Cần có quy trình tối ưu về tiếp cận, xử lý, hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực

26/08/2022
Đây là một trong những nội dung quan trọng được đưa ra tại Chương trình hội thảo góp ý tài liệu hướng dẫn tiếp xúc ban đầu và hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực (dành cho Hội phụ nữ các cấp) do TW Hội LHPN Việt Nam tổ chức, sáng 25/8.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại chương trình

Bà Đàm Thị Vân Thoa, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Chính sách – Luật pháp, TW Hội LHPN Việt Nam và bà Phạm Thị Lan, cán bộ Phụ trách Chương trình của UN Women đồng chủ trì hội thảo.

Toàn cảnh hội thảo

Hội thảo đã được nghe ThS. Nguyễn Thị Thúy, chuyên gia về giới trình bày tóm tắt Tài liệu Hướng dẫn tiếp xúc ban đầu và hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực. Tài liệu sẽ cung cấp cho các cán bộ Hội phụ nữ các cấp kiến thức cơ bản, các quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực giới, mua bán người, nguyên nhân và những khó khăn mà họ gặp phải; đồng thời cung cấp kỹ năng tiếp xúc ban đầu với người bị bạo lực để có thể hỗ trợ nạn nhân tốt hơn trong tiếp cận các dịch vụ thiết yếu.

ThS. Nguyễn Thị Thúy, chuyên gia về giới trình bày tóm tắt Tài liệu Hướng dẫn tiếp xúc ban đầu và hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực

Nội dung tài liệu gồm 4 phần chính: (1) Bối cảnh xây dựng tài liệu:  tình hình bạo lực đối với phụ nữ trên toàn cầu và trong nước, một số bất cập trong tiếp xúc và trợ giúp người bị bạo lực, bao gồm cả nạn nhân là người lao động di cư bị mua bán...; (2) Những khái niệm cơ bản về giới, bao gồm bình đẳng giới, định kiến giới, bạo lực trên cơ sở giới và mua bán người; (3) Khung pháp luật quốc tế và trong nước liên quan tới phòng chống và ứng phó bạo lực giới, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, mua bán người…; (4) Hướng dẫn quy trình tiếp nhận thông tin, hỗ trợ nạn nhân trong quá trình xử ý hành chính, thực hiện hoà giải.

Ông Hoa Hữu Vân, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết bố cục tài liệu cần chú trọng đi từ mục đích cốt lõi rồi mới đến các nội dung, kiến thức hỗ trợ

Tại hội thảo, đa số các đại biểu đều nhất trí với việc làm rõ hơn, thống nhất các khái niệm, đồng nhất từ ngữ được sử dụng, phong cách diễn đạt gần gũi để phù hợp với các đối tượng là cán bộ hội viên ở cơ sở và chú trọng vào các nội dung liên quan đến quy trình xử lý, kỹ năng giải quyết tình huống cụ thể cho chị em thực hiện công tác liên quan đến phụ nữ ở địa phương. Chia sẻ tại hội thảo, ông Hoa Hữu Vân, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết bố cục tài liệu cần chú trọng đi từ mục đích cốt lõi rồi mới đến các nội dung, kiến thức hỗ trợ; xây dựng các biểu đồ về quy trình một cách tối ưu nhằm hạn chế số lượng từ ngữ quá nhiều. Khi trích dẫn quy định pháp luật phải ghi rõ nội dung các điều Luật, tuy nhiên cũng không nên đưa quá nhiều điều Luật vào tài liệu tránh việc gây khó khăn trong việc nghiên cứu, thực hiện cho cán bộ và đưa ra những ví dụ cụ thể để cán bộ các cấp Hội hiểu rõ hơn cách thức thực hiện.

Bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (CWD) đề xuất đưa thêm phụ lục về các địa chỉ, số hotline về hỗ trợ nạn nhân vào tài liệu

Theo bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (CWD), mục đích là hướng đến đối tượng các cấp Hội phụ nữ, do đó nội dung về các biện pháp tố tụng, xử lý hình sự không nên đưa vào vì quá nặng nề đối với chị em ở cơ sở mà cần thống nhất trong cách viết, ngôn ngữ đi vào chi tiết, ngắn gọn, dễ hiểu, trực tiếp hướng tới nội dung hướng dẫn. Về quy trình tiếp nhận hỗ trợ, bà cũng đề xuất các nội dung bao gồm: tiếp nhận thông tin; xác minh địa điểm và xác nhận tình trạng của nạn nhân để sàng lọc; tiếp cận, bảo vệ nạn nhân; hỗ trợ khẩn cấp; hướng dẫn làm đơn; đánh giá rủi ro, xây dựng kế hoạch an toàn cho nạn nhân; tham vấn tâm lý; đánh giá nhu cầu để có các hình thức hỗ trợ can thiệp tùy theo tình trạng bạo lực; kết nối nguồn lực hỗ trợ… Ngoài ra, phụ lục về các địa chỉ, số hotline về hỗ trợ nạn nhân cũng là thông tin vô cùng cần thiết đưa vào tài liệu.

Đại diện cán bộ Hội phụ nữ tại các địa phương, cơ sở đóng góp ý kiến sôi nổi tại hội thảo

Hội thảo cũng nghe chia sẻ về các trường hợp bị bạo lực và cách hòa giải đến từ đại diện Hội phụ nữ các cấp cơ sở. Qua đó, đa số đại biểu đều thống nhất, tài liệu cần đề cập đến kỹ năng và nguyên tắc trong các khâu hòa giải; triển khai sớm tài liệu mang tính chất “cầm tay chỉ việc” là vô cùng cấp thiết nhằm hỗ trợ kỹ năng cho các cán bộ trong tiếp cận, xử lý các vụ việc, nắm bắt tình hình của nạn nhân một cách khéo léo, đầy đủ, đúng thủ tục. Trên thực tế, việc trang bị kỹ năng là yếu tố quan trọng bởi quá trình tiếp xúc ban đầu cần làm dịu, hiểu rõ đối tượng để từ đó đưa ra cách giải quyết phù hợp; đặc biệt thể hiện tính chủ động trong việc tiếp cận, nắm bắt thông tin về các trường hợp bạo lực.

Minh Trang

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video