên tập – Biên tập viên cao cấp Bùi Công Phiếu. Hiện nay, tôi đã được bổ nhiệm Trưởng ban chuyên đề của Tạp chí Tinh hoa Đất Việt. Đó cũng là nơi tạo điều kiện để tôi phát huy khả năng của mình…”, cô Dần chia sẻ.

Sắp tới đây cô Dần sẽ vào Tây Ninh trong cuộc hành trình hướng tới đề án xây dựng tượng đài ghi công 17 chiến sĩ bị chôn sống cánh đồng Bàu Dinh. Mặc dù có gia cảnh đặc biệt, chồng mất sớm, con trai bị bệnh nhưng trong tâm niệm của cô Phạm Thị Dần, những việc làm thiết thực là “Món nợ ân tình phải trả cho mảnh đất mình sinh ra”.

phapluatxahoi.vn

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video