Chủ tịch Quốc hội: Làm rõ 5 nội dung trong Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)

07/09/2022
Về Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, rất khó để nhận diện các hành vi bạo lực gia đình, tính khả thi, hiệu quả của các biện pháp phòng, chống, mức độ xử lý, làm sao để không gây tác dụng ngược đối với nạn nhân.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: quochoi.vn

Sáng nay (7/9), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách để thảo luận một số dự án luật, dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Hội nghị sẽ trung thảo luận về 06 dự án luật, 01 dự thảo nghị quyết trình Quốc hội thông qua. Trong đó, về các dự án luật đã được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 4, đa số ý kiến ĐBQH đã thể hiện sự tán thành cao về sự cần thiết ban hành và nhất trí với nhiều nội dung chính của các dự thảo luật.

Riêng về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Dự án luật này có nội dung rất rộng, ảnh hưởng đến toàn xã hội, đến từng gia đình - "tế bào" của xã hội, có ý nghĩa quan trọng trong bảo vệ quyền con người ngay từ gia đình, góp phần gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình.

Tuy nhiên, rất khó để nhận diện các hành vi bạo lực gia đình, tính khả thi, hiệu quả của các biện pháp phòng, chống, mức độ xử lý, làm sao để không gây tác dụng ngược đối với nạn nhân. Theo đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các vị ĐBQH tập trung thảo luận, làm rõ:

Một là, nhận diện các hành vi bạo lực gia đình; việc mở rộng với một số nhóm đối tượng không còn trong quan hệ hôn nhân, gia đình;

Hai là, về tư vấn, hòa giải và xử lý tin báo, tố giác vụ việc; bảo vệ, hỗ trợ người báo tin tố giác bạo lực gia đình, người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình;

Ba là, cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình và xã hội hóa công tác phòng, chống bạo lực gia đình; 

Bốn là, biện pháp cấm tiếp xúc theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã và Tòa án;

Năm là, biện pháp "thực hiện công việc phục vụ cộng đồng" - đây là điểm nhấn của lần sửa đổi này; mới được bổ sung trên cơ sở tiếp thu ý kiến của ĐBQH, mang tính chất tự quản tại cộng đồng, xuất phát từ nhu cầu của cộng đồng và do cộng đồng quyết định.

Lãnh đạo Quốc hội chủ trì Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách. Ảnh: quochoi.vn

Hội nghị kéo dài 2 ngày để cho ý kiến nhiều nội dung quan trọng như: Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi)… Theo Chủ tịch Quốc hội, Hội nghị cũng là diễn đàn thể hiện rõ nhất quyền và trách nhiệm của ĐBQH hoạt động chuyên trách. Việc tổ chức Hội nghị là cần thiết, thể hiện quyết tâm của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhằm phát huy tối đa vai trò, trí tuệ, tính dân chủ của ĐBQHCT trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng pháp luật.

Qua đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị ĐBQH chuyên trách tranh thủ tối đa thời gian, cơ hội để nghiên cứu, trao đổi, tranh luận, phản biện với cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra nhằm đóng góp nhiều ý kiến chất lượng, sâu sắc về các dự thảo. Các ý kiến của các ĐBQHCT sẽ là cơ sở quan trọng để các cơ quan hữu quan tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật với mục tiêu đảm bảo chất lượng cao nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 4.

Theo: http://phunuvietnam.vn/

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video