Chính sách ưu đãi dành cho lao động nữ: Nhiều quy định không thực tế

01/09/2009
Nhiều chính sách ưu đãi đối với lao động nữ (LĐN) được ban hành, nhưng không được thực hiện nghiêm. Ông Lương Phan Cừ, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội ví von các chính sách này như "miếng bánh ngon nhưng lại khó nhằn!".

Doanh nghiệp tìm cách "lách"

Ngày 24/8 vừa qua, tại TP Hải Phòng, Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đã chủ trì hội thảo "Thực hiện pháp luật về lao động đối với lao động nữ". Hội thảo thu hút sự tham gia của nhiều lao động nữ (LĐN), chủ sử dụng LĐ, nhà quản lý và chính quyền địa phương.

26 năm làm công nhân dệt thảm thuộc Công ty Cổ phần Hàng Kênh (Hải Phòng), chị Mai Anh Thư đã bày tỏ những trải nghiệm của mình: "LĐN như chúng tôi không được biết nhiều đến các chính sách LĐ ưu đãi với mình như: số ngày được nghỉ ốm hưởng BHXH, nghỉ thai sản, nghỉ chăm sóc con nhỏ, số ngày nghỉ khi đi khám thai, chế độ phụ cấp... Chúng tôi cũng không được học nghề dự phòng. Các chị em có con gửi trẻ hoặc mẫu giáo đều không được hỗ trợ tiền".

Nội dung phản ánh của chị Thư cũng là tình trạng khá phổ biến tại các doanh nghiệp (DN). Việc quy định về chế độ, chính sách ưu đãi với LĐN lại được các DN nhìn nhận như những gánh nặng tài chính và rủi ro cho họ. Chính vì vậy, đã dẫn đến tình trạng DN "lách" luật. Kết quả khảo sát về LĐN tại tỉnh Vĩnh Phúc và TP Hà Nội vừa qua cho thấy, tỷ lệ LĐN được ký hợp đồng LĐ tại các DN ngoài quốc doanh là 75%, tỷ lệ ký thỏa ước LĐ tập thể là 30%.

Nhiều LĐN tại tỉnh Vĩnh Phúc đã kiến nghị: Điều 42 Bộ luật Lao động quy định "nếu làm việc dưới 12 tháng, người LĐ không được DN trợ cấp thôi việc...", do đó, nhiều DN đã cho ký hàng loạt hợp đồng LĐ có thời hạn 12 tháng, đến tháng thứ 11 lại "gợi ý” cho người LĐ làm đơn xin nghỉ việc, sau vài ngày lại làm hồ sơ xin việc để ký hợp đồng mới. Như vậy, DN không phải trợ cấp thôi việc, miễn phải thực hiện các chế độ nâng bậc, nâng lương hàng năm. Ngay cả những khoản phụ cấp như: phụ cấp chuyên cần, phụ cấp chức vụ... mà DN cấp cho người LĐ thuộc diện trợ cấp thường xuyên, nhưng lại không ổn định,  không thuộc diện phải ghi vào phụ lục hợp đồng LĐ nên DN thường tùy tiện, không công khai với người LĐ.

Điều 64 Bộ luật Lao động quy định: "Căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh hàng năm của DN và mức độ hoàn thành công việc của NLĐ, người sử dụng LĐ thưởng cho NLĐ...". Theo TS Lê Văn Diêu (Chuyên gia Dự án về thực hiện pháp luật với LĐN), điều này tạo cho người sử dụng LĐ cách hiểu: việc trả hay không trả lương tháng 13 cho người LĐ phụ thuộc vào "lòng tốt" của "ông chủ”, cho dù DN có lợi nhuận lớn.

Phần lớn các DN xây dựng thang bảng lương chỉ bằng hoặc cao hơn mức lương tối thiểu một chút, hoặc chia nhỏ gói lương, tăng thưởng, thậm chí tiền thưởng cao hơn tiền lương rất nhiều để tránh phải đóng BHXH cho người LĐ vì mức đóng BHXH chỉ dựa trên mức lương tối thiểu chứ không theo thu nhập thực tế.

Một số DN còn trốn, nợ BHXH kéo dài, vì các chế tài hiện nay so với mức đóng chẳng thấm vào đâu. Mặt khác, các DN rất ít bị thanh tra vì lực lượng thanh tra chuyên ngành quá mỏng, thậm chí có nơi còn không thanh toán các chế độ ốm đau, thai sản cho người LĐ.

Những hàng rào thủ tục

Giám đốc Công ty TNHH dệt may Việt Phương (Hải Phòng), bà Vũ Thanh Phương cho biết: "DN chúng tôi có hơn 200 công nhân, trong đó 80% là LĐN. Mặc dù chúng tôi đã cố gắng thực hiện mọi ưu đãi cho LĐN nhưng khi đề nghị xét giảm thuế thu nhập DN thì thủ tục lại quá rắc rối, khiến chi phí cho việc xin xét giảm còn cao hơn cả số tiền DN được giảm".

Ông Phạm Ngọc Tiến, Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ LĐ-TB-XH thừa nhận, vẫn còn khoảng cách giữa những quy định của chính sách pháp luật và thực tiễn, nên LĐN không thực sự được thụ hưởng. Điển hình như chính sách miễn giảm thuế đối với DN có sử dụng nhiều LĐN, nhưng đến nay, chỉ có hai tỉnh là Nghệ An và Bình Định triển khai. Theo các quy định về giảm thuế cho các DN sử dụng nhiều LĐN thì các khoản chi hợp lý cho LĐN được trừ để tính thu nhập chịu thuế (nhưng không mang tính bắt buộc). Trong khi đó, khi chi thêm thì DN phải thực hiện thủ tục rườm rà để đề nghị xét giảm thuế. Do vậy, các DN thường chọn cách không chi thêm cho LĐN.

Bà Phương cũng trình bày: "Theo quy định, DN phải đào tạo nghề dự phòng cho LĐN, nhưng điều này chưa được các DN nghiêm túc thực hiện. Bởi vì, người LĐ có thể rời bỏ DN một cách dễ dàng khi gặp cơ hội tốt hơn. Vì vậy, sẽ là không công bằng cho các DN khi họ đã có những đầu tư cho đào tạo nâng cao tay nghề và đào tạo dự phòng, nhưng lại không giữ chân được LĐ". Mặt khác, các khoản chi phí thực hiện chính sách ưu đãi phải hạch toán vào giá thành sản phẩm, dẫn đến hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp, điều này cũng khiến các DN né tránh thực hiện các quy định về ưu đãi với LĐN.

Đại diện một DN da giày tại Hải Phòng cũng đưa ra những khó khăn của mình khi không tổ chức được nhà ở cho công nhân, nhà trẻ, trường mầm non cho con LĐN. Bởi lẽ, DN không có quỹ đất, nên không thể tổ chức thực hiện quy định này. Những việc trên là trách nhiệm của các nhà quản lý địa phương. Nếu DN thực hiện nghiêm ngặt các quy định trên thì giá thành sản phẩm "đội lên", DN không cạnh tranh nổi, dẫn đến tâm lý không muốn nhận LĐN, lại gây thêm bất lợi cho NLĐ.

Theo ông Tiến, giải pháp cơ bản nhất mà ngành LĐ-TB-XH cần nhanh chóng thực hiện là các chính sách về việc làm và bảo trợ XH. Trong thời gian tới, cần hướng vào giải quyết các vấn đề thất nghiệp và thiếu việc làm, giải quyết các ảnh hưởng đối với LĐ không có tay nghề mà số đông là nữ.

Mai Tâm (Phunuonline.com.vn)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video