Chuyện việc làm ở “quê lúa”

24/01/2005
Thái Bình là tỉnh có tỉ lệ dân số trong độ tuổi lao động cao (60%), trong đó lao động khu vực nông thôn chiếm tới 94,2%. Tuy nhiên, số lao động chưa có việc làm còn rất lớn với gần 20 vạn người có nhu cầu học nghề và tư vấn việc làm.

Nhận thức rõ vai trò quan trọng của hoạt động dạy nghề và giải quyết việc làm cho nhân dân và phụ nữ trong tỉnh, nhiều năm qua Trung tâm Dịch vụ việc làm phụ nữ Thái Bình đã tích cực xây dựng dự án đề nghị UBND tỉnh tạo điều kiện cấp kinh phí xây dựng, sửa chữa trụ sở Trung tâm; phối hợp cùng TW Hội LHPN Việt Nam đề nghị Bộ LĐ-TB&XH hỗ trợ kinh phí đầu tư mua sắm trang thiết bị. Từ chỗ chỉ có 20 máy may dân dụng, phải nhờ các phòng làm việc của tỉnh Hội để mở các lớp dạy nghề, đến nay, Trung tâm đã có khu nhà mới 2 tầng với thiết bị máy móc trị giá 1,5 tỷ đồng, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học.

 

Xuất phát từ nhu cầu học nghề của lao động nữ và nhu cầu thị trường lao động, thời gian gần đây, hoạt động dạy nghề của Trung tâm đã có sự điều chỉnh theo hướng đa dạng hoá các ngành nghề đào tạo, duy trì các lớp dạy nghề ngắn hạn, thường xuyên liên kết với Trường kỹ nghệ Hà Nội mở các lớp đào tạo nghề dài hạn. Tập trung một số nghề: May công nghiệp, may dân dụng, nghề thủ công truyền thống (thêu ren, khâu nón, mây tre đan, dệt chiếu cói, đính hạt cườm... ), tin học, nữ công gia chánh, quản lý doanh nghiệp...

 

Bên cạnh công tác dạy nghề, Trung tâm cũng nhận thức được tầm quan trọng của tư vấn và giới thiệu việc làm cho lao động nữ sau đào tạo. Vì thế, Trung tâm đã tích cực liên kết với các công ty, xí nghiệp, doanh nghiệp để ký kết hợp đồng, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm và cung ứng lao động.

 

Chỉ tính từ năm 2002 - 2004, hoạt động dạy nghề của Trung tâm đã đạt những kết quả đáng khích lệ, bình quân hàng năm đào tạo nghề cho gần 2,6 vạn lao động, có 23.312 người được giới thiệu việc làm sau đào tạo, tư vấn nghề và 18.068 người có công việc ổn định.

 

Cùng với hình thức tổ chức dạy nghề tại Trung tâm, Hội LHPN tỉnh Thái Bình còn chỉ đạo và hướng dẫn các cấp Hội chủ động phối hợp với Phòng công nghiệp tỉnh, các chủ doanh nghiệp... tổ chức dạy nghề mới, khôi phục nghề truyền thống, duy trì và mở thêm nhiều tổ hợp sản xuất tại cơ sở, góp phần quan trọng vào công tác xoá đói giảm nghèo, ổn định và phát triển kinh tế địa phương.

Tống Thị Trường

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video