Cho ngày mai tươi sáng

19/06/2008
Từ năm 1996-2001, xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hoá là điểm “nóng” về tình trạng phụ nữ bị bán sang Trung Quốc.

Song song với các chương trình được triển khai của địa phương, Bộ Lao động Thương binh và xã hội cùng tổ chức ILO (Tổ chức Lao động quốc tế) cũng triển khai chương trình tổng hợp giúp giảm thiểu các nguy cơ buôn bán người từ cộng đồng nơi đi và tại cộng đồng nơi đến ở Ngư Lộc. Sau 6 năm triển khai đã có hàng nghìn phụ nữ, trẻ em có nguy cơ bị buôn bán đã được hưởng lợi từ các chương trình tín dụng, giáo dục, dạy nghề... của chương trình.

Điểm “nóng” Ngư Lộc

Từ năm 1993 đến nay, Thanh Hóa có trên 4.000 phụ nữ bị  bán sang Trung Quốc làm “vợ” hoặc bị ép buộc hành nghề mại dâm. Chỉ 2.300 chị em trong số đó đã có “thông tin phản hồi”, còn 1.700 người đến nay vẫn bặt vô âm tín!

Ngư Lộc là xã có nhiều phụ nữ bị buôn bán nhất tỉnh Thanh Hoá. Chị Phạm Thị Hà, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Ngư Lộc, cho biết: “ Toàn xã có trên 1.000 phụ nữ không có công ăn việc làm ổn định, cộng thêm hàng trăm phụ nữ có chồng chết hoặc mất tích khi đi biển… nên một số đối tượng đã lợi dụng hoàn cảnh ngặt nghèo của họ, dụ dỗ các nạn nhân đi tìm vận may nơi xứ người. Vẫn biết đi làm ăn xa dễ rơi vào cạm bẫy của bọn buôn người, nhưng các chị vẫn phải đi để kiếm sống”.

Không dừng lại ở đó, số chị em bị ngược đãi, xâm hại nhân phẩm khi “vượt ngục” về nước lại đối mặt với không ít khó khăn, chưa kể dư luận xã hội đâu phải lúc nào cũng sẵn sàng bao dung, sẻ chia với những cảnh đời không may mắn. Nhiều trường hợp khi về nước không có nơi nương tựa, thiếu tư liệu sản xuất, không đủ tư cách pháp nhân để vay vốn hoặc xin đất làm nhà…

  Theo báo cáo của Hội phụ nữ xã, từ năm 1996-2001 xã có tới 127 phụ nữ, trẻ em (trong đó chủ yếu là phụ nữ) bị lừa bán sang Trung Quốc và gần 300 trẻ em đi lang thang kiếm sống tại các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Phòng ngừa và bảo vệ

Trước thực trạng trên năm 2002, Chương trình Tổng hợp giúp giảm thiểu các nguy cơ buôn bán người từ cộng đồng nơi và tại cộng đồng nơi đến đã được triển khai ở Ngư Lộc. Hội phụ nữ được lấy làm nòng cốt.

Hội đứng ra nhận số vốn do chương trình tài trợ rồi cho chị em vay để chăn nuôi và chạy chợ. Việc cung cấp tín dụng nhằm nâng cao thu nhập và tạo việc làm cho phụ nữ và trẻ em có nguy cơ bị buôn bán. Các gia đình có trẻ có nguy cơ cao và trẻ bỏ học được cấp một khoản vốn nhỏ để giúp họ ổn định cuộc sống, tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ tiếp tục đi học.

Nhờ có kinh phí của dự án hỗ trợ, đến nay xã Ngư Lộc đã có trên một nghìn lượt chị em được vay vốn giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho bản thân và gia đình. Ngoài ra, chương trình còn mở nhiều lớp học nghề thêu ren, chế biến hải sản…để cho các chị chưa có nghề được tham gia. Chị Hà cho biết thêm: “ Đến nay đã có trên một nghìn lượt phụ nữ được vay vốn, đa phần các chị em vay vốn đều làm ăn rất hiệu quả”.

Tham gia Chương trình này, phụ nữ còn được tuyên truyền về những thủ đoạn của bọn buôn bán người. Đặc biệt là ở xã có một số chị em bị buôn bán khi trở về quê hương đã tình nguyện làm tuyên truyền viên. Các hoạt động được triển khai ở các chi hội rất phong phú như: mít tinh để phát động chiến dịch phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em, phát tờ rơi, cung cấp tài liệu về chủ đề phòng ngừa tại những nơi đông người qua lại… Những chị em đi làm ăn xa được cung cấp tài liệu dành cho người đi làm việc xa nhà.

Chương trình còn hướng tới những chị em bị buôn bán trở về địa phương. Hội phụ nữ đã quan tâm giúp đỡ, tạo điều kiện cho số chị em hồi gia tái hòa nhập cộng đồng, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền vạch mặt âm mưu, thủ đoạn của đối tượng buôn người, tăng cường phổ biến kiến thức về bình đẳng giới và công ước quốc tế về quyền trẻ em.

Sau 6 năm triển khai dự án, tình hình buôn bán phụ nữ, trẻ em được đẩy lùi, không có thêm trường hợp nào bị lừa gạt, đã có một số phụ nữ bị lừa bán và trẻ em đi lang thang trở về địa phương chăm lo làm ăn, ổn định cuộc sống./.

Xuân Xuyên

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video