Cha hiếp dâm con gái: Tâm thần hay chai sạn nhân tính?

29/09/2016
“Khác với các loài vật khác, hoạt động tình dục của loài người không chỉ đơn thuần là hoạt động mang tính bản năng mà nó còn có sự kiểm soát của lý trí. Hoạt động này có sự lệ thuộc vào các áp chế tình cảm. Nếu các áp chế này đủ mạnh sẽ buộc con người phải kiểm soát hành vi của bản thân”, TS Trần Tuấn nhận định.

Trao đổi xung quanh vấn đề xâm hại tình dục trẻ em, mà đặc biệt người xâm hại lại chính là cha ruột của các bé gái, TS Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng, cho rằng: Trường hợp người cha có vấn đề về tâm lý, tâm thần là có nhưng ít, bởi đây là hành vi tập nhiễm chứ không phải bản năng.

“Nếu quan sát trong tự nhiên, chẳng hạn như nhìn 1 đàn gà sẽ thấy, con gà trống không bao giờ “đạp” con gà con, mà chỉ “đạp” con mái khi đã có mào, đã trưởng thành”, TS Trần Tuấn nói.

3 nguyên nhân khiến trẻ bị cha xâm hại

Lí giải tình trạng xâm hại tình dục trẻ em mà người xâm hại là người thân, thậm chí chính người cha ruột, TS Trần Tuấn cho rằng, điều này có thể xuất phát từ các nguyên nhân:

Thứ nhất, xã hội ở nước ta đang có sự thay đổi rõ rệt về quy mô gia đình. Trong đó, mối quan hệ tình cảm trong gia đình bị đe dọa, đặc biệt là sự duy trì quan hệ vợ-chồng; cha mẹ-con cái rất lỏng lẻo. Đặc biệt, ở những gia đình thiếu vắng người vợ như: vợ đi xuất khẩu lao động, vợ đi làm ăn xa… để lại sự thiếu vắng nhu cầu sinh hoạt tình dục cho người chồng. Khi có nhu cầu mà không được đáp ứng, người ta dễ có xu hướng muốn giải quyết các nhu cầu bằng cách quay vào môi trường của họ. Đây có thể là một động cơ thúc đẩy các hành vi loạn luân của người cha.

Thứ hai, tình trạng văn hóa tiêu thụ, tôn thờ vật chất, ích kỷ, vô cảm… đang ngày càng diễn ra phổ biến trong xã hội. Điều nãy đã làm chai sạn nhân tính, bào mòn tính “nhân” trong mỗi con người. Do đó, ở một số đối tượng khi có thêm vài điều kiện khác sẽ dẫn đến các hiện tượng coi thường, bất chấp các luân thường, đạo lý, khiến họ có thể thông dâm, thậm chí xâm hại chính con gái mình…

Thứ ba, trong nền kinh tế mở, sự giao lưu văn hóa toàn cầu hiện nay, các hành vi thỏa mãn cá nhân, trong đó có tình dục, tăng lên nhiều. Con người ngày càng chú ý đến việc đáp ứng nhu cầu của bản thân, trong khi họ lại không có sự giáo dục đi kèm để hiểu được các giá trị đạo đức, quyền con người, các vấn đề bình đẳng giới, đặc biệt là quyền trẻ em…Con người bị thiếu nền tảng về đạo đức, trong khi pháp luật chưa thật nghiêm khắc. Việc bảo vệ quyền con người, quyền trẻ em chưa được thực thi triệt để là một lý do khiến nhiều người thiếu kiểm soát hành vi của bản thân.

Mặt khác, do thiếu hiểu biết về các quyền của mình, các đối tượng bị xâm hại thường không dám tố cáo, không dám chia sẻ hoặc biết cách để tìm các “công cụ” bảo vệ mình.

Thứ tư, trên thế giới hiện nay có xu hướng con người đi vào tình dục “ấu dâm”. Điều này phần nào phản ánh sự bế tắc của xã hội, khiến người ta luôn muốn tìm kiếm những cảm giác lạ, đẩy một bộ phận trượt dài trong những suy nghĩ lệch lạc về tình dục và các mối quan hệ gia đình cũng như trong xã hội.

Dễ tác động xấu đến định hướng và quan niệm sống của nạn nhân

“Sau mỗi sự việc đau lòng, bé gái là đối tượng thiệt thòi nhất. Những đứa trẻ đó chắc chắn bị sang chấn tâm lý mạnh do luôn sống trong những nỗi sợ hãi, tâm lý che giấu…Tương lai, chúng còn phải chịu những hệ lụy khủng khiếp hơn khi sự nhìn nhận và quan niệm sống khó có thể bình thường được. Đặc biệt, cách nhìn mối quan hệ bố mẹ-con cái và tính nhân nghĩa trong cư xử giữa người với người sau này của nạn nhân cũng dễ bị tác động xấu”, TS Trần Tuấn nói.

Theo TS Trần Tuấn, để tránh các bé gái rơi vào tình cảnh đau lòng, ngoài việc giúp các bé nhận biết được các hành vi nguy cơ, còn phải cho các bé được hiểu về quyền của mình, quyền con người và quyền trẻ em. Đặc biệt, các ban, ngành chức năng phải có những hệ thống phát hiện sớm, có hành lang pháp lý để thực thi các quyền trẻ em, luật trẻ em…xử lý triệt để hành vi mất nhân tính này.

Đặc biệt, xã hội phải luôn coi trẻ em là một đối tượng yếu thế cần được bảo vệ. Đằng sau mỗi sự việc đau lòng đối với trẻ em, lỗi chính là do những người lớn, trong đó có bố, mẹ trẻ, có cả những người làm công tác quản lý xã hội. Cần có những thiết chế đủ mạnh, không chỉ là xử lý, răn đe mà còn để mỗi người luôn phải biết tự vấn lương tâm trước khi có những hành vi thiếu đạo đức.

Bác sĩ tâm lý Ngô Thị Ái Linh (Bệnh viện Tâm thần Trung ương I) cho rằng, việc cha đẻ hiếp dâm con gái là trường hợp hy hữu, có thể là do rối loạn bản năng tình dục hoặc có dấu hiệu của bệnh tâm thần vì không nhận diện được quy chuẩn đạo đức, không kiểm soát được giới hạn của mình…

Theo Thùy Linh (ghi) - Báo PNVN (HM)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video