Chuyên đề: Nhức nhối nạn bắt cóc trẻ em và buôn bán phụ nữ ở tỉnh Lai Châu

14/04/2008
Tình trạng nhiều phụ nữ bị bán và bỏ đi sang Trung Quốc đang trở thành vấn đề nổi cộm diễn ra từ nhiều năm nay ở tỉnh Lai Châu. Điều đáng nói là bên cạnh số đối tượng phạm tội chuyên nghiệp, nhiều phụ nữ trẻ em đã từng là nạn nhân bị bán sang Trung Quốc lấy chồng hoặc làm gái mại dâm khi về thăm quê, vì đồng tiền lại trở thành tội phạm lừa bán phụ nữ, trẻ em, kể cả người thân trong gia đình.

Kỳ I:Phận liễu đào bên kia biên giới

Nhẹ dạ, cả tin, muốn làm giàu nhanh nhiều phụ nữ vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới đã trở thành những “con mồi” của những kẻ “buôn người” táng tận lương tâm. Biết bao thân phận liễu yếu đào tơ đã bị vùi sâu trong những nhà chứa mại dâm bên kia biên giới.

“Thiên đường” cách một cánh rừng

Trời cuối đông, mây mù vần vũ bao phủ cả bản Mù Sang, xã Mù Sang, huyện Phong Thổ (Lai Châu). Căn nhà hoang của chị Giàng Thỷ Cha bốn bề thông thốc gió lùa. Ông Ma Páo Hảng, Phó chủ tịch UBND xã chỉ tay vào ngôi nhà rách nát nói đầy thương xót: “ Cha mới bỏ đi được chưa lâu”. Cuộc đời của Cha cũng giống như “số phận” của căn nhà siêu vẹo này. Cha không có chồng, nhưng có 2 cô con gái. 3 mẹ con chắt chiu từng bắp ngô, củ sắn nuôi nhau. Vậy mà không hiểu sao khi 2 cô con gái chuẩn bị đến tuổi lấy chồng, Cha bán cả 2 đứa cho bọn buôn người ở bên kia Trung Quốc. Sự việc này các cơ quan chức năng không có đủ chứng cớ, nên không bắt tội Cha được. Không lâu sau, Cha còn dở trò lừa bán cả mấy đứa con của hàng xóm. Rất may là bà con phát hiện kịp thời, hành động của Cha không thành. Cha bị xử 3 năm tù giam. Những tưởng sau lần bán con và những ngày ở trong song sắt Cha sẽ ăn lăn hối cải. Nào ngờ ra tù “ngựa quen đường cũ” Cha tiếp tục dụ dỗ lừa gạt các cô gái trẻ để bán. Sau các phi vụ không thành, bị cơ quan chức năng truy bắt, Cha đã bỏ nhà sang bên kia biên giới để tránh tội.

Không riêng gì Cha, nhiều phụ nữ người Mông ở Mù Sang có phong trào bỏ nhà đi tìm “thiên đường” ở xứ người. Như gia đình Giàng Thị Sai cả ba mẹ con cùng rủ nhau bỏ quê sang Trung Quốc tìm kiếm hạnh phúc. Ông Hảng cho biết thêm: “ Từ trước đến nay xã có trên 50 phụ nữ mất tích, không rõ nguyên nhân. Ngay cả con gái của ông Phó ban Tư pháp xã cũng bị mất tích từ nhiều ngày nay. Đa phần những phụ nữ bị mất tích ở trong độ tuổi còn rất trẻ từ 15 đến 40”. Cũng theo ông Hảng, phụ nữ trong xã bị mất tích và bị lừa sang Trung Quốc là một thực trạng báo động. Tuy nhiên, chính quyền xã chưa thể ngăn chặn nổi.

Trong những ngày đi dọc những bản giáp biên của huyện Phong Thổ, đến đâu chúng tôi cũng được nghe kể những câu chuyện đau lòng về những thân phận chị em phụ nữ bị lừa bán. Tạm biệt xã Mù Sang, chúng tôi đến bản Pa Pe xã Bình Lư (Tam Đường). Cách đây vài năm, 5 cháu gái ở bản Pa Pe là Tao Thị P (17 tuổi); Tao Thị D và Lò Thị P. (16 tuổi), Lò Thị D và Lò Thị H. (15 tuổi), cùng lúc đã bị các “mẹ mìn” lừa bán sang Trung Quốc, với giá mỗi cháu 1,1 triệu đồng. Thủ phạm của vụ buôn người táo tợn này là 3 con “yêu tinh cái” cùng xã, tên là Vàng Thị Kẻn, Hoàng Thị Hiền và Dỉ Thị Tén, đã cấu kết với một đối tượng ở Bát Xát (Lào Cai) tên là Dỉ Thị Thanh (sinh năm 1973). Sau khi bỏ khoản tiền 5,6 triệu đồng để “mua trọn gói” cả 5 cháu gái rồi bán cho một người đàn ông Trung Quốc. Tay đàn ông khốn khiếp nọ lần lượt bắt các cháu “phục vụ” mình ngay trong căn nhà ô uế của hắn. Mấy tháng sau, lúc đã “no xôi chán chè” hắn lại đem bán 4 cháu cho thằng khác, 1 cháu bị bán vào nhà chứa ở thị trấn Hà Khẩu (Trung Quốc).

Thực trạng nhức nhối

Trên đây chỉ là những nạn nhân mà chúng tôi tiếp cận được. Theo thống kê chưa đầy đủ của Công an tỉnh Lai Châu, tính đến thời điểm này trên địa bàn toàn tỉnh có gần 1.000 phụ nữ sang lấy chồng bên Trung Quốc, riêng huyện Phong Thổ (khi chưa tách huyện) giữ “kỷ lục” với gần 700 chị em (xấp xỉ gần 70%). Phong Thổ là huyện biên giới có 80km đường biên tiếp giáp với nước bạn Trung Quốc. Ngoài một cửa khẩu quốc gia Ma Lù Thàng, còn có hàng nghìn con đường tiểu ngạch xuyên núi cắt rừng, không dễ kiểm soát và thậm chí là không thể kiểm soát. Dọc hai bên đường biên, hàng bao đời nay đồng bào các dân tộc có những mối quan hệ huyết thống, họ mạc, qua lại thăm thân, buôn bán, đổi chác hàng hoá. Lợi dụng điều này, bọn tội phạm đã trà trộn rồi dùng mọi mánh khoé bắt quen với các cô gái, nhất là các cô gái trẻ, chưa chồng con, dỗ ngon dỗ ngọt rồi đưa họ sang ở bên kia biên giới.

Những năm gần đây, việc các cô gái dân tộc Phong Thổ lấy chồng Trung Quốc đang rộ lên như một “phong trào xuất ngoại”. Công bằng mà nói, cũng có những cô lấy chồng được anh chồng đàng hoàng, con nhà tử tế, bản thân các cô sung sướng đã đành, ngay cả họ ngoại cũng được nhờ. Có điều, số chị em may mắn này chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ, không đáng kể gì so với số các cô gặp phải hoàn cảnh đau lòng. Theo thống kê của cơ quan Công an huyện: 26/31 xã, thị trấn trong huyện Phong Thổ (cũ) có phụ nữ sang lấy chồng bên Trung Quốc. Trong đó, đông nhất là ở các địa bàn biên giới, vùng sâu như: xã Bình Lư 76 trường hợp, Mường So 49 trường hợp, Khổng Lào 46 trường hợp... Đông nhất là các cô gái dân tộc Nhắng và Thái với 50%, tiếp đến là dân tộc Mông và Hà Nhì 22%... Trong số 674 chị em, có 6 người học hết cấp II; 129 người hết cấp I; 539 người mù chữ hoặc độ lớp 1, lớp 2, bổ túc văn hoá. Đại đa số chị em bị bán cho những gã mà vì lý do gì đấy không lấy nổi vợ Trung Quốc, nếu không nghiện ngập bê tha thì cũng kèm nhèm mắt mũi, hoặc là những đối tượng mãn hạn tù.

Cũng theo thống kê trên, hầu hết chị em bị đưa về những vùng xa xôi, hiểm trở chẳng khác gì nơi cô ra đi. Trình độ nhận thức kém, tiếng tăm không biết, phong tục khác lạ và nhất là bị đối xử như một đứa mua về, nên nhiều cô đã mạo hiểm bỏ trốn. Tuy nhiên, khi mà đường đất không thuộc, tiền nong không có, thân gái dặm trường, các cô nhanh chóng bị bắt lại và bị trừng phạt một cách dã man. 85% chị em “một đi không trở lại”, coi như cuộc đời vĩnh viễn sống gửi thác nhờ; 15% chị em may mắn trốn thoát về nước. Nhưng ngay cả số gọi là “may mắn” này thì các cô cũng phải trả một cái giá quá đắt cho giấc mộng phù hoa của mình. Để có thể thoát khỏi sự truy đuổi của những “hậu duệ” nhà Sở Khanh cùng Mã Giám Sinh, có cô buộc phải bỏ lại những giọt máu mà mình đã đứt ruột đẻ ra, có cô mang về cam chịu cảnh nuôi con một mình. Vài tháng sau, những cú sốc tâm lý nặng nề làm nhiều cô nhanh chóng ngã bệnh, trong đó có cả những căn bệnh phong tình mà tự họ “nhập” về.

Những thân phận phụ nữ bị đày đoạ ở động mại dâm xứ người rồi cả những nàng dâu bất đắc dĩ nơi xứ người đều do những “tú ông” và các “mẹ mìn” xuyên biên giới gây ra. Qua những đường dây buôn người bị phá chúng đã hiện nguyên hình là những “con yêu tinh” đội lốt người./.

Hữu Thiêm – Xuân Tuấn

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video