Chuyện kể về người ở lại với Trường Sơn

03/01/2010
Cả bảy chị đều là TNXP từng đóng góp máu xương, tuổi thanh xuân trên công trình C38 (Công trường 20, Ban 67) xây dựng tuyến đường Trường Sơn (đoạn qua tỉnh Quảng Bình) dưới mưa bom, bão đạn của năm tháng chống Mỹ, cứu nước. Xuất ngũ trở về quê hương, các chị đã vào tuổi “quá lứa, lỡ thì”, cứ tưởng rồi mình sẽ sống cuộc sống bình lặng bên góc vườn, mảnh ruộng ở miền quê nghèo Hậu Lộc (Thanh Hóa). Nhưng rồi, theo tiếng gọi của hạnh phúc riêng tư, các chị đã lặn lội vào lại cung đường Trường Sơn năm xưa để buồn, vui phận làm dâu xứ người...
Quá khứ oanh liệt

Trong căn nhà nhỏ nằm cạnh tuyến đường Hồ Chí Minh như dải lụa dài chạy xuyên qua núi rừng Trường Sơn, chị Nguyễn Thị Phòng, ở bản A Vương, xã Tà Rụt, huyện Đakrông (Quảng Trị) không giấu vẻ tự hào khi kể cho tôi nghe về quá khứ hào hùng của mình. Chị sinh ra và lớn lên ở thôn Thành Phú, xã Thành Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa). Ngày 20-3-1968 lên đường nhập ngũ và được phiên vào đơn vị TNXP C38 (Công trường 20, Ban 67) đảm nhận thi công, sửa chữa tuyến đường Trường Sơn, đoạn qua tỉnh Quảng Bình.

Trước đó, bố mẹ chị khi biết chị có ý định đi TNXP đã  ngăn cản vì lúc ấy trong gia đình, các anh của chị Phòng đều đang chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Nhưng chị vẫn tình nguyện viết đơn xin nhập ngũ. Biết bố mẹ sẽ buồn nên hôm lên đường, chị để lại lá thư nói rõ tâm nguyện được lên đường chiến đấu cũng như mong bố mẹ thứ lỗi vì ra đi mà không chào bố mẹ. Thu xếp áo quần, tư trang, chị vội vã băng qua cánh đồng, mấy ngọn đồi đến nơi tập kết quân...

Chuyến xe hôm ấy đưa chị và nhiều chị em cùng xã từ từ lăn bánh để lại đằng sau xóm làng đang chìm trong lớp sương mờ lạnh buổi sáng. Vào đến đơn vị hôm trước, hôm sau, chị và đồng đội ra ngay bám mặt đường để khuân đá, san lấp hố bom. Nhiều hôm, ban ngày máy bay Mỹ ném bom rát quá phải tranh thủ khuân đá, vá đường suốt đêm. Sức vóc tôi hồi đó yếu lắm bởi sốt rét rừng liên tục, vậy mà vừa dứt cơn sốt là ra mặt đường rồi còn phải mang vác cả 50-60 kg trên vai.

Thời gian đó, sống chiến đấu tại Công trường 20 sự sinh tử cũng bất thường lắm. Có hôm cả Đại đội TNXP sáng ra còn điểm danh đủ mặt nhưng sau trận bom Mỹ đến bữa cơm chiều đã thiếu vắng mất một nửa. Có chị bị trúng bom hy sinh, chỉ còn vài phần thân thể nên khi khâm liệm, chị em đành nuốt nước mắt bái vọng hương hồn đồng đội đang phiêu bạt giữa rừng sâu, núi thẳm. Ác liệt là vậy nhưng mỗi khi gửi thư về nhà, chị nói với bố mẹ là ở đơn vị vui lắm vì sợ bố mẹ buồn lòng... Công việc vá đường, san lấp hố bom cứ tiếp diễn mãi cho đến năm 1976, chị mới xuất ngũ về quê.

Đường về quê chồng....


Thời gian rảnh rỗi, chị Lành thường đến phụ chị Phòng bán hàng tạp hóa.

Tạm dừng câu chuyện để ra quán tạp hóa bán hàng cho khách sau đó quầy quả trở vào trò chuyện với tôi, chị bảo rằng khi bỏ lại sau lưng cung đường Trường Sơn với khoảng rừng cháy xém, ken đặc hố bom, hành trang trở về là chiếc ba lô cùng với màu nước da bủng beo, men mét tái bởi chuỗi ngày bị sốt rét rừng hành hạ, chị cứ tưởng đời mình rồi sẽ có một mái nhà, một tấm chồng để sống những ngày hạnh phúc ở quê nhà.

Nhưng rồi, về đến quê chị mới kịp nhìn lại mình để rồi nhận ra rằng,  chị cũng như nhiều chị em cùng lứa, nhập ngũ một lần với chị đã trở thành “quá lứa, lỡ thì”. Cứ tưởng cuộc đời chị sẽ an phận với mảnh vườn, góc ruộng, nhưng rồi qua sự mai mối của người quen, đến năm 1983 chị gặp ông Hồ Văn Xuân, ở bản A Vương, xã Tà Rụt, huyện Đakrông. Lúc bấy giờ, ông Xuân đang học tập, công tác tại Thanh Hóa.

“Hồi đó, trong làng tôi có người lấy chồng ở trong này. Người đó mai mối tôi với ông Xuân. Hôm gặp mặt, ông ấy không nói gì chỉ ngồi im lặng mãi đến khi gần ra về mới bảo muốn lấy tôi làm vợ. Tôi thấy ông ấy cũng hiền lành nên đồng ý. Mấy hôm sau, đám cưới đơn sơ được tổ chức tại nhà tôi mà không hề có bên họ nhà trai. Khoảng vài tháng sau, ông ấy bảo tôi thu xếp về quê chồng để sống. Chỉ kịp chuẩn bị mấy bộ áo quần, tôi theo chồng tôi lên xe về Quảng Trị.

Vào đến Đông Hà, vợ chồng tìm kiếm mãi vẫn không có chuyến xe nào lên Đakrông nên đành phải vạ vật ngủ vỉa hè suốt hàng tuần chờ xe. Tiền hết lại không có người thân thích, quen biết sống ở Đông Hà, tôi phải đi xin ăn...Cứ ai cho gì thì mang về để vợ chồng cùng ăn. Còn khát nước thì xuống sông Hiếu múc lên uống. Hôm đón được chuyến xe lên Đakrông, tôi đã bật khóc nức nở”- chị Phòng tâm sự.

Vượt qua nỗi cơ cực của tập tục...

Lấy khăn lau giọt nước mắt đọng lại trên khuôn mặt khắc khổ, chị Phòng tiếp tục câu chuyện: “Đón được xe lên đến Đakrông, vợ chồng tôi cắt rừng, lội bộ nửa ngày mới vào đến bản A Vương. Bản A Vương hồi đó trải ra trước mắt tôi là những ngôi nhà sàn xiêu vẹo, rách nát cùng người dân bản đang quay quắt trong đói nghèo và đời sống còn quá nhiều tập tục lạc hậu. Bữa cơm đầu tiên mà gia đình chồng đón tôi là sắn luộc chấm muối ớt dọn lên mấy lá chuối rừng được lót xuống sàn nhà. Nhìn cả nhà ngồi bốc sắn chấm muối ớt ăn ngon lành mà tôi thấy lòng mình se thắt lại. Sống ở quê chồng một thời gian, tôi mới thấm hết nỗi gian nan, cơ cực bởi tập tục còn lạc hậu hồi đó của đồng bào dân tộc Pa Cô.

Tập tục lạc hậu đầu tiên tôi phải chịu đựng đó là khi mang bầu đứa con đầu lòng đến khi gần chuyển dạ sinh con, người trong nhà chồng mới ra sau đồi dựng bốn chiếc cọc tre và lợp sơ sài mấy tấm lá chuối, đặt vội chiếc giường tre ọp ẹp rồi mang tôi ra đó. Từ khi chuyển dạ cho đến khi sinh con, không có ai thân thích bên mình kể cả chồng tôi để giúp tôi “vượt cạn”. Sinh nở xong, không còn sức lực nữa vậy mà mọi công việc từ cắt rốn đến tắm rửa cho con, tôi phải tự làm lấy. Đến bữa người nhà chồng mới mang ra cho hai mẹ con mấy củ sắn luộc chấm muối ớt. Đêm nằm ủ ấm đứa con còn đỏ hỏn vào lòng trong chiếc chòi giữa đồi hoang vắng, tôi đã khóc như chưa bao giờ được khóc.

Tôi không thể tin nổi đời mình lại có lúc cơ cực đến thế. Mấy hôm sau, chồng tôi cùng người nhà ra đón tôi về nhà. Con chưa kịp cứng cáp, tôi đã phải gùi con trong a chói theo người nhà lên rẫy để trồng sắn, trồng ngô. Mười ba năm chung sống với chồng, tôi sinh nở tám lần nhưng chỉ “giữ” được ba đứa con gái...

Sự cơ cực chưa dừng ở đó, bởi chồng tôi cũng như nhiều người đàn ông trong bản hầu như không bao giờ đụng đến việc nhà, việc nương rẫy mà giao hết cho vợ con. Nhiều khi vừa dứt đợt sốt rét còn run lẩy bẩy cũng phải lần mò lên rẫy đào sắn về cho con ăn. Năm 1996, chồng tôi lâm bệnh rồi mất. Lúc đó, cuộc sống của gia đình tôi vẫn luẩn quẩn trong khổ cực. Khoảng năm 1998-1999, có cô giáo người tỉnh Thừa Thiên- Huế lên vùng này dạy học thấy hoàn cảnh mẹ con tôi, đã bày cho tôi cách làm ăn, buôn bán nên cuộc sống của mấy mẹ con đến bây giờ đã khá dần lên”.

Nỗi buồn đọng lại....

Buông tiếng thở dài như trút hết nỗi niềm cất giấu trong lòng bấy lâu nay, chị Phòng cho biết: “Hiện tại, ở xã Tà Rụt này còn có bảy chị có hoàn cảnh giống tôi. Đó là chị Vũ Thị Lành, Trương Thị Lý, Nguyễn Thị Cam, Vũ Hồng Quy, Căn Yến (đều  quê ở huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) và chị Nguyễn Thị Mát (quê huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa). Khoảng vào năm 2000, tôi ra thăm quê được biết nhiều chị em cùng nhập ngũ một lần với tôi đến nay hầu hết đã được hưởng các chế độ chính sách dành cho TNXP.

Biết được tin đó, tôi bàn với chị Lành làm chế độ nhưng khi chị Lành mang hồ sơ ra huyện về bảo với tôi là còn thiếu nhiều giấy tờ nên huyện không thể giải quyết chế độ, chính sách được. Nghe chị Lành về nói vậy, tôi nản quá nên không làm nữa. Thời thanh xuân khi lên đường nhập ngũ đến khi đi qua chiến tranh lành lặn trở về, tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện sau này được hưởng chế độ, chính sách.

Giấy tờ có liên quan khi lấy chồng, tôi mang vào quê chồng đến nay đều đã mất hết trong các đợt lũ rừng. Tôi chỉ thương cho các chị em cùng hoàn cảnh như tôi. Trong số bảy chị đi TNXP sau đó vào đây lấy chồng thì hầu hết đều có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Nếu có chế độ, chính sách thì phần nào giúp gia đình các chị bớt khó khăn hơn.

Tôi ngồi im lặng nghe chị Phòng kể chuyện đời chị trong ào ạt cơn mưa rừng vừa ập đến. Từng hạt mưa rơi xuống mái nhà, rơi xuống mặt đường, rơi xuống cánh rừng xanh thăm thẳm. Tôi tự hỏi, hạt mưa nào là thân phận các chị? Thân phận của người phụ nữ khi đất nước lâm nguy đã không ngần ngại mang cả tuổi thanh xuân lên những cánh rừng cháy sém bom đạn để thông đường cho những chuyến xe chở hàng hóa, đạn dược chi viện cho chiến trường miền Nam đánh Mỹ. Bây giờ, các chị lại quay về tuyến đường ấy để tìm chút hạnh phúc riêng tư trong khắc khổ, nhọc nhằn...
Bài, ảnh: NGUYỄN VĂN HAI - HOÀNG TIẾN SỸ
Theo NDĐT

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video