Chấm dứt bạo lực gia đình, cần nam giới tiên phong!

04/08/2022
Hỗ trợ cho nam giới - người gây bạo lực về kiến thức, kỹ năng chung sống trong hôn nhân, nhằm thay đổi hành vi ứng xử, cùng bạn đời chăm sóc và xây dựng hạnh phúc… là một trong những yếu tố giúp phòng ngừa bạo lực gia đình hiệu quả hiện nay.
Buổi sinh hoạt cộng đồng của người gây bạo lực và nạn nhân bị bạo lực thuộc Câu lạc bộ sức sống mới và nam giới trách nhiệm.

Chia sẻ tại buổi tập huấn của dự án “Nâng cao năng lực cán bộ và nhận thức người dân trong việc cải thiện tiếp cận dịch vụ hỗ trợ cho phụ nữ và trẻ em chịu ảnh hưởng bởi bạo lực giới”, là một thành viên tích cực của đội phản ứng nhanh phòng chống bạo lực gia đình tại xã Quỳnh Thắng (huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An), ông Hồ Diên Cảnh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Quỳnh Thắng kể: Trước đây, trên địa bàn xã có nhiều trường hợp bạo hành vợ. Trường hợp điển hình là ông T, chưa đến 40 tuổi nhưng đã kết hôn 3 lần. 2 người vợ trước vì không chịu được bạo lực gia đình nên đã chủ động ly hôn. Đến cuộc hôn nhân thứ 3, ông T vẫn “chứng nào tật nấy”, liên tục đánh vợ với nhiều hình thức khác nhau. Ông Cảnh cùng các thành viên trong đội phản ứng nhanh phòng chống bạo lực gia đình của xã đã nhiều lần đến trao đổi, nghiêm khắc răn đe, gọi điện cho Công an xã đến làm việc, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi bạo lực gia đình đối với ông T.

 Bên cạnh đó, các thành viên trong đội thay phiên nhau tìm cách đến trò chuyện, chia sẻ, động viên ông T tham gia các khóa tập huấn kiến thức phòng chống bạo lực gia đình, kỹ năng “làm chồng, làm cha”… Ông T chia sẻ: Khi tham gia các buổi tập huấn, xem các clip, phim ngắn về bạo lực gia đình, tôi thấy mình trong đó và cảm thấy xấu hổ, ân hận vô cùng. Từ đó, ông T không nhậu nhẹt, tu chí làm ăn, thi thoảng còn đưa vợ đi mua sắm, du lịch…

Ông Hồ Diên Cảnh tự hào: Đội được thành lập với thành phần là cán bộ chủ chốt cấp xã, thôn và những người có uy tín trong cộng đồng. Đội thành lập 2 CLB Nam giới trách nhiệm và CLB Sức sống mới vận động người bị bạo lực và người gây bạo lực tham gia sinh hoạt định kỳ. Nhờ có “chân rết” tại cộng đồng nên các vụ bạo lực thường được phát hiện sớm, can thiệp kịp thời. Các thành viên trong đội thường xuyên thăm hỏi, đưa các gia đình có bạo lực vào danh sách nhận hỗ trợ từ các dự án, tạo sinh kế… Nhờ đó, tình trạng bạo lực gia đình đã giảm đáng kể.

Theo khảo sát trước khi thực hiện dự án “Nâng cao năng lực cán bộ và nhận thức người dân trong việc cải thiện tiếp cận dịch vụ hỗ trợ cho phụ nữ và trẻ em chịu ảnh hưởng bởi bạo lực giới” từ tháng 10/2019 đến tháng 9/2022 tại các xã Minh An, Bình Thuận (thuộc huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) và xã Quỳnh Thắng, Quỳnh Lương (huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) do Tổ chức Hagar International tại Việt Nam thực hiện thì: Đa số người được khảo sát đều khẳng định người nắm quyền quyết định những vấn đề của gia đình phải là chồng/nam giới trong nhà (79,9% đồng ý). 62,7% người được phỏng vấn đồng ý quan điểm người vợ tốt là phải biết vâng lời chồng; 44,6% người cho rằng, khi bị chồng đánh, người vợ khôn ngoan là biết im lặng, giấu kín để bảo vệ danh tiếng gia đình… Chính những quan niệm này đã làm cho phụ nữ khi bị bạo lực thường nhẫn nhịn, chịu đựng, không dám kể với ai, bởi nếu kể thì cũng bị chỉ trích, bị chê cười hoặc thậm chí không nhận được sự giúp đỡ từ hàng xóm hoặc người thân. Trong khi đó, với nam giới, thách thức với nhóm gây bạo lực này là làm sao giúp họ nhận diện niềm tin để thay đổi hành vi bạo lực.

Theo ông Lê Xuân Đồng, điều phối viên Dự án Phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, Tổ chức Hagar Quốc tế tại Việt Nam cho biết, qua thực tế cho thấy, hơn 90% người bị bạo lực không tìm kiếm sự trợ giúp. Người bị bạo lực thường không nói ra việc họ bị bạo lực vì thấy không an toàn, thậm chí, khi nói ra, họ không nhận được sự hỗ trợ kịp thời và đã bị người chồng gây bạo lực thêm. “Chính vì thế, chỉ nam giới mới là người có thể thay đổi được hành vi đó. Họ chính là người kiến tạo sự thay đổi. Họ vừa là nguyên nhân, vừa là giải pháp, cho nên sự thay đổi phải bắt nguồn từ họ” - ông Lê Xuân Đồng nhấn mạnh.

Theo ông Lê Xuân Đồng, nhiều nam giới trong dự án đều mong muốn được hỗ trợ truyền thông trong xây dựng gia đình văn minh hạnh phúc, phòng chống bạo lực giới. Do đó, các hoạt động nhằm hỗ trợ người gây bạo lực từ vấn đề truyền thông thay đổi nhận thức đến kỹ năng ứng phó, từ đó giúp triệt tiêu bạo lực đã được các cán bộ dự án của Hagar hướng dẫn cho các địa phương trong vùng dự án. “Một trong những kỹ năng ứng phó với các tình huống căng thẳng trong gia đình dành cho nam giới. Việc sử dụng “kỹ thuật hết giờ” bao gồm ba điểm: Sử dụng đúng thời điểm (khi mâu thuẫn đến cao trào thì dừng tranh luận), đi ra ngoài đúng 1 giờ (giúp nguôi ngoai cơn nóng giận) và tìm nơi yên tĩnh để ngồi trong 1 giờ (để tránh việc bị khiêu khích). Khi quay về nhà, nếu vợ còn giận giữ thì nam giới cần tiếp tục quản lý bản thân để tránh tiếp tục xảy ra mâu thuẫn. Đối với phụ nữ, khi thấy dấu hiệu căng thẳng cũng nên dừng lại, tránh việc đối đầu với chồng trong tình huống có nguy cơ bạo lực có thể xảy ra” - ông Lê Xuân Đồng nhận xét.

baophunuthudo

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video