Cần tăng thêm lực lượng nữ tham gia cảnh sát cơ động

22/10/2021
Thảo luận ở tổ chiều 21/10 về Dự án Luật Cảnh sát cơ động, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung quy định cấm phân biệt đối xử về giới dưới mọi hình thức trong công tác tuyển chọn công dân tham gia lực lượng cảnh sát cơ động, thực thi nhiệm vụ.
Các nữ chiến sĩ cảnh sát cơ động (Công an tỉnh Ninh Bình) tập luyện hăng say và hoàn thành xuất sắc các bài tập. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Chiều 21/10, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về Dự án Luật Cảnh sát cơ động và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Phát biểu tại tổ 6 về Dự án Luật Cảnh sát cơ động, đại biểu Hà Thị Nga, Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam (đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) đề xuất: Về góc độ bình đẳng giới, tại Điều 9, đề nghị cơ quan chủ trì tiếp tục có nghiên cứu, bổ sung quy định cấm phân biệt đối xử về giới dưới mọi hình thức trong công tác tuyển chọn công dân tham gia lực lượng cảnh sát cơ động, thực thi nhiệm vụ và đảm bảo các chế độ, chính sách với cán bộ, chiến sĩ cảnh sát cơ động.

Tại Điều 26, liên quan tới việc trao quyền cho công dân nữ, đề nghị tại khoản 2, Điều 26, nghiên cứu bổ sung việc bố trí phù hợp nguyện vọng, khả năng, trình độ chuyên môn, tính chất yêu cầu nhiệm vụ, hoạt động của từng lực lượng. Qua đó, không hạn chế quyền và cơ hội của nữ giới tham gia trên nhiều lĩnh vực của lực lượng cảnh sát cơ động.

Trong báo cáo của Bộ Công an cũng nêu, Bộ thành lập lực lượng cảnh sát cơ động thực hiện nhiệm vụ chống khủng bố, giải cứu con tin và các tình huống phức tạp. Trong thực tiễn ở một số địa phương cũng đã xuất hiện các tình huống liên quan tới tụ tập đông người, gây rối, có hiện tượng lợi dụng phụ nữ, người già, phụ nữ mang thai, trẻ em gái tham gia để tạo ra sức ép, gây khó khăn cho các lực lượng thực thi nhiệm vụ.

Đại biểu Hà Thị Nga (giữa), Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, đề xuất: Cần tăng thêm lực lượng nữ tham gia cảnh sát cơ động để thực hiện nhiệm vụ trong những hoàn cảnh đặc thù, tình hình mới. Ảnh: H.H

Chúng tôi thấy rất cần tăng thêm lực lượng nữ tham gia cảnh sát cơ động để thực hiện nhiệm vụ trong những hoàn cảnh đặc thù, tình hình mới. Cần có quy định mở hơn, để đảm bảo quyền của công dân, của phụ nữ. Theo báo cáo, tỷ lệ nữ tham gia lực lượng cảnh sát cơ động chỉ có trên 5%, trong đó chỉ tham gia ở các lĩnh vực hậu cần, hành chính; trong khi đó lại rất ít nữ tham gia lực lượng trực tiếp.

Tại các cuộc diễn tập phòng thủ, đánh bắt, giải cứu con tin mà có đồng chí nữ trong lực lượng là rất quý. Thậm chí, các đồng chí nữ cảnh sát tham gia rất linh hoạt, vận động, thuyết phục đối tượng… Phụ nữ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình thế giới cũng được đánh giá rất cao. Chính vì vậy, rất cần phải trao cơ hội bình đẳng cho nữ giới tham gia lực lượng cảnh sát cơ động.

Với Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, đại biểu Hà Thị Nga bày tỏ đồng tình với dự thảo, trong đó có bổ sung tại điều 25a, về "ngoại lệ không xâm phạm" dành cho người khuyết tật. Đây cũng là thể hiện sự nhân văn, bước tiến mới của chúng ta quan tâm tới người yếu thế, người khuyết tật. Đặc biệt là các sản phẩm văn hóa được chuyển thể qua nhiều định dạng khác nhau cho phù hợp với những người khuyết tật như khiếm thính, khiếm thị… tiếp cận một cách thuận lợi nhất….

 

 

Các đại biểu tại Tổ 6

Còn tại tổ 8, góp ý vào dự thảo Luật Cảnh sát cơ động, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội, đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang, cho rằng: Về biện pháp công tác của cảnh sát cơ động, tại khoản 1 có nêu cảnh sát cơ động có các biện pháp vũ trang, vận động quần chúng, pháp luật, ngoại giao, quần chúng, kinh tế, nghiệp vụ theo quy định. "Tôi đề nghị bổ sung thêm biện pháp về tâm lý, văn hóa - xã hội". Bởi trong thực tế các tình huống phức tạp, tụ tập đông người, biểu tình, có hiện tượng lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của người dân, trong đó có phụ nữ, phụ nữ mang thai, trẻ em để gây rối. Chính vì vậy, lực lượng cảnh sát cơ động cần có biện pháp tâm lý, văn hóa, xã hội để giải quyết những tình huống này một cách hiệu quả.

Theo đại biểu Nguyễn Thanh Cầm, hiện nay có Trung đội nữ cảnh sát cơ động tham gia thực hiện các nhiệm vụ chống khủng bố, giải cứu con tin, giải quyết hậu quả bom mìn, hỗ trợ các lực lượng khác triệt phá các vụ án… Với sự cần cần thiết của lực lượng nữ cảnh sát cơ động, cần phải lồng ghép vấn đề bình đẳng giới và đảm bảo sự tham gia của phụ nữ vào lực lượng này.

Theo đại biểu, tại Điều 24, về tuyển chọn công dân vào lực lượng cảnh sát cơ động, đã có quy định việc không phân biệt đối xử giữa nam và nữ trong việc tuyển chọn. Còn tại các điều khoản khác cũng rất cần bổ sung các quy định có sự lồng ghép giới, đảm bảo sự tham gia của phụ nữ. Cụ thể: tại Điều 18, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm đề nghị việc điều động cảnh sát cơ động thì cần đảm bảo bình đẳng giới, không điều động phụ nữ đang mang thai, hoặc đang nuôi con nhỏ.

Tại Điều 24, đề nghị bổ sung quy định "ưu tiên nữ" khi tuyển chọn công dân vào lực lượng cảnh sát cơ động nếu công dân nữ có đủ tiêu chuẩn, điều kiện như nam giới. Ưu tiên tuyển công dân nữ thuộc các ngành nghề mà các trường, học viện của ngành Công an chưa đào tạo được.

Điều 25, về đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng chiến sỹ cảnh sát cơ động, đại biểu đề nghị bổ sung quy định ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng cảnh sát cơ động là người dân tộc thiểu số. Điều này cũng phù hợp với chính sách của Luật Công an nhân dân…

Theo: http://phunuvietnam.vn

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video