Chủ tịch Hội LHPNVN: Chú trọng hướng dẫn, tập luyện kỹ năng phòng, chống thiên tai cho người dân

19/11/2019
Phát biểu trong phiên thảo luận tại tổ hôm nay, 18/11, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, cho rằng, nếu người dân được trang bị kỹ năng thì có thể hạn chế, giảm thiểu được rất nhiều tác hại của thiên tai.

Sáng 18/11, tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu thảo luận tại tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng.

Phát biểu góp ý vào Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai tại Tổ 7, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội LHPNVN, đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang, bày tỏ sự đồng tình với những nội dung được sửa đổi; tuy nhiên dự thảo luật này cần quân tâm thêm một số vấn đề để hiệu quả thực thi được tốt hơn.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, mặc dù phòng, chống thiên tai phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tự nhiên, cấp độ thiên tai, yếu tố sinh học… nhưng nếu người dân được trang bị kỹ năng thì có thể hạn chế, giảm thiểu được rất nhiều tác hại của thiên tai. Ví dụ, khi có kỹ năng chuẩn bị, nắm được kế hoạch phòng chống thiên tai của địa phương, biết địa điểm và phương thức di chuyển an toàn đến nơi tránh trú thì sẽ làm giảm được thiệt hại cả về người và tài sản.

Tuy nhiên, trong dự thảo chủ yếu mới đề cập tới việc phổ biến, tuyên truyền luật pháp, giáo dục, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, nhưng chưa đề cập tới giáo dục, hướng dẫn phòng chống thiên tai thông qua việc hướng dẫn, thực hành kỹ năng phòng chống thiên tai cho người dân. Những quy định như vậy mới chỉ mang tính chất “một chiều từ phía trên xuống, phía ngoài vào mà không phải bản chất, chưa cung cấp kỹ năng cần thiết cho người dân”.

Dẫn ví dụ tại tỉnh Bắc Giang, đại biểu Thu Hà cho biết, sau khi nhiều trường học đưa môn bơi vào chương trình học để nâng cao kỹ năng phòng chống đuối nước cho học sinh, đã giúp tỷ lệ trẻ bị đuối nước những năm gần đây giảm hơn hẳn.

Theo đó, đại biểu Thu Hà đề nghị cần phải rà soát và bổ sung các quy định về hướng dẫn kỹ năng cho người dân vào điều 1 khoản 14 và các điều khoản 34, 35, 36, 37 của Luật Phòng, chống thiên tai hiện hành cũng như các văn bản pháp luật liên quan. Tại phiên thảo luận tổ 7, một số đại biểu cũng đồng tình cao với đề xuất nêu trên.


 Ảnh minh họa

 Phiên thảo luận tại tổ sáng 18/11/2019.


Về  Điều tra cơ bản phòng, chống thiên tai, tại khoản 9 Điều 1 của dự thảo bổ sung Điều 13a, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà đồng tình với việc bổ sung những nội dung liên quan tới cơ sở dữ liệu, các công trình hạ tầng, trang thiết bị, thông tin, quan trắc… Đây là những phần liên quan tới phương tiện, điều kiện để phục vụ phòng, chống thiên tai. Tuy nhiên, trong “Nội dung điều tra cơ bản phòng, chống thiên tai” (Điều 13) cần bổ sung những tiêu chí mang tính xã hội học như theo giới tính, theo lứa tuổi, theo đối tượng như người khuyết tật, người neo đơn…; qua đó sẽ tìm hiểu được đối tượng nào dễ bị tổn thương hơn, dễ gặp rủi ro hơn. Quy định nội dung điều tra mang tính xã hội học sẽ toàn vẹn hơn về khả năng ứng phó với thiên tai, giúp các nhà hoạch định chính sách có cái nhìn toàn diện để đề ra các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ… theo đúng nhu cầu với đặc điểm của từng nhóm đối tượng.

https://phunuvietnam.vn/MH

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video