Chống tội phạm ma tuý ở Sơn La- cuộc chiến lâu dài

01/12/2007
Thời gian qua, các lực lượng chức năng đã bắt giữ, xử lý nhiều vụ buôn bán, tàng trữ ma tuý nghiêm trọng ở Sơn La. Máu của các chiến sỹ, nước mắt của những người thân của họ đã phải đổ nhiều. Thế nhưng, vấn nạn ma tuý không những không giảm mà ở một số nơi và ở một số thời điểm còn có dấu hiệu gia tăng…

Quan trọng nhất là phòng ngừa

Trung tâm giáo dục và lao động tỉnh Sơn La lúc nào cũng có khoảng 1.300 người cai nghiện thuộc nhiều lứa tuổi, dân tộc và ngành nghề khác nhau. Anh Lê Thế Hờn, 46 tuổi, dân tộc Kinh, ở xã Chiềng Sơn, tỉnh Sơn La vào Trung tâm được 9 tháng. Với giọng nói run run và nét mặt đượm buồn, anh kể: “Trước đây, tôi là giáo viên tiểu học nhưng sa vào con đường nghiện ngập ma tuý. Tôi dạy học ở vùng biên giới, xa xôi hẻo lánh lâu năm, cái nạn có sẵn nó lôi kéo lúc nào không biết… Sau 12 tháng được về nhà, tôi định sẽ ở nhà cùng gia đình làm lại cuộc đời.”


Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn tỉnh Sơn La hiện có hơn 16.000 người nghiện ma tuý. Con số này chỉ phản ánh được “phần nổi của tảng băng chìm”. Đáng báo động là nhiều đối tượng đã tái nghiện.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí gần đây về chống tội phạm ma tuý, Thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Lê Thế Tiệm khẳng định biện pháp “phòng ngừa” là chủ yếu. Phòng ngừa tốt sẽ giúp công tác đấu tranh “chống” tội phạm ma tuý hiệu quả hơn.


Phường Quyết Thắng, thị xã Sơn La là một đơn vị đã làm tốt công tác tuyên truyền, phòng ngừa tội phạm ma tuý. Phường đã huy động sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể như Hội cựu chiến binh, Hội nông dân, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên…, thành lập các câu lạc bộ chuyên trách tham gia tuyên truyền phòng chống tội phạm ma tuý. Ông Nguyễn Đình Thuận, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân phường Quyết Thắng cho biết: “Để làm tốt công tác phòng chống ma tuý và đấu tranh, chúng tôi cho rằng việc tuyên truyền, vận động nhân dân là công việc đầu tiên và nhiệm vụ quan trọng nhất. Làm thế nào đó để các ông bố bà mẹ phải xác định con cái là tài sản quý nhất của gia đình họ để từ đó họ quyết tâm giáo dục con cái không dính vào ma tuý. Các gia đình phải là pháo đài đầu tiên, tốt nhất để quản lý con em họ”. 


Những khó khăn nan giải

Công tác tuyên truyền chống nghiện và quản lý các đối tượng nghiện ma tuý ở nhiều phường, xã của tỉnh Sơn La nhìn chung đã được cải thiện. Tuy nhiên, vẫn còn một vấn đề mà các cơ quan chức năng vẫn chưa tìm được câu trả lời là việc chống tái nghiện sau cai. Tình trạng tái nghiện ở Sơn La hiện nay cho thấy việc phòng ngừa “tội phạm ma tuý còn rất nhiều khó khăn”. Anh Lê Quang Khanh, Phó Giám đốc Trung tâm giáo dục và lao động tỉnh Sơn La thổ lộ: “Chúng tôi cố gắng làm thế nào để đã dạy nghề thì không dạy những nghề viển vông; cố gắng tìm những nghề phù hợp với địa phương, hoàn cảnh, trình độ của họ”.


Mặc dù đã tiến hành các chiến dịch truy quét mạnh, nhưng tình trạng buôn bán, tàng trữ các chất ma tuý không giảm. Theo anh Trần Đình Bình, Phó Đội trưởng Đội điều tra về tội phạm ma tuý của Công an huyện Mộc Châu - tỉnh Sơn La, trong số những khó khăn mà lực lượng chức năng gặp phải trong quá trình đấu tranh chống tội phạm ma tuý là địa hình khu vực hiểm trở và phức tạp. Sơn La có 250 km đường biên tiếp giáp nước Lào, có những xã vẫn phải đi bộ mới đến được.


Cũng về những khó khăn trong công tác phòng chống tội phạm ma tuý ở vùng biên giới, ông Phan Văn Phấn, Bí thư Đảng uỷ xã Phiêng Khoài, huyện Yên Chấn- một xã giáp biên giới với Lào cho biết thêm: “Đây là xã giáp biên giới mà cái khó là ở bạn, từ trưởng bản đến công an viên và cán bộ chủ yếu là trùm ma tuý. Việc buôn bán giáp bạn rất tự do, thoải mái. Một số đối tượng sang bên kia hút trích xong rồi về. Thế nên, việc quản lý ở một địa bàn rộng thế này là rất khó khăn”.


Trung tá Nguyễn Tiến Trung, Phó Trưởng công an Huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La cho biết dù đã được quan tâm đầu tư, nhưng kinh phí cho hoạt động chống tội phạm ma tuý vẫn còn hạn hẹp, đặc biệt là ở cấp xã. Bên cạnh đó, các đối tượng buôn bán ma tuý thường là những đối tượng đã bị nghiện, một số đã bị nhiễm HIV/AIDS nên rất liều lĩnh, thường xuyên mang theo vũ khí và sẵn sàng đáp trả khi bị tấn công. Một số trùm buôn ma tuý lợi dụng đồng bào dân tộc thiểu số để thuê họ vận chuyển ma tuý. Bọn tội phạm cũng tìm cách liên kết, tạo thành các mạng lưới buôn bán xuyên quốc gia và liên tỉnh. Trong khi đó, các lực lượng trực tiếp làm công tác chống tội phạm ma tuý còn mỏng và chuyên môn, nghiệp vụ chưa cao. Trung tá Nguyễn Tiến Trung cho biết thêm về những khó khăn trong công tác chống tội phạm ma tuý ở vùng biên giới như sau: “Trong những năm qua, chúng tôi thấy có những đường dây liên tỉnh, từ Lào vào Yên Châu rồi đi các địa bàn miền xuôi. Lực lượng kiểm soát ở vùng biên giới này thực sự còn mỏng, cho nên các đối tượng cũng lợi dụng đặc điểm này để hoạt động buôn bán ma tuý từ Lào sang Việt Nam, rồi vận chuyển đi các địa bàn khác để tiêu thụ”. 


Để tháo gỡ vướng mắc

Là một người có nhiều năm công tác ở cơ sở, nên Trung tá Nguyễn Tiến Trung rất hiểu những vướng mắc mà lực lượng phòng chống ma tuý ở địa bàn gặp phải. Trung tá Trung có nêu một số đề xuất để nâng cao hiệu quả của công tác chống ma tuý ở vùng biên: “Cần tăng thêm biên chế cho lực lượng chuyên trách đấu tranh chống tội phạm ma tuý; Công tác bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu cũng cần được quan tâm để nâng trình độ của cán bộ lên một bước mới; trang bị, kể cả những trang bị kỹ thuật phải tốt hơn; cần phải tăng thêm kinh phí công tác; cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các lực lượng đấu tranh, sự chỉ đạo thống nhất, tập trung giữa các cấp; và quan trọng là phải có sự hợp tác, trao đổi với nước bạn Lào để công tác đấu tranh chống tội phạm ma tuý qua biên giới đồng bộ hơn”.  


Trong một hội nghị gần đây, ông Hoàng Văn Chất, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Sơn La cho biết: Tỉnh phấn đấu đến năm 2010, tất cả các đơn vị tại địa phương phải đạt tiêu chuẩn “bốn không”: Không có người trồng cây thuốc phiện; không có người buôn bán trái phép chất ma túy; không có người nghiện ma túy; và không có điểm tệ nạn ma túy”. Xét thực tế công tác phòng và chống tội phạm ma tuý của Sơn La hiện nay, đây là một mục tiêu mà muốn đạt được cần phải huy động được sức mạnh tổng thể của cả hệ thống chính trị và của toàn dân./.

Theo VOV

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video