Chính sách pháp luật Việt Nam về phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em

03/03/2008
Trong những năm gần đây, nhất là khi Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì tình hình tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em xảy ra ngày càng phức tạp, nghiêm trọng và có xu hướng gia tăng.

Một bộ phận phụ nữ, trẻ em bị buôn bán ở trong nước chủ yếu từ các vùng nông thôn, miền núi ra thành phố, thị xã để làm gái mại dâm. Còn lại phần lớn phụ nữ, trẻ em bị buôn bán ra nước ngoài qua các đường mòn và cửa khẩu trên tuyến biên giới phía Bắc và phía Tây Nam.

 

Tại phía Bắc: Phụ nữ, trẻ em Việt Nam được đưa qua Trung Quốc chủ yếu để làm vợ bất hợp pháp, giúp việc trong gia đình và làm gái mại dâm ở các cơ sở kinh doanh dịch vụ. Nạn nhân được đưa bằng đường bộ qua các cửa khẩu hoặc đường mòn từ các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Giang…

 

Tại phía Nam: Hầu hết các nạn nhân được đưa qua biên giới đến Campuchia bằng đường bộ, đường thuỷ từ các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Tây Ninh, Kiên Giang,,, Campuchia còn là địa bàn trung chuyển đưa phụ nữ, trẻ em Việt Nam tới nước thứ ba như Thái Lan, Singapore, Malaysia…

 

Ngoài ra, phụ nữ, trẻ em Việt Nam còn bị dụ dỗ, lừa gạt buôn bán sang các nước với hình thức môi giới hôn nhân, cho nhận con nuôi người nước ngoài, xuất khẩu lao động, du lịch thăm thân nhân…

 

Tình hình trên đã trở thành vấn đề nóng bỏng, bức xúc, ảnh hưởng xấu đến đời sống sinh hoạt xã hội, xâm hại nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm, sức khoẻ của phụ nữ và trẻ em.

 

Phòng ngừa, ngăn chặn và tiến tới làm giảm cơ bản tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em vừa là mục tiêu, vừa là trách nhiệm của Nhà nước, các ngành, các cấp và của toàn xã hội.

 

Quan điểm chỉ đạo của Chính phủ Việt Nam:

 

- Phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em là vấn đề mang tính xã hội cao, phải đặt trong mối quan hệ giữa phòng, chống tội phạm với giải quyết các vấn đề về kinh tế, văn hoá, xã hội dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của Đảng, chính quyền, huy động sự tham gia của các ngành, đoàn thể và toàn xã hội.

 

- Lấy phòng ngừa là chính, kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa với đấu tranh xử lý tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em và tái hoà nhập cộng đồng cho nạn nhân phù hợp với chính sách pháp luật trong nước và pháp luật quốc tế.

 

Quan điểm trên được thể hiện cụ thể là:

 

1. Hình sự hóa hành vi buôn bán người:

 

Bộ luật hình sự nước CHXHXN Việt nam (được Quốc hội thông qua ngày 21/12/1999) có nhiều điều liên quan trực tiếp hay gián tiếp đến việc phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em.

 

Hành vi buôn bán phụ nữ, trẻ em đã được quy định cụ thể trong 2 điều: Điều 119 (Tội mua bán phụ nữ) và Điều 120 (Tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em). Hành vi buôn bán người được hiểu là mọi hành vi nhằm cố ý chuyển giao phụ nữ, trẻ em từ người này sang người khác hoặc một nhóm người khác nhằm lấy tiền hay bất cứ lợi ích vật chất nào.

 

Để phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em, ngoài các tội phạm được quy định tại điều 119 và 120, Bộ Luật hình sự còn hình sự hoá các hành vi có liên quan như: Chứa mại dâm (điều 254); Môi giới mại dâm (điều 225); Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức (điều 267); Vi phạm quy chế khu vực biên giới (điều 273); Xuất, nhập cảnh trài phép, ở lại nước ngoài trái phép (điều 274); Tổ chức, cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước trái phép (điều 275).

 

Như vậy, Bộ Luật hình sự đã thể hiện rõ tính kiên quyết trong đấu tranh chống các loại tội phạm, quy định khá chi tiết và cụ thể mức độ hình phạt đối với các hành vi phạm tội, không chỉ nhằm trừng trị tội phạm mà còn có tác dụng giáo dục, phòng ngừa cao.

 

2. Chính sách và biện pháp phòng ngừa tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em tại cộng đồng:

 

Phòng ngừa tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em tại cộng đồng là chủ trương, biệnpháp có tính chất cơ bản, chiến lược trong toàn bộ công tác phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em với những nội dung chủ yếu sau đây:

 

- Tổ chức tuyên truyền, giáo dục trong toàn xã hội về ý thức chấp hành pháp luật, phát động phong trào quần chúng nhân dân phát hiện, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em. Trong đó tập trung tuyên truyền ở các vùng, địa bàn trọng điểm, các nhóm đối tượng có nguy cơ cao bị buôn bán và sử dụng tất cả các kênh truyền thông đồng thời xây dựng bộ công cụ truyền thông có hiệu quả.

 

- Kết hợp biện pháp truyền thông với các biện pháp về kinh tế, văn hoá xã hội (xoá đói giảm nghèo, xây dựng làng văn hoá, cụm dân cư an toàn, xã phường không có tệ nạn xã hội...)

 

- Quản lý giáo dục tại cộng đồng các đối tượng có tiền án, tiền sự liên quan đến buôn bán phụ nữ, trẻ em, lạm dụng tình dục trẻ em nhằm ngăn ngừa sự tái phạm, tạo điều kiện để họ hoàn lương (dựa trên cơ sở pháp lý như Quy chế giáo dục tại xã, phường, thị trấn; Quy chế quản chế hình sự...)

 

- Xây dựng, bổ sung và hoàn thiện các chính sách pháp luật có liên quan nhằm khắc phục các sơ hở dễ bị tội phạm lợi dụng (như chính sách về hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, chính sách về xuất nhập cảnh, chính sách về quản lý lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài...)

 

3. Chính sách về xử lý tội phạm buôn bán người:

 

- Chính sách xử lý về hình sự:

 

Điều 119: Quy định về tội mua bán phụ nữ với hình phạt cao nhất đến 20 năm tù, ngoài ra người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 1-5 năm.

 

Điều 120: Quy định về tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em mức hình phạt cao nhất là tù chung thân. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm hoặc phạt quản chế từ một năm đến năm năm.

 

- Chính sách xử lý về hành chính: những hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống buôn bán người chưa đến mức phải xử lý về hình sự (tính chất nguy hiểm cho xã hội hoặc không đáng kể) thì có thể áp dụng các biện pháp xử lý hành chính (như cảnh cáo, phạt tiền, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, giáo dục tại xã, phường, thị trấn, dựa vào cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng...)

 

4. Chính sách về tiếp nhận, hồi hương, tái hoà nhập cộng đồng cho nạn nhân bị buôn bán:

 

Pháp luật Việt Nam coi phụ nữ, trẻ em bị buôn bán là nạn nhân của tội phạm và họ cần được bảo vệ, giúp đỡ một cách phù hợp. Mặc dù nạn nhân có thể đã vi phạm một số quy định của pháp luật (như vượt biên trái phép, sử dụng giấy tờ giả, bán dâm...) nhưng những hành vi đó là do hậu quả trực tiếp của tội phạm thì vẫn không bị xử lý.

 

Ngày 29/01/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định số 17/2007-QĐ-TTg ban hành Quy chế tiếp nhận và hỗ trợ tái hoà nhập cộng đồng cho phụ nữ, trẻ em bị buôn bán từ nước ngoài trở về. Quy chế nêu rõ:

 

- Tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp và không phân biệt đối xử đối với nạn nhân.

 

- Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nướctham gia, hỗ trợ nạn nhân ổn định cuộc sống, tái hoà nhập cộng đồng.

 

- Nạn nhân cần chăm sóc về sức khoẻ, tâm lý trước khi tái hoà nhập cộng đồng.

 

- Nạn nhân cần chăm sóc về sức khoẻ, tâm lý trước khi tái hoà nhập cộng đồng và nạn nhân là trẻ em cần được chăm sóc tại các cơ sở hỗ trợ nạn nhân. Trẻ em mồ côi, không nơi nương tựa được các cơ sở bảo trợ xã hội quản lý, nuôi dưỡng.

 

- Nạn nhân có nguyện vọng trở về gia đình được hỗ trợ tiền tàu xe, tiền ăn đường để họ tự trở về; nếu nạn nhân là trẻ em thì có người đưa về.

 

- Nạn nhân trở về nơi cư trú được xem xét cấp lại các giấy tờ cần thiết, trẻ em là con của nạn nhân đi cùng mẹ nếu chưa có giấy khai sinh thì được làm thủ tục khai sinh theo quy định.

 

- Nạn nhân được hỗ trợ học văn hoá, học nghề, được hỗ trợ khó khăn ban đầu và hỗ trợ vay vốn để sản xuất kinh doanh từ ngân hàng chính sách xã hội, quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo...

 

5. Chính sách hợp tác quốc tế:

 

Tội phạm buôn bán người mang tính chất xuyên quốc gia, quốc tế và là tội phạm có tổ chức. Vì vậy, việc hợp tác quốc tế là yêu cầu hết sức quan trọng. Trong những năm qua, chính sách hợp tác quốc tế về phòng chống buôn bán phụ nữ, trẻ em đã được thực hiện trên các lĩnh vực sau:

 

- Tham gia các văn kiện quốc tế liên quan đến phòng, chống buôn bán người như: công ước về loại trừ tất cả các hình thức phân biệt đối với phụ nữ (CEDAW), công ước quốc tế về quyền trẻ em và Nghị định thư bổ sung cho công ước về buôn bán và mại dâm trẻ em, công ước về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (hiện đang chờ phê chuẩn), đang nghiên cứu để ký Nghị định thư về phòng ngừa, xoá bỏ và trừng phạt tội buôn bán người, đặc biệt là buôn bán phụ nữ, trẻ em. Ngoài ra, Việt Nam còn tham gia các thoả thuận và tuyên bố quốc tế về phòng chống buôn bán người.

 

- Ký kết Hiệp định thư tương trợ tư pháp, Hiệp định về phòng chống tội phạm với nhiều nước trên thế giới, trong đó có hợp tác về phòng chống buôn bán phụ nữ, trẻ em. Nội dung bao gồm hợp tác về tư pháp hình sự (trao đổi thông tin về tội phạm, phối hợp xác minh điều tra, thu thập chứng cứ, bắt giữ tội phạm, dẫn độ, truy nã, trao trả và hồi hương nạn nhân bị buôn bán), hợp tác về đào tạo, nâng cao năng lực các cơ quan tư pháp và hành pháp về phòng chống buôn bán người, hợp tác trao đổi chuyển giao công nghệ, phương tiện kỹ thuật...

 

Hợp tác với các tổ chức quốc tế, tham gia thực hiện các dự án trong khu vực về phòng chống buôn bán người.


Trong thời gian tới, Việt Nam tiếp tục chú trọng xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống buôn bán người theo hướng tiếp cận và phù hợp với các quy phạm pháp luật quốc tế, xây dựng các cơ chế hợp tác song phương và đa phương một cách phù hợp để việc hợp tác quốc tế về phòng, chống buôn bán người ngày càng có hiệu quả hơn.

Phạm Văn Hùng - Phụ nữ & Tiến bộ

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video