Cán bộ Hội - Người truyền lửa phong trào

30/10/2020
Họ là những cán bộ Hội Phụ nữ tiêu biểu qua những thời kỳ khác nhau nhưng đều có điểm chung là có nhiều cống hiến cho phong trào phụ nữ trên địa bàn tỉnh. Nhân dịp kỷ niệm 90 năm thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam, những cán bộ Hội dưới đây đã có những chia sẻ ý nghĩa về công tác của họ.
Bà Trương Thị Khuê vui mừng khi phong trào của chị em phụ nữ Quảng Trị ngày càng phát triển - Ảnh: NVCC

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân TRƯƠNG THỊ KHUÊ, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Quảng Trị: Cán bộ Hội LHPN tỉnh hôm nay đã kế thừa, phát huy tốt thành quả lớp người đi trước để lại.

Năm nào cũng vậy, cứ đến dịp kỷ niệm ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam, lòng tôi lại trào dâng những xúc cảm khó tả. Tôi đến với phong trào Hội LHPN như một cái duyên. Chính phong trào phụ nữ đã “nuôi nấng” tôi trưởng thành, bước từ địa phương ra trung ương. Tôi vẫn còn nhớ như in những ngày đầu nhận nhiệm vụ Phó Chủ tịch Hội LHPN Bình Trị Thiên. Bấy giờ, sau nhiều năm đảm nhận trọng trách Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Bến Hải, rồi Vĩnh Linh, tôi khá lo lắng khi nhận nhiệm vụ mới, không biết phải bắt đầu từ đâu. Vì thế, tôi tự nhủ phải chăm chỉ học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, cống hiến rồi yêu công việc từ lúc nào không hay.

Trong quãng đời gắn bó với công tác hội và phong trào phụ nữ, dấu mốc mà tôi khó có thể quên là thời điểm chia tách tỉnh. Lúc đó, cán bộ Hội LHPN tỉnh chỉ đếm trên đầu ngón tay, làm việc trong một ngôi nhà cấp bốn tồi tàn. Người ít nhưng địa bàn lại rộng nên riêng việc về cơ sở đã là một thách thức đối với cán bộ hội. Ở mảnh đất mà có những ngày gió Lào “đánh” cho cả vùng không có một tàu lá chuối nguyên vẹn, nhiều hôm, thấy chị em đi cơ sở về với gương mặt sạm đen, mệt phờ, tôi thấy nhói trong lòng. Để chị em vơi phần nào vất vả, tôi quyết định phân công mỗi cán bộ hội bám một địa bàn. Tôi xác định, trong bối cảnh cán bộ tỉnh hội ít, điều cần thiết là phải phát huy sức mạnh của cán bộ hội ở cơ sở. Muốn vậy, trước tiên cần đào tạo, nâng cao năng lực, giúp chị em hiểu sâu sắc về công việc của mình.

Giữa rất nhiều khó khăn, thử thách, điều khiến tôi rất vui mừng là tinh thần của phụ nữ trên địa bàn rất cao. Niềm vui Quảng Trị mới được lập lại luôn đong đầy trong lòng các bà, các mẹ, các chị em. Nghe cán bộ Hội LHPN tỉnh tuyên truyền, vận động, ai cũng nguyện chung tay, góp sức cho phong trào phụ nữ. Các lớp đào tạo, tập huấn do tỉnh hội tổ chức lúc nào cũng đông đủ chị em. Họ ngồi từ đầu đến cuối, chăm chú lắng nghe. Càng được đào tạo, tập huấn, nhận thức của cán bộ ở cơ sở càng cao. Chị em làm việc nhiệt tình, trách nhiệm, gần như không quan tâm đến chuyện lương bổng. Được sự khâu nối của Hội LHPN tỉnh thời bấy giờ, cán bộ hội ở cơ sở nhanh chóng tiếp cận, tranh thủ được sự hỗ trợ của các tổ chức, dự án, giúp ích rất nhiều cho hội viên. Từ đây, các chị em đặt trọn lòng tin vào hội.

Nhìn lại chặng đường đã qua, tôi nhận thấy một trong những yếu tố quyết định của phong trào phụ nữ chính là cán bộ. Phong trào phụ nữ chỉ mạnh khi đội ngũ cán bộ nắm được nội dung, phương thức hoạt động của hội; biết cách xây dựng cơ sở hội; đoàn kết từ trên xuống dưới; quan tâm đến lợi ích của hội viên… Sau này, khi công tác tại Trung ương Hội LHPN Việt Nam, mỗi lần về địa phương làm việc, kiểm tra, giám sát, tôi rất vui mừng vì biết lớp cán bộ hội nối bước phát huy tốt truyền thống mà thế hệ đi trước để lại. Tỉnh Quảng Trị là một trong những địa phương có phong trào phụ nữ mạnh. Sau ngày nghỉ hưu, tôi vẫn dõi theo phong trào của chị em phụ nữ Quảng Trị. Tôi biết, hôm nay, tuy không quá vất vả như trước đây nhưng những khó khăn, thách thức vẫn còn nhiều, nhất là trong công tác tập hợp phụ nữ. Vì vậy, mỗi lần đón đoàn cán bộ Trung ương Hội LHPN Việt Nam đến thăm nhà, nghe chị em chia sẻ cán bộ Hội LHPN tỉnh Quảng Trị có nhiều phong trào sôi nổi, việc làm hay, tôi thấy ấm lòng. Mong sao cán bộ, hội viên Hội LHPN tỉnh luôn kế thừa truyền thống cách mạng, vươn lên không ngừng dẫu còn nhiều khó khăn, thách thức.

Bà NGUYỄN THỊ THU HIỀN, nguyên Chủ tịch Hội LHPN huyện Hải Lăng: Thấm nhuần quan điểm “Cán bộ nào, phong trào nấy”

Tôi có hơn 28 năm làm công tác phụ nữ, hơn 23 năm là Chủ tịch Hội LHPN huyện Hải Lăng. Đây là quãng thời gian đẹp nhất trong cuộc đời của tôi. Mọi người thường đến với một công việc nào đó khởi đầu bằng chữ “duyên”, còn tôi đó là sự lựa chọn. Từ nhỏ, tôi đã mong muốn góp một phần công sức nhỏ bé của mình vào việc giải phóng phụ nữ. Sau thời gian ra Hà Nội học tập, tôi về nhận công tác, cống hiến, rồi được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội LHPN huyện Triệu Hải. Sau khi chia tách huyện, tôi về làm “thủ lĩnh” phong trào của chị em huyện Hải Lăng.

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền đã có quãng thời gian đẹp nhất trong cuộc đời gắn với công tác phụ nữ - Ảnh: Q.H​

Trong những ngày theo học trên ghế nhà trường, tôi đã thấm nhuần quan điểm “Cán bộ nào, phong trào nấy”. Vì thế, tôi luôn tự nhủ bản thân và nhắc nhở chị em nêu cao gương sáng. Việc tưởng chừng đơn giản ấy lại không dễ bởi cán bộ hội bấy giờ gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Riêng việc về cơ sở vào mùa mưa bão đã là một “phép thử” khắc nghiệt. Nhiều khi chị em phải khênh xe đạp trên vai mới có thể đi qua con đường lầy đến từng thôn, xóm. Trong khi đó, đồng lương cán bộ Hội LHPN huyện rất eo hẹp, còn chị em ở cơ sở hoàn toàn không có lương, phụ cấp… Vì thế, có thể nói chỉ những người có đủ tâm huyết, nhiệt tình mới gắn bó được với công tác hội.

Thấu hiểu điều đó, tôi và các cán bộ Hội LHPN huyện thời bấy giờ đã ngồi lại, trao đổi, thảo luận, tìm cách động viên, khuyến khích, hỗ trợ kịp thời cho chị em. Chúng tôi phát động phong trào xây dựng quỹ để có kinh phí trang trải hoạt động, giúp cán bộ hội cơ sở có thêm phụ cấp. Tiếp đó, phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, tâm huyết, chúng tôi đã xây dựng chương trình, kế hoạch công tác sát đúng với tình hình; đổi mới phương thức, nội dung hoạt động của hội; sớm đưa nghị quyết của Đảng đến với chị em; tổ chức sôi nổi phong trào thi đua yêu nước… Tranh thủ sự hỗ trợ của các chương trình, dự án, Hội LHPN huyện đã giúp chị em trau dồi kiến thức, kỹ năng; phát triển kinh tế; giúp nhau làm giàu… Từ đây, phong trào của Hội LHPN huyện Hải Lăng ngày càng phát triển, được đánh giá là lá cờ đầu của tỉnh.

Càng gắn bó với phong trào phụ nữ, tôi càng nhận thấy câu nói: “Cán bộ nào, phong trào nấy” là đúng. Nếu cán bộ hội thời bấy giờ không nêu cao quyết tâm, trăn trở, suy nghĩ, luôn đồng hành với chị em thì không bao giờ có hoạt động, phong trào ở địa phương.

Bà KĂN LINH, nguyên Chủ tịch Hội LHPN xã A Túc, nay là xã Lìa, huyện Hướng Hóa: Tiên phong “mở cửa” giải phóng phụ nữ vùng cao

Ở địa phương nơi tôi sống, một thời, phụ nữ phải chịu quá nhiều thiệt thòi. Tư tưởng “trọng nam, khinh nữ” khiến phần lớn các gia đình chỉ thích sinh con trai. Những bé gái chưa đến tuổi trưởng thành đã phải vội vã lấy chồng, làm việc quần quật để có cái ăn, cái mặc cho gia đình nhưng tiếng nói hầu như không có trọng lượng.

Bà Kăn Linh là người tiên phong trong nhiều phong trào hoạt động của hội phụ nữ ở địa phương - Ảnh: Q.H

Trưởng thành trong hoàn cảnh đó nhưng tôi không chấp nhận để cuộc đời mình cho số phận định đoạt. Nhờ một số chị em đi trước mở đường, vận động nên tôi tích cực tham gia công tác đoàn, hợp tác xã, rồi phong trào phụ nữ. Năm 1986, tôi vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng. Điều may mắn nhất với tôi là được chồng ủng hộ. Chúng tôi sinh con, cho các cháu bất kể nam nữ đi học đàng hoàng và nhận nuôi một số em nhỏ mồ côi, không nơi nương tựa.

Năm 1982, thời điểm mới chân ướt, chân ráo gắn bó với công tác phụ nữ, nhiều chị em nói với tôi mong muốn trở thành hội viên. Thế nhưng, họ gặp quá nhiều thử thách, mà rào cản đầu tiên chính là các ông chồng. Một số người cấm đoán vợ tham gia các hoạt động, phong trào. Vì vậy, ngay chuyện xây dựng đội ngũ cán bộ hội đã khó đối với chúng tôi. Tôi và các cán bộ Hội LHPN xã khác phải đến từng nhà chuyện trò, giải thích với ông, cha, chồng, con cái…, rồi đến bà, mẹ và các chị em. Tôi nói với chị em rằng: “Đảng, Nhà nước, Hội LHPN các cấp đã cho mình một chiếc chìa khóa. Chúng ta phải tự mở cánh cửa để giải phóng mình”. Ngày chị em có mặt đông đủ để sinh hoạt hội nhân dịp 8/3, 20/10 đầu tiên, tôi và các cán bộ hội khác đã bật khóc.

Vận động chị em vào Hội phụ nữ xã đã khó, giữ chân họ càng là thử thách lớn hơn. Tôi và các thành viên trong Ban chấp hành Hội phụ nữ xã luôn cố gắng nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của chị em. Hễ biết ai gặp khó, tôi vận động chị em cùng xắn tay vào cuộc để giúp đỡ, giải quyết. Hiểu chị em cần, muốn gì nên những hoạt động, phong trào mà chúng tôi đưa ra thường rất gần gũi, thiết thực. Từ đây, hội viên có nhận thức sâu sắc hơn về vị trí của mình trong gia đình và cộng động; không ngại vay vốn phát triển kinh tế; biết cách chăm sóc bản thân, nuôi con khỏe, dạy con ngoan; giúp đỡ nhau cùng phát triển… Từ nội lực của chị em ở địa phương cộng với sự hỗ trợ kịp thời của hội cấp trên nên phong trào phụ nữ ở xã A Túc, nay là xã Lìa phát triển mạnh mẽ, trở thành điểm sáng ở vùng cao.

Sau khi giữ chức Chủ tịch Hội LHPN xã, tôi được tín nhiệm, đề bạt nhiều chức vụ quan trọng khác ở địa phương như Phó Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch HĐND, Chủ tịch HĐND xã… cho đến ngày nghỉ hưu. Dù ở đâu, làm gì, tôi vẫn hướng về phong trào phụ nữ. Tôi rất mừng khi cán bộ, hội viên hội phụ nữ trên địa bàn và các xã lân cận đã đưa được phong trào lên một tầm cao mới.

http://www.baoquangtri.vn/

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video