Cần bổ sung nguyên tắc về đảm bảo bình đẳng giới, lồng ghép giới trong hoạt động thanh tra

27/05/2022
"Cần bổ sung nguyên tắc về đảm bảo bình đẳng giới, lồng ghép giới trong hoạt động thanh tra, đặc biệt thanh tra liên quan đến pháp luật về bình đẳng giới, phụ nữ và trẻ em", Ủy viên TƯ Đảng, Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga đề xuất.
Ủy viên TƯ Đảng, Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga (đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) tại Tổ thảo luận chiều 26/5

Chiều ngày 26/5, tại phiên thảo luận Tổ về dự thảo luật Luật Thanh tra (sửa đổi), Ủy viên TƯ Đảng, Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga (đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) cho rằng, Luật Thanh tra năm 2010 đã tạo ra hành lang pháp lý quan trọng trong việc hoàn thiện tổ chức và hoạt động thanh tra, góp phần ổn định tình hình kinh tế - xã hội, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước và công tác phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, qua 10 năm triển khai thực hiện, Luật Thanh tra năm 2010 cũng đã bộ lộ những hạn chế và xuất hiện yêu cầu mới đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung.

ĐBQH Hà Thị Nga đã đưa ra một số góp ý nhằm hoàn thiện đạo luật này. Về vấn đề giới trong dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), đối tượng chịu tác động của hoạt động thanh tra bao gồm cả phụ nữ, trẻ em - nhóm đối tượng dễ bị tổn thương.

Trường hợp thanh tra về việc thực hiện chính sách xã hội mà cần làm việc trực tiếp với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (trẻ em vi phạm pháp luật, trẻ em bị xâm hại, bạo lực, trẻ em bị bóc lột, mua bán…), đối tượng có hoàn cảnh khó khăn như phụ nữ đơn thân, người khuyết tật, người cao tuổi, phụ nữ mang thai… thì cần yêu cầu người làm việc trực tiếp có giới tính phù hợp, có hiểu biết về giới, có kỹ năng trong làm việc với nhóm đối tượng dễ bị tổn thương. Đặc biệt là ở địa bàn có nhiều người dân tộc thiểu số, biên giới, miền núi.

Ngoài ra, một trong những nhiệm vụ, quyền hạn của thanh tra là tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo…, nên đối với giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến phụ nữ, trẻ em, rất cần thiết phải lồng ghép giới để đảm bảo việc thực hiện nhiệm vụ đạt hiệu quả cao.

Bên cạnh đó, theo quy định của Luật Bình đẳng giới năm 2006, thanh tra việc thực hiện pháp luật về bình đẳng giới được thực hiện như sau: "Cơ quan quản lý nhà nước về bình đẳng giới thực hiện chức năng thanh tra về bình đẳng giới. Nhiệm vụ, quyền hạn của thanh tra về bình đẳng giới bao gồm: Thanh tra việc thực hiện pháp luật về bình đẳng giới; Thanh tra việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, các biện pháp đảm bảo bình đẳng giới; Thực hiện nhiệm vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo về bình đẳng giới theo quy định của Luật này và pháp luật về khiếu nại, tố cáo; Xử lý vi phạm hành chính; Kiến nghị các biện pháp bảo đảm thi hành pháp luật về bình đẳng giới; đề nghị sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật về bình đẳng giới; Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, báo cáo rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) chưa đề cập việc rà soát các nội dung như quy định ở Luật Bình đẳng giới năm 2006. Do đó, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga đề nghị:

Thứ nhất, bổ sung nguyên tắc về đảm bảo bình đẳng giới, lồng ghép giới trong hoạt động thanh tra, đặc biệt thanh tra liên quan đến pháp luật về bình đẳng giới, phụ nữ và trẻ em.

Thứ hai, nghiên cứu bổ sung báo cáo rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), trong đó có Luật Bình đẳng giới năm 2006.

Thứ ba, xem xét việc đánh giá tác động về giới trong dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), đảm bảo đúng quy định theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2020.

https://phunuvietnam.vn/

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video