Cách mạng 4.0 - cơ hội cho các nhà khoa học nữ

18/10/2018
Bên lề phiên khai mạc Hội nghị Mạng lưới các nhà khoa học nữ Châu Á - Thái Bình Dương sáng 18/10 ở Hà Nội, nhiều nhà khoa học nữ cho rằng cách mạng 4.0 sẽ là thách thức nhưng đồng thời là thời cơ tỏa sáng cho những ai biết nắm lấy cơ hội, nêu cao tinh thần bình đẳng giới để phát huy tối đa năng lực của chính mình.

Hội nghị APNN - sự kiện rất ý nghĩa với các nhà khoa học nữ

PGS.TS. Bùi Thị An - Chủ tịch Hội Nữ tri thức Hà Nội - chia sẻ rằng, Hội nghị Mạng lưới các nhà khoa học nữ Châu Á - Thái Bình Dương là một sự kiện rất ý nghĩa với các nhà khoa học nữ. Đây là cơ hội giao lưu mang lại nhiều lợi ích, giúp các trí thức nữ chia sẻ kinh nghiệm, nhìn ra các thách thức và cơ hội mà mạng công 4.0 mang tới.

 Ảnh minh họa

 PGS.TS. Bùi Thị An - Chủ tịch Hội Nữ tri thức Hà Nội

“Với cách mạng 4.0, thuận lợi lớn đối với nữ khoa học là được tiếp cận với sự văn minh hiện đại, năng suất công việc và cơ hội để nâng cao thu nhập. Nhưng đây sẽ là thách thức không nhỏ đối với phụ nữ ở mức trình độ chưa cao. Bài toán đặt ra là vừa nâng cao năng suất lao động nhưng vừa đảm bảo việc làm để nâng cao thu nhập cho họ, trong bối cảnh việc sử dụng lao động sẽ ít đi, máy móc thay thế con người”, bà Bùi Thị An nhấn mạnh.

Theo bà Bùi Thị An, vấn đề bình đẳng giới được quan tâm ngày càng cao, song vẫn còn nhiều vấn đề trở ngại, trong đó chính là tư tưởng phong kiến trọng nam khinh nữ. Nếu không khắc phục được tận gốc tư tưởng này, bà An cho rằng sẽ khó cải thiện được yếu tố bất bình đẳng giới.

Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, ông Trần Văn Tùng - Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ - khẳng định cách mạng công nghiệp 4.0 không chỉ mang lại thách thức mà còn mang lại cơ hội cho các em gái, khi những công việc đòi hỏi trí tuệ và đổi mới sáng tạo là xu thế và những công việc cần sức nặng cơ bắp được thay thế dần bởi các robot.

“Tôi tin tưởng Hội nghị sẽ thảo luận, trao đổi kinh nghiệm về cơ chế, chính sách khuyến khách các nhà khoa học nữ tham gia các ngành, lĩnh vực của cách mạng công nghiệp 4.0. Đồng thời đề xuất được sáng kiến hay, giải pháp khả thi để các cấp chính quyền có thể thể chế hóa thành các quy định, tạo môi trường thuận lợi cho phụ nữ phát huy tiềm năng của mình”, ông Trần Văn Tùng nhấn mạnh. 

Phụ nữ cần tự tin nắm bắt cơ hội của cách mạng 4.0

 Ảnh minh họa

 PGS.TS. Trần Kim Anh – một trong 5 nhà khoa học nữ ngành vật lý - vinh dự nhận giải thưởng tập thể Kovalevskaia năm 2016

PGS.TS. Trần Kim Anh – một trong 5 nhà khoa học nữ ngành vật lý - vinh dự nhận giải thưởng tập thể Kovalevskaia năm 2016 chia sẻ: rất quan tâm đến vấn đề bình đẳng giới gắn với cách mạng công nghiệp 4.0 được đưa ra bàn thảo lần này.

Theo TS. Trần Kim Anh, bình đẳng giới trong khoa học công nghệ không chỉ là vấn đề của Việt nam mà còn là của cả thế giới. Vai trò của phụ nữ ngày càng nâng cao không những trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học mà còn trong nhiều mảng quan trọng như Quốc hội, cộng đồng doanh nhân, văn hóa xã hội…

Tuy nhiên ở Việt Nam, phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ làm khoa học, còn gặp vô vàn khó khăn. Lớn nhất chính là quan niệm của xã hội chưa có sự bình đẳng. Phụ nữ gánh quá nhiều vai, không chỉ làm vợ, làm mẹ mà còn đóng góp cho xã hội trong khi hạn chế nhiều về sức khỏe, kinh tế.

“Khi đặt trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, phụ nữ càng gặp nhiều thách thức hơn nữa. Tuy vậy, nếu được tiếp xúc học hỏi và phát huy được năng lực của mình, tôi tin đây sẽ là cơ hội cho các nhà khoa học nữ phát triển”, bà Kim Anh nhấn mạnh.

Cũng theo bà Kim Anh, bản thân phụ nữ phải phát huy nội lực nhiều hơn như cần phải tự tin hơn, đặc biệt cần có sự hỗ trợ của các tổ chức xã hội và của người chồng trong gia đình, từ đó mới khẳng định được vị thế của mình.

PNVN

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video