Chuyện về mẹ Việt Nam anh hùng giả trai tham gia kháng chiến

10/03/2015
Tôi là người may mắn được đón mẹ sau một chuyến hành trình dài từ Miền Nam ra Hà Nội tham dự sự kiện kỷ niệm 55 năm “Đội quân tóc dài”, 50 năm phong trào “Ba đảm đang” và một số sự kiện trong dịp 8.3 do TW Hội LHPN Việt Nam tổ chức. Mẹ Trần Thị Quang Mẫn sinh ra tại xã Vĩnh Thạnh, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang hiện trú tại 38/6 đường Nguyễn Văn Vịnh, quận Tân Phú, thành phố Hồ Chí Minh. Mẹ đã có một cuộc đời hoạt động cách mạng thật ấn tượng và đáng khâm phục.

Mặc dù đã 93 tuổi, nhưng Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Thị Quang Mẫn vẫn rất mẫn tiệp. Đưa mẹ lên phòng nghỉ ngơi, vì trong người mẹ không được khỏe do đi đường xa và khí hậu miền Bắc thay đổi, nhưng mẹ vẫn không quên ân cần hỏi han nơi tôi làm việc, động viên tôi cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Giọng sang sảng, mẹ hồi tưởng lại những kí ức không thể phai mờ trong cuộc đời hoạt động Cách mạng bị địch bắt, tù đầy, những kí ứcvề người chồng và người con trai duy nhất đã hy sinh vì độc lập tự do của tổ quốc.

Mẹ kể: Căm thù giặc sâu sắc, mẹ đã trốn nhà tham gia kháng chiến. Bị bố cắt tóc, lột quần áo, nhốt trong nhà vì không muốn con gái đi bộ đội, Mẫn xin mẹ cho mình và em gái trốn đi. Mượn cả xóm mới được một bộ đồ nam nhi, Mẫn đã cải trang thành nam giới và gia nhập đội quân Vệ Quốc Đoàn.Tối tối, cô gái Mẫn trốn vào rừng hét cho vỡ tiếng để giọng ồm ồm; tập ăn nói bỗ bã cho giống con trai, tập hút thuốc, tập uống rượu… Mẫn bắt em gái gọi mình bằng “anh” và mỗi lần chiến đấu bị thương, Mẫn đều được em gái là y tá giành quyền chăm sóc.Anh dũng chiến đấu qua bao nhiêu trận đánh, cho đến khi “anh Mẫn” đã làm đến chức Đại đội trưởng của Vệ Quốc Đoàn, anh em chiến sĩ vẫn nghĩ người thủ trưởng của mình là một nam nhi thực thụ. Lập chiến công lớn trong một trận đánh, “anh Mẫn” được lên báo “Tiếng súng kháng địch”. Cậu họ của Mẫn lúc đó là cán bộ quân sự đọc tin thấy cháu gái mình được tuyên dương dưới danh nghĩa anh đại đội trưởng Trần Quang Mẫn thì đem chuyện của Mẫn khoe với Mười Bé -cậu bộ đội cùng đơn vị và tiết lộ chuyện Mẫn giả trai.

Cảm phục cô gái gan dạ, kiên trung, có lòng căm thù giặc sâu sắc, mặc dù chưa gặp mặt nhưng Mười Bé đã đem lòng yêu thầm trộm nhớ. Bất chấp sự ác liệt của bom đạn chiến tranh. Mười Bé đi đến đâu cũng dò hỏi tin tức về Trần Quang Mẫn mong có ngày tương hợp. Thế rồi trong một trận đánh, sau khi sát cánh cùng Trần Quang Mẫn trên chiến trường, Mười Bé đã gặp riêng và nói mình đã biết sự thật Mẫn giả trai tham gia bộ đội và thổ lộ đem lòng yêu mến từ lâu. Muốn cốnghiến nhiều hơn cho kháng chiến, “anh Mẫn” một mực khăng khăng từ chối chuyện mình giả trai và hôn ước. Qua bao lần thuyết phục, cảm động trước tình yêu Mười Bé dành cho mình, đám cưới giữa “anh Mẫn” và Mười Bé đã được tổ chức tại đơn vị. Cả đại đội lúc ấy ai ai cũng đều ngỡ ngàng về cô dâu lạilà anh Trần Quang Mẫn đại đội trưởng - tinh thần thép. Mừng hạnh phúc cho đám cưới có một không hai này,họ càng cảm phục hơn người con gái Việt Nam anh dũng, kiên cường, giỏi giang, dũng cảm.

Có với nhau được một người con trai duy nhất thì năm 1952, chồng hy sinh khi bà mới sinh hạ cậu con trai duy nhất được mấy ngày. Nén nỗi đau, biến căm thù thành sức mạnh, mẹTrần Thị Quang Mẫn tiếp tục kiên cường chiến đấu. Trong một lần được giao trọng trách ám sát tên việt gian ác ôn, nhưng không thành, mẹ bị bọn lính ngụy vây bắt, mặc dù chống trả và làm bị thương nhiều tên nhưng không thoát, mẹ bị bắt và cầm tù suốt 7 năm. Khi ấy mẹ Trần Thị Mẫn mới 25-26 tuổi . Những ngày tháng trong tù, mẹ bị chúng đánh đập, tra tấn dã man đến chết đi sống lại nhưng mẹ Trần Thị Quang Mẫn quyết không khai căn cứ cách mạng. Sự tra tấn dã man của bọn địch giờ vẫn để lại những vết thương hằn sâu trong mẹ, vừa nói chuyện mẹ Mẫn vừa đưa tay gãi, mẹ kể lũ giặc rất hiểm độc, ngoài những đòn tra tấn dã man của kẻ thù, chúng còn dùng những kế bỉ ổi hành hạ người tù, chúng lấy nước các bệnh nhân phong cùi tắm rửa hứng vào xô rồi hàng ngày đưa nước ấy bắt chiến sĩ cách mạng rửa ráy. Nhưng những đòn tra tấn dã man và thâm độc ấy của kẻ thù đã không đánh gục được người phụ nữ Việt Nam anh hùng. Trong tù mẹ tiếp tục hoạt động Cách mạng, vận động chị em đoàn kết, đấu tranh chống giặc, chống lại những hành động đàn áp người tù dã man. Không giết được người nữ Cộng sản kiên trung, khiếp nhược trước tinh thần đấu tranh không mệt mỏi của mẹ, trong 7 năm tù cấm cố chúng phải chuyển mẹ đi nhiều nhà tù khác nhau và cuối cùng phải thả tự do cho mẹ. Cả nước ai ai cũng biết đến Mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Quang Mẫn - “nữ chúa miền Tây” vì những chiến công hiển hách của mẹ trong chiến đấu.

Viết về những chiến công vang dội và sự hi sinh mất mát của mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Quang Mẫn có lẽ bao nhiêu giấy mực cũng không đủ. Từ tự hào, đến cảm động, khâm phục, kính trọng, tôi một lần nữa lại thấy mình may mắn được nói chuyện cùng mẹ, được mẹ kể cho nghe câu chuyện về cuộc đời mẹ. Bất chợt tôi thấy mình thật nhỏ bé, khi tuổi thanh xuân của tôi cũng trạc độ tuổi như mẹ ngày xưa. Chắc chắn rằng, tôi và nhiều bạn trẻ khác sẽ nguyện cố gắng học tập tinh thần yêu nước nồng nàn của mẹ để xây dựng đất nước ngày càng ấm no hạnh phúc.

Nguyễn Thị Dịu - TTTT

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video