Cho bé ăn dặm đúng và đủ

18/10/2012
Theo khuyến nghị, trẻ nên bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Sau 6 tháng, sữa mẹ sẽ không còn đủ dưỡng chất, đặc biệt là sắt, vì thế cùng với việc tiếp tục được bú sữa mẹ, trẻ sẽ cần tới các thực phẩm khác.

1. Khi nào bé sẽ sẵn sàng ăn dặm?

- Bé đã có thể tự ngóc đầu lên: Tư thế này sẽ giúp bé ăn bằng thìa tốt hơn.

- Có thể ngồi dựa: Bạn có thể dùng loại ghế hơi ngả ra sau một chút để giúp bé có thể tự ngồi thẳng dậy.

- Biết nhai chóp chép: Bé nhà bạn có thể di chuyển thức ăn trong miệng cũng như biết nuốt. Ở thời điểm 6 tháng tuổi, bé cũng có thể đã mọc 1 – 2 răng.

- Bé lên đủ cân. Hầu hết các bé đều bắt đầu sẵn sàng ăn dặm khi trọng lượng cơ thể tăng gấp đôi so với khi mới sinh và điều này có thể đạt được trước khi bé 6 tháng tuổi.

- Háu ăn. Bé nhìn chằm chằm vào các món bạn ăn không rời mắt và luôn cố gắng để bốc thức ăn rồi cho vào miệng.

Các mẹ không nên cho bé ăn dặm sớm quá bởi như vậy sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của bé như: bé dễ bị đầy bụng, khó tiêu, biếng ăn, biếng bú và lâu dài sẽ có nguy cơ bị thiếu hụt dinh dưỡng, dẫn đến bé bị suy dinh dưỡng, chậm lớn…

2. Nên bắt đầu cho bé ăn dặm như thế nào?

Sau khi bé tạm thoát khỏi cơn đói bằng cách bú mẹ hay sữa công thức, lúc này bạn có thể cho bé nhấm nhấp 1 - 2 thìa súp được làm từ ngũ cốc khô có pha với sữa mẹ hoặc sữa công thức.

Thìa cho trẻ ăn là loại thì mềm (thìa cao su) và sau khi bé nhấm nháp hết 2 thìa súp ngũ cốc thì lại cho bé bú mẹ hay uống sữa bình. Với cách này, bé sẽ không cảm thấy bị đói đến mức mà bé buộc phải thử một thực phẩm mới cũng như quá no để chẳng thiết tha gì.

Cho bé ăn từng chút một. Khi bé ăn 2 - 3 thìa bột/ngày thì có thể thêm những thực phẩm khác vào. Bé cũng cần có thời gian để thích ứng với hương vị mới và cảm giác nữađồng thời điều này giúp mẹ phát hiện các dấu hiệu của dị ứng thực phẩm chẳng hạn như tiêu chảy, đau bụng hay nổi mày đay.

Khi bé đã biết ăn các thực phẩm nghiền thì bạn có thể quấy bột đặc hơn. Điều này sẽ giúp bé học kỹ năng nhai và nuốt.

Bắt đầu là một vài thìa rau quả trong cùng bữa ăn bột. Những thực phẩm tốt cho thời điểm bắt đầu ăn dặm là: chuối, cà rốt, rau, táo, đào, lê, khoai lang, súp lơ và bí ngô hầm nhừ. Các loại rau quả nghiền nhuyễn này có thể thêm nước sôi, nước mát hay sữa mẹ, sữa công thức để làm loãng trước khi cho bé ăn. Bạn cũng có thể nấu cháo rau cho bé. Nước dừa, nước quả và nước rau ép cũng có thể giới thiệu cho bé trong thời gian này.

3. Ǎn dặm bao nhiêu là đủ? 

- Trẻ 4-6 tháng: Lúc đầu chỉ cần ăn 1 bữa, mỗi bữa vài thìa (tăng dần) và cho bú thêm ngay sau khi ăn. Đến khoảng 5 tháng rưỡi, 6 tháng, có thể tăng thêm 2 bữa mỗi ngày, mỗi bữa khoảng nửa bát. Các cữ sữa vẫn phải duy trì đủ theo yêu cầu của bé.

- Từ 6 đến 9 tháng: Ăn bột 2 bữa/ngày, mỗi bữa khoảng 1/2-2/3 bát với đủ 4 nhóm thực phẩm. Vẫn cho bú sữa nhiều lần, bú đêm cho đủ nhu cầu tăng trưởng.

- Từ 9 đến 12 tháng: Ăn bột, cháo đặc 2-3 bữa mỗi ngày với khoảng 2/3 bát mỗi bữa. Ǎn thêm trái cây tươi và các loại thức ăn mềm như pho mát, bánh flan, rau câu, tào phớ đường. Sữa vẫn không thể thiếu trong khẩu phần hằng ngày của bé.

Nói chung, lượng ăn của mỗi bé khác nhau tùy theo khả năng tiêu hóa, hấp thu. Có trẻ ăn nhiều hơn bú, cũng có trẻ bú nhiều hơn ăn. Vì vậy, bạn cũng phải uyển chuyển một chút. Điều quan trọng là bé đủ no và tăng trưởng tốt. 

4. Những thực phẩm thiết yếu của giai đoạn này gồm:

- Bú mẹ hay uống sữa công thức giàu chất sắt. Một lượng nhỏ nước quả ít ngọt pha với nước sôi, nước mát (1 phần nước quả cho 10 phần nước) và có thể cho bé uống bằng thìa thay vì bú bình.

- Ngũ cốc bổ sung chất sắt

- Các loại rau củ như khoai tây, súp lơ xanh, súp lơ trắng, khoai lang, bí ngô

- Một lượng nhỏ thịt, cá, sữa chua, trứng chín kỹ, đậu lăng ninh nhừ, phô mai.

- Quả tươi.

Chú ý: Không cho bé uống mật o­ng trước 1 tuổi để phòng nguy cơ ngộ độc

Khi bé thôi “miệng sáo”, bắt đầu đùa nghịch với thìa, nhè bột, ngậm trong miệng thì có nghĩa rằng bé đã no.

5. Khi nào cho bé tập gặm?

Khi trẻ đã có nhiều kinh nghiệm ăn uống hơn, bạn có thể tăng cường thêm những thực phẩm cắt miếng được nấu mềm. Ở thời điểm 7 – 9 tháng, bé đã sẵn sàng với các món ăn cần tới khả năng gặm.

Một số món ăn dễ gặm và tốt cho tiêu hóa ở thời điểm này bao gồm: bánh mỳ, chuối chín, dưa thơm, cà rốt luộc chín, khoai lang.

Không được để bé một mình với các món ăn này đề phòng nguy cơ bé bị hóc.

Phạm Hồng (tổng hợp)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video