Cần mở rộng đối tượng và xã hội hóa trợ giúp pháp lý

15/11/2016
Sáng 10/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi). Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, đoàn đại biểu tỉnh Bắc Giang, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam đã phát biểu tại phiên thảo luận.

Sau đây là toàn văn bài phát biểu:

Kính thưa Quốc hội,

Tôi cơ bản đồng tình với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban pháp luật. Nhất trí về việc cần thiết phải sửa đổi Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) và xin có ý kiến về ba vấn đề sau:

Một, về người được trợ giúp pháp lý. Tôi đồng ý với một số đại biểu đã phát biểu trước về đề nghị sửa đổi, bổ sung một số đối tượng trợ giúp pháp lý để phù hợp và tương thích với các văn bản pháp luật hiện hành, như Luật Trẻ em, Luật Phòng, chống mua bán người, Luật Người khuyết tật và một số công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. Có thể thấy, dự thảo luật xác định đối tượng trợ giúp pháp lý chủ yếu dựa trên cách tiếp cận liên quan đến tài chính hoặc tiếp cận các đối tượng là người phạm tội, người bị buộc tội mà chưa quan tâm nhiều đến các khía cạnh khác và cũng bỏ qua nhiều các diện đối tượng là nạn nhân, là người bị hại trong các vụ án. Từ đó, tôi đề nghị mở rộng thêm đối tượng trợ giúp pháp lý như sau:

Cần quy định tất cả các đối tượng là nạn nhân bị mua bán và theo số liệu khoảng 1.000 người và nạn nhân bị bạo lực khoảng 21.000 người/năm là đối tượng để trợ giúp pháp lý chứ không phải chỉ có người có hoàn cảnh khó khăn về tài chính. Vì những nạn nhân đó hầu như trong tình trạng khốn cùng và là nhóm mà có nhiều trường hợp không có hoặc không thể tiếp cận với tài sản chung. Tôi cũng đồng ý bổ sung thêm hai nhóm đối tượng là người khuyết tật và người chưa thành niên từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi. Bổ sung người bị hại, bị can, bị cáo là phụ nữ trong thời gian đang mang thai, nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi.

Thứ hai, về xã hội hóa công tác trợ giúp pháp lý. Nội dung này nằm rải rác ở các Điều 4, 5, 10, 11. Tuy nhiên, vấn đề xã hội hóa công tác trợ giúp pháp lý chưa được thể hiện rõ nét, cụ thể như sau:

Khoản 1, Điều 4 quy định trợ giúp pháp lý là trách nhiệm của Nhà nước trong khi một nghiên cứu cho thấy, 51% vụ việc trợ giúp pháp lý do Mặt trận Tổ quốc và các trung tâm mời luật sư tham gia bào chữa. Trong đó, có đến 41% người tham gia không nhận thù lao. Hiện nay, ngoài 595 trợ giúp viên pháp lý ở 63 Trung tâm pháp lý thuộc Sở Tư pháp còn có 177 trung tâm tư vấn pháp luật trực tiếp thuộc các tổ chức chính trị, xã hội nghề nghiệp, các cơ sở nghiên cứu, các cơ sở đào tạo với khoảng hơn 3.000 người thực hiện tư vấn pháp luật. Các trung tâm này đã góp phần tích cực bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Thực tế, hầu hết trụ sở của các cơ sở trợ giúp pháp lý đều ở vị trí trung tâm thì rất khó cho các đối tượng vùng sâu, vùng xa tiếp cận trợ giúp pháp lý. Việc phát triển mạng lưới các trung tâm để người dân tiếp cận gần hơn với trợ giúp pháp lý là việc làm cần thiết và cần coi đây là một chính sách Nhà nước bên cạnh các chính sách an sinh xã hội khác.

Ngoài ra, trợ giúp pháp lý không chỉ gồm đại diện cho đương sự tại tòa án mà còn có các hình thức tư vấn pháp luật như dự thảo luật quy định ở Điều 26. Trên thực tế tư vấn pháp luật đang chiếm đến 93% số vụ việc trợ giúp pháp lý. Do đó, với những trường hợp vụ việc không quá phức tạp, hoàn toàn có thể huy động sự tham gia của cộng tác viên hoặc những người có kinh nghiệm tư vấn pháp luật ở cộng đồng. Như vậy, khi nguồn lực Nhà nước có hạn, dự thảo cần mở rộng nói rõ hơn yêu cầu xã hội hóa để không bỏ phí một nguồn lực lớn tham gia thực hiện công tác trợ giúp pháp lý. Thực tế Nhà nước không thể gánh tất cả các chi phí xã hội mà xã hội có thể tham gia.

Thứ ba, về nghĩa vụ của người được trợ giúp pháp lý. Khoản 1, Khoản 2, Điều 9 dự thảo yêu cầu người được trợ giúp pháp lý phải cung cấp giấy tờ chứng minh mình là người có đủ điều kiện được trợ giúp pháp lý, cung cấp kịp thời, đầy đủ các thông tin, tài liệu và chứng cứ có liên quan. Quy định này chưa phù hợp, đặc biệt rất khó với những trường hợp phụ nữ, trẻ em bị mua bán, bạo lực, xâm hại. Chúng ta cũng biết trong những trường hợp bị mua bán, bạo lực, ngược đãi thực sự lo chạy còn không xong thì làm sao có thể đáp ứng yêu cầu về giấy tờ để chứng minh. Thực tế, có những trường hợp bị bạo lực đến xin trợ giúp mà không có bất cứ một giấy tờ nào bởi chồng giữ toàn bộ giấy tờ tùy thân đã nhốt trong nhà hàng tháng mãi mới trốn ra được. Rõ ràng trong trường hợp này yêu cầu cung cấp giấy tờ, tài liệu chứng cứ mới được trợ giúp là quá khó. Hoặc trong trường hợp phụ nữ và trẻ em bị xâm hại tình dục thì rất khó tìm được chứng cứ ngay lúc đó, đồng thời đây là những vấn đề rất nhạy cảm, dễ bị tổn thương mà hầu như người trong cuộc thường không muốn nhắc đến, về tâm lý đối tượng cũng như gia đình không muốn thông tin rộng rãi vụ việc.

Điều 29, Khoản 3 dự thảo có đề cập vụ việc trợ giúp pháp lý ngay chỉ là những vụ việc sắp hết thời hạn, sắp đến ngày xét xử hoặc do cơ quan tố tụng chuyển yêu cầu. Vì vậy, tôi đề nghị bổ sung thêm vào quy định trên là nạn nhân mua bán, bị bạo lực, ngược đãi được trợ giúp pháp lý khẩn cấp, nhất là trong các trường hợp có nguy cơ đe dọa đến sức khỏe hay tính mạng mà trong thời gian chờ xem xét các điều kiện trợ giúp pháp lý như thông thường khác.

Theo: Báo PNVN

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video