Che giấu bạo hành vì... tiếc tiền phạt

21/03/2013
Đã có luật để bảo vệ, thế nhưng một bộ phận nạn nhân bị bạo hành gia đình hiện nay lại chấp nhận che giấu bạo hành chỉ vì sợ những quy định xử lý của pháp luật – điều mà đáng lẽ ra họ phải nắm lấy để làm vũ khí để bảo vệ thì nay lại trở thành “nỗi sợ, nỗi lo” chỉ vì tiền phạt!

Chấp nhận chồng đánh thì… chạy?

 Là nạn nhân bị chồng bạo hành trong suốt 5 năm, chị Nguyễn Thị M (Sóc Sơn, HN) đến Báo PNTĐ cầu cứu. Chị kể, hai vợ chồng làm nghề tự do, kinh tế không mấy khá giả. Công việc buôn bán rau, quả chỉ đủ để trang trải cuộc sống hằng ngày và lo cho hai đứa con ăn học. 5 năm trở lại đây, chồng chị thay tính đổi nết, uống rượu nhiều. Mỗi lần có hơi men là lại đánh chửi vợ. Thỉnh thoảng chị nhận những trận đòn vô cớ, dù không để lại thương tích quá nghiêm trọng nhưng nó khiến cuộc sống của chị khốn khổ sau mỗi ngày chạy chợ mệt mỏi trở về.

 Khi được hỏi vì sao chị không nhờ gia đình, người thân can thiệp, khuyên giải chồng, hoặc tố cáo hành vi bạo hành vợ lên chính quyền địa phương, chị bảo: "Cũng đã nhờ người thân, hàng xóm láng giềng nhưng lâu dần bất lực, thậm chí có người còn đặt dấu hỏi "có làm sao thì chồng mới đánh". Với lại chuyện bị chồng đánh đập thì có "vẻ vang" gì đâu mà đi kể lể ra bên ngoài. Ly hôn thì tôi không thể vì vẫn muốn giữ gia đình cho con".

Nghe tư vấn, biết được hành vi bạo hành "cấp hiện tại" của chồng sẽ bị chính quyền địa phương nhắc nhở, răn đe và tuỳ theo mức độ sẽ xử phạt hành chính, chị nhờ chúng tôi hướng dẫn cách làm đơn. Trước khi về chị cũng không quên xin "tài liệu" những quy định xử phạt hành chính đối với các hành vi BLGĐ để "cảnh báo" trước cho chồng. Thế nhưng hai ngày sau, chị quay lại thắc mắc: "Anh ấy thách tôi làm đơn tố cáo và bảo nếu bị phạt thì tôi bỏ tiền ra mà nộp, vì tiền anh ấy đi làm đưa vợ giữ hết, làm gì có tiền riêng nộp phạt. Vậy hoá ra tôi vừa bị đánh lại vừa mất tiền à? Mức xử phạt thấp nhất là 1 triệu đồng, cao là 2 triệu đồng. Một tháng mà tố cáo anh ấy vài lần thì lấy tiền đâu để cả nhà sống...". Sau lần ấy, chị từ bỏ luôn ý định tố cáo hành vi bạo hành của chồng, chấp nhận cảnh chồng đánh thì... chạy. 

Nạn nhân bị BLGĐ: Phải biết “chịu đau một lát để… mát cả đời”

 Trường hợp của chị M chỉ là một trong số các trường hợp là nạn nhân bị BLGĐ tìm đến báo PNTĐ kêu cứu. Trong số đó có nhiều trường hợp đồng ý để phóng viên xuống viết bài phản ánh, lên án và đưa thủ phạm ra pháp luật. Thế nhưng đến giờ phút cuối cùng, chính nạn nhân lại tình nguyện rút đơn và yêu cầu không đưa tin bài với lý do: “Sợ chồng bị xử phạt thì mình lại mất tiền nộp phạt, hoặc chồng đi tù thì biết sống thế nào với các con và gia đình chồng”.

Thậm chí không ít người còn quay sang chỉ trích Luật quy định sai vì "xử phạt kiểu gì mà nạn nhân lại trở thành người nộp phạt cho thủ phạm". Điều đáng nói là không ít trường hợp người vi phạm thuộc đối tượng hưởng lương, việc nộp phạt sẽ được "đánh" vào lương. Nhưng nạn nhân cũng tự nguyện rút đơn khi biết chồng sẽ bị "trừ vào tiền phạt" bao nhiêu tháng lương. Lý do là: “Lương chồng đóng góp vào khoản chi tiêu hàng ngày không nhỏ, nếu bị cắt khoản đó thì lấy gì bù vào?”.

Đây chính là nguyên nhân chính khiến không ít chị em tự trói mình trong  nạn BLGĐ và vô tình tiếp tay cho hành vi bạo lực của chồng tiếp diễn. Thiết nghĩ, để giúp chị em thoát khỏi BLGĐ, không chỉ cần pháp luật có những hình phạt nghiêm khắc với thủ phạm mà còn phụ thuộc nhiều vào ý thức biết bảo vệ bản thân của chính nạn nhân. Với một cuộc hôn nhân bất hạnh bởi BLGĐ, việc ly hôn để giải thoát là nên làm.

Nếu không thể ly hôn vì vẫn còn ràng buộc về tình cảm, chị em phải kiên quyết thoát khỏi BLGĐ; đặc biệt là không chấp nhận bạo lực vì lo “mất” tiền nộp phạt. Chị M sẽ thoát khỏi cảnh bị chồng đánh đập nếu biết “chịu đau một lát” bằng cách dũng cảm nộp đơn tố cáo hành vi bạo lực của chồng ra pháp luật, chấp nhận một hoặc có thể vài lần “cho” chồng mang tiền mưu sinh của gia đình, bán đồ đạc giá trị để nộp phạt. Tự mình nộp phạt, cùng với sự răn đe của pháp luật, chồng chị sẽ thay đổi khi nhận ra sự thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống mưu sinh từ chính hành vi sai trái của mình.

Theo Phụ nữ Thủ đô

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video