Cần bảo đảm tốt nhất quyền lợi của lao động nữ ở cả ba giai đoạn trước- trong- sau khi đi lao động nước ngoài

26/05/2020
Dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) (Luật số 72) sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp vào tháng 5/2020. Để thực hiện nhiệm vụ phản biện xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, sáng ngày 19/5, TW Hội LHPN Việt Nam đã tổ chức hội thảo tham vấn Lồng ghép giới trong Dự thảo Luật này.
Toàn cảnh hội thảo

Hội thảo nhằm nghiên cứu, xác định, bổ sung những vấn đề giới trong dự thảo Luật số 72 để có thể bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài, đặc biệt là lao động nữ ở cả ba giai đoạn Trước- Trong- Sau khi đi lao động tại nước ngoài.

Tham gia hội thảo có bà Eliza Fernandez, Trưởng đại diện Tổ chức UN WOMEN tại Việt Nam, ông Tom Corrie, Phó Ban hợp tác, phái đoàn Liên Minh Châu Âu tại Việt Nam, ông Chang – Hee Lee, Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam cùng đại diện các Ủy ban của Quốc hội, các Bộ, ban, ngành, chuyên gia.

Báo cáo đề dẫn hội thảo cho biết, theo thông tin của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, trung bình mỗi năm Việt Nam có hơn 80.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó, tỷ lệ lao động nữ di cư chiếm khoảng 35-40% và có xu hướng gia tăng (từ 33% năm 2012 lên gần 40% năm 2017, năm 2018 và 2019 là gần 35%).

Số đông lao động nữ ra nước ngoài làm việc thường được tuyển dụng ở công việc tay nghề thấp, trong các nhà máy, làm giúp việc gia đình hoặc nghề nông và được trả lương thấp hơn so với nam giới; đồng thời họ cũng phải đối mặt với nhiều thách thức và rào cản.

Trước khi đi lao động tại nước ngoài, lao động nữ bị hạn chế trong tiếp cận thông tin tuyển dụng, hạn chế trong việc được đào tạo an toàn, hiệu quả và di cư hợp pháp. Một nghiên cứu cho thấy chỉ có 7% người lao động di cư Việt Nam được khảo sát tham gia các lớp bồi dưỡng về kiến thức cần thiết trước khi ra nước ngoài làm việc; Trong khi lao động tại nước ngoài: nghiên cứu của GS. TS Nguyễn Hữu Minh cho thấy lao động nữ bị chịu điều kiện lao động và sinh sống khó khăn, nặng nhọc, dễ gặp nguy cơ bị lạm dụng, thường là đối tượng có nguy cơ cao bị hành hạ và bóc lột, bị xâm hại tình dục, lây nhiễm các bệnh xã hi cao, nhất là lây nhiễm HIV/AIDS; Gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các dịch vụ hỗ trợ pháp lý; Gia tăng căng thẳng, nảy sinh tâm lý cô đơn, sợ hãi; Sau khi lao động trở về và tái hoà nhập cộng đồng, lao động nữ gặp khó khăn trong tìm kiếm cơ hội việc làm và phát huy tay nghề. Tình trạng khá phổ biến là người lao động di cư có được những kỹ năng sau khi lao động ở nước ngoài (70%) nhưng những kỹ năng này lại ít được áp dụng ở Việt Nam khi họ trở về (3%). Đặc biệt, họ phải đối mặt với những khó khăn từ gia đình, nguy cơ đổ vỡ hôn nhân, giáo dục con cái...

Phó Chủ tịch Hội Bùi Thị Hòa phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, bà Bùi Thị Hòa, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam đánh giá, việc tổ chức Hội thảo  hết sức có ý nghĩa trong việc góp phần hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật của Việt Nam. Đây sẽ là diễn đàn để các đại biểu, các chuyên gia trong nước và quốc tế thảo luận và đưa ra những ý kiến đóng góp nhằm đảm bảo các vấn đề giới được nhận diện và lồng ghép trong các quy định của dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) một cách hiệu quả, sát thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu thực tế; qua đó cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp 2013, các chủ trương, đường lối của Đảng; tạo ra sự đồng bộ các chính sách, chương trình; thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, góp phần thực hiện tốt Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc trong đó có mục tiêu số 5 về bình đẳng giới, tăng quyền và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái.

Bà Elisa Fernandez, Trưởng Văn phòng quốc gia của UN Women tại Việt Nam nhấn mạnh, việc điều chỉnh Luật Người Việt Nam đi lao động nước ngoài theo hợp động là cơ hội để bảo đảm các tiêu chuẩn về cam kết quốc tế được đưa vào luật pháp Việt Nam.

Một số vấn đề đã được các đại biểu tham gia hội thảo tập trung cho ý kiến, thảo luận sâu: Phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Luật; Quyền và nghĩa vụ của người lao động; Các vấn đề liên quan đến công tác quản lý Nhà nước và trách nhiệm của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài theo Hợp đồng; Chính sách đối với người lao động, lao động nữ sau khi về nước...

Nhiều đại biểu thống nhất cho rằng, Luật số 72 cần phải có trách nhiệm giới, xác định và tích cực giải quyết các rào cản giới, chủ động bảo vệ quyền của nữ lao động di cư. Hoàn thiện hành lang pháp lý về đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng theo hướng xác định rõ quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của các chủ thể có liên quan, chế tài xử lý những hành vi vi phạm quy định của pháp luật về hành chính, kinh tế, hình sự tùy theo mức độ vi phạm; quy định trách nhiệm tròn khâu đối với người lao động từ khi chuẩn bị xuất cư, trong thời gian làm việc ở nước ngoài và khi hồi cư, hòa nhập cộng đồng nhằm khắc phục tình trạng «đem con bỏ chợ», tập trung vào trách nhiệm của các chủ thể trong quan hệ tay ba: cơ quan quản lý nhà nước- doanh nghiệp dịch vụ- người lao động.

 

Luật sư Lê Việt Trường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội khóa XIII đề nghị bổ sung quy định Hợp đồng lao động về quyền người lao động được yêu cầu chấm dứt việc thực hiện hợp động trong trường hợp doanh nghiệp nước ngoài bố trí việc làm không đúng như thỏa thuận trong hợp đồng, hoặc giao việc làm mà pháp luật về lao động của Việt Nam cấm bố trí phụ nữ; hoặc bố trí làm việc trong môi trường không bảo đảm vệ sinh an toàn lao động mà không phải chịu trách nhiệm về việc vi phạm hợp đồng. Cần hoàn thiện dự thảo Luật số 72 theo hướng tăng tính chủ động và vị thế của người lao động, tăng trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc tạo ra khung khổ pháp lý, vai trò trọng tài, tăng trách nhiệm của doanh nghiệp dịch vụ thông qua các công cụ như giấu phép hoạt động, xử lý các hành vi vi phạm...

 

Bà Jenna Holliday, chuyên gia tư vấn về Giới và di cư khuyến nghị các lĩnh vực để xuất sửa đổi trong Luật số 72 cần bao gồm quy định người lao động có quyền được hỗ trợ để thay đổi công việc hoặc trở về nhà, với tổn thất tài chính tối thiểu, trong trường hợp quyền lao động và quyền con người của họ bị vi phạm và đặc biệt khi họ bị bạo lực; Cần mở rộng điều khoản hợp đồng tối thiểu để bao gồm quy định về môi trường làm việc an toàn, không có bạo lực và lành mạnh, trong đó có bảo đảm các điều kiện phù hợp cho phụ nữ có thai hoặc phụ nữ nuôi con nhỏ; Nêu rõ thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi và giờ nghỉ giải lao, thời gian nghỉ phép, nghỉ lễ và nghỉ ốm; Quy định rõ ràng về phương pháp tính lương tối thiểu đảm bảo bình đẳng giới, bình đẳng với người lao động của nước sở tại; Quy định về chăm sóc sức khỏe và tiếp cận các chế độ bảo hiểm xã hội, trong đó có bảo hiểm thai sản.

Bên cạnh đó, cần có quy định về thu thập số liệu phân tách giới về người di cư trở về, bảo đảm nam giới và phụ nữ có khả năng tiếp cận các cơ hội một cách bình đẳng, được hưởng lợi như nhau từ các hoạt động hỗ trợ sáng kiến khởi nghiệp, xây dựng các chương trình hỗ trợ người lao động trở về, bảo đảm khả năng tiếp cận các dịch vụ để hỗ trợ tái hoà nhập cộng đồng cho người lao động sau khi về nước, đặc biệt đối với một số trường hợp đặc biệt (bị lạm dụng, bóc lột sức lao động, rơi vào đường dây buôn bán, lừa đảo khi lao động ở nước ngoài; bị bạo lực, xâm hại; có các vấn đề về gia đình...).

 

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, việc đưa lao động Việt Nam ra nước ngoài quan trọng phải xây dựng được hình ảnh của Việt Nam trên thị trường thế giới, tiếp thu được những tiến bộ, văn minh của nước ngoài, nâng cao năng lực, kỹ năng của người lao động. Việc sửa đổi Luật số 72 đòi hỏi phải khắc phục được những hạn chế, bất cập so với thực tiễn hiện nay, phải chuyển Luật từ luật hình thức sang luật nội dung. Trong đó chú trọng đến vấn đề bảo hộ quyền công dân ở nước ngoài, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý dữ liệu về người lao động ở nước ngoài, làm rõ mức độ, định hướng, phạm vi trong tổng thể chính sách quản lý nhà nước; phải có chính sách tuyển dụng để bảo đảm phụ nữ không bị thua thiệt hơn so với nam giới, quản lý nơi làm việc để bảo đảm an toàn cho phụ nữ khi lao động ở nước ngoài; có chính sách phù hợp hỗ trợ phụ nữ trở về sau thời gian lao động ở nước ngoài.

Trên cơ sở các thông tin, ý kiến, Hội LHPN Việt Nam sẽ tổng hợp, nghiên cứu để hoàn thiện bản đề xuất các nội dung sửa đổi, bổ sung hợp lý vào dự thảo Luật, góp phần đảm bảo thu hẹp khoảng cách giới và tiến tới bình đẳng giới thực chất; để cả Nam và Nữ đều được hưởng thụ một cách bình đẳng từ các thành quả phát triển của xã hội.

VH

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video