Cần bổ sung chế tài ngăn chặn, xử lý tội buôn người

30/09/2007
Bọn tội phạm đưa phụ nữ, trẻ em Việt Nam sang bán ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia và mới đây đã phát hiện một số đường dây mới, buôn bán phụ nữ, trẻ em sang Tây Á, Châu Phi… Theo báo cáo, 8 tháng năm 2007, cả nước phát hiện gần 200 vụ với 360 đối tượng, lừa bán 459 trẻ em, phụ nữ.

Đặc biệt, gần đây bắt đầu xuất hiện tình trạng buôn bán nam giới qua biên giới. Đây là hành vi chưa có quy định trong Bộ luật hình sự (chỉ có tội buôn bán phụ nữ, trẻ em), do đó hiện cơ quan chức năng gặp khó khăn khi xử lý.

Ngày 27/9, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng tham dự và chỉ đạo cuộc họp của Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) Tối cao, Tòa án nhân dân (TAND) Tối cao và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng để đánh giá kết quả thực hiện dự án “Tăng cường năng lực cho các cơ quan tư pháp và hành pháp trong phòng, chống tội phạm buôn bán người ở Việt Nam, giai đoạn 2005 – 2007”.

Tình trạng môi giới phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài, từ đầu năm đến nay đã có hơn 5.000 trường hợp, trong số đó có hơn 30% kết hôn với người Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Canada…

Qua kiểm tra đã phát hiện nhiều giấy tờ xác nhận giả về tình trạng hôn nhân để kết hôn với người nước ngoài, đồng thời phát hiện nhiều đối tượng “cò'' môi giới hôn nhân bất hợp pháp.

Tình trạng trên cho thấy, từ năm 2005 tới nay, các cơ quan chức năng áp dụng nhiều biện pháp phòng, chống nhưng tội phạm buôn bán người ở Việt Nam vẫn diễn biến phức tạp, quy mô hoạt động ngày càng tinh vi, hình thành các đường dây buôn bán người có tổ chức, câu kết chặt chẽ giữa đối tượng trong và ngoài nước.

Ngoài một số thủ đoạn cũ như lợi dụng trẻ em, phụ nữ nghèo ở nông thôn, nhận thức hạn chế để lừa bán dưới chiêu bài xin việc làm, hiện cũng xuất hiện nhiều chiêu bài, thủ đoạn mới như cho nạn nhân uống thuốc mê rồi đưa đi bằng đường bộ qua biên giới; môi giới kết hôn với người nước ngoài…

Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng chỉ đạo: Diễn biến loại tội phạm buôn bán người còn phức tạp, đòi hỏi sự nỗ lực của các cơ quan chức năng phối hợp với cấp uỷ, chính quyền các cấp tăng cường các biện pháp phòng ngừa (tuyên truyền, vận động nhân dân cảnh giác và tố giác tội phạm, tố giác cả những nghi vấn về hành vi buôn người).

Các Bộ, ngành được giao nhiệm vụ phải chỉ đạo kiểm tra, hướng dẫn cho địa phương nắm vững các chủ trương, chính sách và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 130, từ đó giúp địa phương đề ra kế hoạch và tổ chức chỉ đạo thực hiện hiệu quả chương trình phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Viện KSND Tối cao, TAND Tối cao cần phân tích, đánh giá rõ tình hình và rút ra bài học kinh nghiệm, nhất là những vướng mắc trong đấu tranh, xử lý tội buôn bán người; tham mưu cho cơ quan lập pháp xây dựng chế tài xử lý tội buôn bán nam giới.

TP, TTXVN

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video