Chính phủ đề xuất phát động phong trào tiết kiệm toàn hệ thống

15/06/2020
Báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, do biến động lớn từ dịch Covid-19, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, điều chỉnh một số chỉ tiêu kế hoạch năm 2020. Một trong những giải pháp thực hiện là phát động việc tiết kiệm trong toàn hệ thống chính trị - xã hội.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc báo cáo trước Quốc hội tình hình kinh tế xã hội

GDP quý I/2020 thấp nhất trong 10 năm

Trước thời điểm Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội đang diễn ra và kéo dài 2 ngày (13/6 và 15/6), kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, Chính phủ đã có Tờ trình vào ngày 11/6/2020 về một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 để phục hồi và phát triển nền kinh tế.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, đại dịch COVID-19 đã và đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng đến tất cả các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Nền kinh tế toàn cầu và nhiều quốc gia, đối tác lớn của ta rơi vào suy thoái nghiêm trọng.

Kinh tế nước ta có độ mở lớn, hội nhập quốc tế sâu rộng nên dịch bệnh tác động mạnh đến hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội, ảnh hưởng đến tâm lý và đời sống nhân dân.

Trong đó, nhiều chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, đầu tư bị gián đoạn; các hoạt động sản xuất, kinh doanh đình trệ; tác động trực tiếp đến xuất, nhập khẩu và khu vực dịch vụ; ảnh hưởng nghiêm trọng đến các ngành hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, y tế, giáo dục... và lao động, việc làm; nhiều doanh nghiệp phá sản, giải thể, tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô. GDP quý I/2020 chỉ tăng 3,82%, là mức thấp nhất trong 10 năm gần đây.

Với Việt Nam, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và sự đồng lòng, đoàn kết của toàn dân, toàn quân, chúng ta đã đẩy lùi và kiểm soát được dịch bệnh. Các hoạt động của đời sống kinh tế, xã hội đang được khôi phục trong trạng thái bình thường mới

"Yêu cầu cấp thiết hiện nay là vừa phải tập trung phòng, chống dịch, vừa phải có các chính sách, giải pháp cả trước mắt và lâu dài nhằm giảm thiểu tác động của dịch bệnh, vượt qua khó khăn, thách thức, tận dụng thời cơ để sớm phục hồi và đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội" – Thủ tướng nhấn mạnh.

Trước những khó khăn trên, Chính phủ sẽ chủ động chỉ đạo, điều hành các chính sách tiền tệ, tài khoá, thương mại, đầu tư và các chính sách khác để giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn và bảo đảm an sinh xã hội, sinh kế, việc làm, đời sống, nhất là đối với người lao động, đối tượng chính sách, người nghèo, người yếu thế chịu ảnh hưởng lớn của dịch bệnh.

Tiết kiệm trong toàn hệ thống chính trị

Về Dự toán Ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2020, Chính phủ trình Quốc hội cho phép chủ động điều hành, điều chỉnh các chỉ tiêu về ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2020, trong đó có thu NSNN, bội chi NSNN và nợ công cho phù hợp tình hình thực tiễn, đặc biệt là tốc độ tăng trưởng GDP.

Chính phủ xây dựng kịch bản với hai trường hợp: Trường hợp tăng trưởng GDP khoảng 4,5%, thu NSNN dự kiến giảm khoảng 163 nghìn tỷ đồng. Trường hợp tăng trưởng GDP khoảng 3,6% (khi mà trường hợp khả năng dịch bệnh tái phát vào cuối năm 2020) thu NSNN dự kiến giảm khoảng 190 nghìn tỷ đồng.

Trên cơ sở đó, Chính phủ đề triển khai thực hiện một số giải pháp:

Một là, phát động phong trào tiết kiệm trong toàn hệ thống chính trị và xã hội để dồn nguồn lực cho phục hồi và phát triển kinh tế. Theo đó, thực hiện cắt giảm tối thiểu 70% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước còn lại của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2020, đặc biệt là các khoản chi mua sắm chưa thực sự cần thiết.

Hai là, yêu cầu các địa phương chủ động sử dụng các nguồn dự phòng, dự trữ, tăng thu, tiết kiệm chi, kết dư NSĐP, nguồn cải cách tiền lương còn dư và các nguồn lực hợp pháp khác để đảm bảo các nhiệm vụ chi quan trọng.

Ba là, cho phép chuyển nguồn sang năm 2020 khoản chi thường xuyên NSTW năm 2019 để cân đối bù hụt thu NSTW năm 2020 và cho các nhiệm vụ cấp bách khác.

Đề nghị Quốc hội xem xét 5 chính sách đặc thù

Cùng với đó, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, thông qua chủ trương về một số cơ chế, chính sách đặc thù trong tình hình mới.

Trước hết, cho phép Chính phủ chủ động điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2020 giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong phạm vi dự toán chi đầu tư phát triển năm 2020. Đồng thời, thực hiện các giải pháp đặc thù để huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển trong bối cảnh khó khăn.

Thứ hai, cho chuyển đổi phương thức đầu tư các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông và dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ từ phương thức đối tác công tư sang đầu tư từ nguồn vốn NSNN, bảo đảm công khai, minh bạch, có cơ chế giám sát, quản lý hiệu quả (do việc huy động nguồn vốn tín dụng cho các dự án đối tác công tư rất khó khăn).

Thứ ba, miễn, giảm một số nghĩa vụ thuế, nộp ngân sách của các lĩnh vực, đối tượng chịu thiệt hại nặng nề do đại dịch Covid-19, trong đó giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Thứ tư, đề nghị Quốc hội xem xét, cân nhắc trước mắt chưa tăng mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 1/7, để cùng chia sẻ khó khăn với người lao động do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và có thêm nguồn lực cho các mục tiêu cấp bách.

Thứ năm, đề nghị Quốc hội xem xét, cân nhắc việc kéo dài thời kỳ ổn định NSNN giai đoạn 2017-2020 sang năm 2021; trong năm 2021 ban hành định mức phân bổ dự toán chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2022-2025 cho phù hợp với tình hình và yêu cầu thực tiễn.

Đồng thời, Chính phủ tiếp tục xây dựng và đề nghị Quốc hội xem xét, ban hành các cơ chế, chính sách, giải pháp thúc đẩy hồi phục và phát triển kinh tế, xem xét đưa ra gói kích thích kinh tế mới trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn kéo dài trên phạm vi toàn cầu; kích cầu tiêu dùng nội địa, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp.

https://phunuvietnam.vn/

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video