Buôn bán phụ nữ, trẻ em - loại tội phạm nhức nhối cần ngăn chặn và triệt phá

11/01/2008
Những năm gần đây, ở Việt Nam, tình hình buôn bán phụ nữ, trẻ em (BBPNTE) có chiều hướng gia tăng và khó kiểm soát. Nếu trong những năm trước BBPNTE chỉ xảy ra ở một, số ít tỉnh/thành phố thì nay đã lan rộng ra cả nước từ nông thôn, miền núi đến thành thị và cả hải đảo.

Những con số đau lòng

 

Trong 10 năm gần đây, các địa phương phía Bắc phát hiện khoảng 15.000 phụ nữ, trẻ em (PNTE) bị lừa bán sang Trung Quốc hoặc tự nguyện sang lấy chồng. Có không ít phụ nữ kết hôn giả khi sang Đài Loan đã bị bán, phải làm mại dâm. Ngoài ra, số trường hợp phải ly hôn chiếm khoảng 20% do không hoà hợp với chồng hoặc bị đối xử tồi tệ, làm vợ tập thể…


Theo báo cáo của Bộ Công an, từ 1998 đến tháng 3/2006, cả nước đã phát hiện 4.527 PNTE bị buôn bán, trong đó có 665 PNTE bị buôn bán trong nước, 3.862 PNTE bị bán ra nước ngoài. Trong 3 năm (2005-2007), phát hiện 900 vụ, 1.600 đối tượng, với 2.200 PNTE bị lừa bán ra nước ngoài. Trong số phụ nữ bị bán ra nước ngoài có khoảng 70% bị bán sang Trung Quốc, số còn lại bị bán sang Campuchia, Cộng hòa Séc, Nga, Malaisia, Thái Lan, Ma Cao, Hồng Kông, Hàn Quốc và một số nước khác.

 

Kết quả khảo sát của Hội LHPN 27 tỉnh/thành: từ năm 2004 đến tháng 9/1007 có 2.848 PNTE bị buôn bán (2.699 phụ nữ, 149 trẻ em); có 755 PNTE bị buôn bán đã trở về (636 phụ nữ, 119 trẻ em).


Theo bà Chan Nop Sarin Sreyrth (Trung tâm Hỗ trợ Phụ nữ gặp khủng hoảng của Camphuchia) cho biết: qua những khảo sát thực tế, tính đến tháng 8/2004, Campuchia có khoảng 65.000 đến 70.000 gái mại dâm, trong đó 35% là gái mại dâm người Việt Nam. Trong số gái mại dâm Việt Nam thì có tới 35% có độ tuổi dưới 18. Khi được hỏi nguyên nhân sang Campuchia làm mại dâm thì41% cho biết làm tự nguyện, 15% nói bị cha mẹ bán; 32% bị lừa gạt, nói là kiếm việc làm nhưng thực chất là mua bán qua cò mồi, 9% do trắc trở của gia đình. Báo cáo nghiên cứu của Dự án phòng chống nạn buôn người của Bộ Phụ nữ Campuchia trình bày tại Hội nghị xây dựng phương án thực hiện hành động phòng chống nạn buôn bán PNTE theo Hiệp định song phương Việt Nam - Campuchia tại Campuchia tháng 11/2007 đãnêu: trong số 203 phụ nữ người Khmer và Việt Nam hành nghề mại dâm được phỏng vấn, có 49% là bị buôn bán.

 

Nguyên nhân PNTE bị bán và thủ đoạn của bọn buôn người

 

Một nguyên nhân của tệ nạn BBPNTE là do phụ nữ nghèo, ít học; do thiếu tiền, thiếu thông tin, không biết các mánh khóe của những kẻ lừa gạt. Mặt khác, do việc qua lại biên giới quá dễ dãi (chủ yếu là cò mồi đưa lậu qua đường biên giới) nên nhiều người bị lừa đưa ra nước ngoài bán.Nghề nghiệp của các nạn nhân trước khi bị lừa bán ra nước ngoài đa số là làm ruộng và thất nghiệp. Những khó khăn trong cuộc sống, hạn chế về trình độ nhận thức đã “đẩy” họ trở thành “miếng mồi” ngon cho những kẻ “buôn người”.

 

Phụ nữ và trẻ em thuộc các tỉnh đồng bằng Bắc bộ, Bắc Trung bộ bị bán sang Trung Quốc với mục đích là để làm vợ, làm mại dâm. Phụ nữ và trẻ em ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long bị bán sang Campuchia rồi sau đó đưa sang một nước thứ ba chủ yếu nhằm phục vụ ngành công nghiệp mại dâm. Hầu hết những nạn nhân này chủ yếu phục vụ hoạt động mại dâm, hôn nhân ép buộc, giúp việc gia đình với thu nhập thấp, làm con nuôi hoặc sử dụng vào các mục đích thương mại, vô nhân đạo. Nhiều trường hợp phụ nữ, trẻ em VN đã “trở thành hàng hóa và được rao bán trên các kênh truyền hình hoặc chợ lao động các nước”.

Những phụ nữ hôn nhân với người nước ngoài đa số có mục đích kinh tế, thông qua các dịch vụ môi giới hôn nhân và có một số người đã bị lừa; sau đó bị bỏ rơi, biến thành người hầu, hoặc bị chính người chồng lừa phải làm nghề mại dâm; nhiều người từ chỗ là nạn nhân lại trở thành tội phạm do hoàn cảnh: bị ép buộc làm nghề mại dâm sau đó bị chính quyền sở tại phạt tù; số khác bị lừa bán ra nước ngoài nhưng vẫn bị chính quyền sở tại coi là nhập cảnh, cư trú, kết hôn trái phép, thậm chí quyền làm vợ, làm mẹ cũng không được bảo đảm.

Trong lúc đó, bọn BBPNTE thường tổ chức chặt chẽ, tinh vi, xuyên quốc gia và mang tính quốc tế. Chúng liên kết với tội phạm nước ngoài với các thủ đoạn rất đa dạng: lợi dụng những gia đình nghèo khổ, những cô gái trẻ có hoàn cảnh khó khăn, không có công ăn việc làm ở các vùng nông thôn bọn buôn người dụ dỗ, hứa hẹn giúp đỡ rồi lừa đưa vượt biên, bán ra nước ngoài; một số PNTE bị chúng lừa đưa vào các ổ mại dâm, dùng thủ đoạn đẩy vào con đường sa ngã hoặc bị lệ thuộc để cưỡng ép bán ra nước ngoài; một số trường hợp trẻ em bị lừa, không có người trông coi, phụ nữ lang thang cơ nhỡ ở bến xe bến tàu đã bị bọn tội phạm bắt cóc đem đi bán ở nước ngoài. Tình hình học sinh, sinh viên bị lừa đưa ra nước ngoài bán ngày càng tăng (giai đoạn 1998-2005 chỉ có 0,73%, nhưng từ 2005-2007 đã tăng gấp 10 lần với tỷ lệ 7,5%). Đau đớn hơn có những gia đình, cô gái, phụ nữ bị ngay cả chính bạn bè thân thiết, họ hàng, người thân gia đình, thậm chí có cả trường hợp mẹ bán con ruột, anh bán em gái chỉ vì tiền...

Một số phụ nữ hôn nhân với người nước ngoài hy vọng “đổi đời” cho gia đình, cho bản thân, nhưng khi sang đên “đất khách quê người” thì bị chúng dọa dẫm, cưỡng ép, đánh đập tàn nhẫn buộc phải làm mại dâm hoặc phục vụ nhu cầu tình dục cho gia đình, bị đưa sâu vào trong lãnh thổ, bán cho những người có nhu cầuhay cần người giúp việc. …Theo Bộ Tư pháp, có một thực trạng hiện nay là tổ chức môi giới hôn nhân hoạt động rất mạnh, có đường dây thu gom phụ nữ ở các địa phương tập kết về thành phố lo giấy tờ đưa đi qua con đường hôn nhân để kiếm lời bất chính, thậm chí đã xuất hiện đường dây làm giấy tờ kết hôn giả nhưng chậm xử lý do chế tài không đủ nghiêm minh. Qua kiểm tra khảo sát tại TP.HCM có 27 cơ sở môi giới hôn nhân đã có qui định không cho hoạt động nhưng vẫn còn 4 công ty tiếp tục hoạt động, đưa cả lên mạng Internet để quảng cáo. Ở tỉnh Hải Dương còn xuất hiện hình thức buôn bán phụ nữ, trẻ em qua đường du học nhưng đã bị ngăn chặn kịp thời.

Hậu quả, khó khăn, cản trở công tác phòng chống BBPNTE

Không ít gái mại dâm nghiện thuốc phiện, ma túy (do chủ chứa ép nghiện) nên buộc phải làm cật lực để lấy tiền chi mua ma túy. Mỗi ngày họ tiếp từ năm đến mười khách, thu khoảng 300 USD, nhưng chủ chứa lấy gần hết số tiền này, đó là chưa kể việc cô gái mại dâm Việt Nam còn phải trả thêm tiền cò mồi. Cũng có trường hợp cô gái bị lừa bán cho các động mại dâm, phải bán thân để trả nợ. Những phụ nữ này có nguy cơ mắc HIV/AIDS và các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Nếu họ bị bán ra nước ngoài và tìm cách trở về Việt Nam thì thường bị phân biệt đối xử và rất khó hòa nhập cộng đồng cũng như rơi vào hoàn cảnh kinh tế khó khăn.

Công tác phòng chống tệ nạn BBPNTE gặp nhiều khó khăn, hạn chế do tâm lýgia đình, nạn nhân xấu hổ, không muốn tố giác tội phạm, mặc cảm, xa lánh cộng đồng. Việc phối hợp nắm tình hình tư tưởng của các ngành chức năng và đoàn thể liên quan chưa thường xuyên, kịp thời và mang tính thụ động; việc quản lý nhân hộ khẩu sơ hở, có nhiều trường hợp phụ nữ, trẻ em đi khỏi thời gian dài mà địa phương hoàn toàn không biết.v.v...

Ở nước ngoài, hiện rất khó bênh vực những cô gái mại dâm này, ngoại trừ việc họ tự đi tố cáo hoặc cảnh sát bắt được quả tang các vụ buôn người. Lý do vì các chủ chứa đã “huấn luyện” cho họ phải im lặng, hoặc bị chủ chứa đe dọa nếu bị công an bắt thì sẽ nhốt tù nên sợ không dám nói. Đó là chưa kể những cô gái từ Việt Nam qua phần lớn là không có giấy tờ tùy thân, là đối tượng nhập cư trái phép. Có trường hợp bắt được chủ chứa đưa ra tòa nhưng cô gái không dám khai người môi giới, nhà chức trách không bắt tội được...

Các hoạt động đã thực hiện

Thực hiện Chương trình hành động phòng chống tội phạm BBPNTE giai đoạn 2004-2010 của Việt Nam, Chính phủ đã có Quyết định số 130 với 4 đề án phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm buôn bán người qua biên giới và tổ chức chống tội phạm UNODC VN của Liên Hiệp Quốc tư vấn, tài trợ. Đề án 1- phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em do Bộ Công an kết hợp Bộ đội biên phòng thực hiện. Đề án 2 - tuyên truyền, giáo dục cộng đồng về phòng chống tội phạm do TW Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Namchủ trì. Đề án 3 - Tiếp nhận nạn nhân là phụ nữ, trẻ em từ nước ngoài trở về, giúp hoà nhập cộng đồng do Bộ Tư pháp và Bộ Giáo dục – Đào tạo chủ trì). Đề án 4 - tạo công ăn việc làm do Bộ Lao Động - Thương binh & Xã hội chủ trì. Hai bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư cũng có trách nhiệm thực hiện những công việc liên quan.

Trong 3 năm (2005-2007) Hội LHPN Việt Nam đã xây dựng kế hoạch chỉ đạo công tác tuyên truyền, giáo dục cộng đồng. Hội đã phối hợp với các cơ quan truyền thông xây dựng và phát sóng 84 phóng sự, phim truyền hình về phòng chống BBPNTE; gần 3.000 tin bài được phát thanh và đăng trên báo chí đã lên án bọn tội phạm và nâng cao nhận thức cho phụ nữ và người dân. Các cấp Hội đã tổ chức gần 96.000 cuộc truyền thông cho hơn 6 triệu lượt người về phòng chống BBPNTE; thực hiện đợt cao điểm về chiến dịch truyền thông phòng chống BBPNTE ở các tỉnhcó biên giới. Trong quá trình truyền thông, một số nạn nhân bị buôn bán trở về đã tham gia và trở thành báo cáo viên, tuyên truyền viên phòng chống BBPNTE. Hơn 500 ngàn tờ rơi, hàngngàn tờ lịch, áp phích, pa nô được cung cấp cho phụ nữ và người dân; gần 20 vạn cuốn Thông tin phụ nữ , sổ tay tuyên truyền được cung cấp cho cán bộ Hội các cấp về phòng chống BBPNTE. Nhiều CLB được thành lập, với nội dung, hình thức sinh hoạt phong phú đã thu hút đông đảo hội viên, phụ nữ và nam giới cùng tham gia và đã thực sự trở thành điểm tựa cho các nạn nhân và gia đình về tinh thân và giảm bớt khó khăn trong cuộc sống. Từ năm 2005 đến năm 2007, Hội đã hỗ trợ cho hơn 17.000 người được học nghề, hơn 1.600 phụ nữ được vay 300 triệu đồng vốn để phát triển sản xuất góp phần giảm thiểu nguy cơ phụ nữ trẻ em bị buôn bán. Đặc biệt là mô hình phòng chống BBPNTE ở các địa bàn trọng điểm được xây dựng và đạt được nhiều hiệu quả tích cực: 80-90% đối tượng được truyền thông đã thay đổi nhận thức về phòng chống BBPNTE; dạy nghề được 1.150 đối tượng có nguy cơ cao và nạn nhân bị buôn bán trở về; cho vay vốn giải quyết việc làm cho hàng trăm nạn nhân; hỗ trợ tâm lý, chăm sóc sức khoẻ, dạy nghề, học văn hoá cho gần 150 nạn nhân bị buôn bán và bị xâm hại tình dục tại các Trung tâm hỗ trợ phụ nữ gặp khó khăn của Hội; xây dựng các đội văn nghệ lưu động.v.v.. Bên cạnh đó, các cấp Hội đã phối hợp với các ngành chức năng thực hiện hoạt động phòng chống buôn bán người. đã có 18 vụ BBPNTE được Hội LHPN cơ sở phát hiện và 24 nguồn tin cung cấp kịp thời ngăn chặn tội phạm BBPNTE. Hội còn cùng các đoàn thể và các ban, ngành tích cực giúp đỡ nạn nhân tái hoà nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống, tô giác tội phạm, trở thành tuyên truyền viên về phòng chống BBPNTE.

Nhiệm vụ và giải pháp tiếp

 

Cuộc đấu tranh chống tội phạm buôn bán PNTE qua biên giới đang diễn ra hết sức quyết liệt, phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ từ Trung ương tới chính quyền, các đoàn thể, gia đình, cá nhân ở cơ sở từng vùng, miền, nhất là vùng biên giới. 


Chính phủ đã nêu một số giải pháp cần thực hiện ngay ở các địa phương thời gian tới, hướng tới mục tiêu năm 2010 phải chặn đứng cho được nạn BBPNTE. Trong đó, cốt lõi nhất là phải nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền địa phương đối với công tác này, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên để tăng cường chỉ đạo; tiến hành đồng bộ các biện pháp kinh tế, hành chính, pháp luật; gắn kết với các chương trình kinh tế - xã hội, giáo dục, xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm để nâng cao đời sống cho người dân, phải đẩy mạnh thực hiện các chương trình kinh tế, xã hội, giáo dục nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo... Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật có liên quan đến buôn bán phụ nữ, trẻ em.


Bàn về giải pháp, Bộ Công an đề xuất với Chính phủ: có biện pháp làm chuyển biến cuộc sống của người dân ở những vùng sâu, vùng xa, giáp biên giới, nhất là khu vực miền Tây Nam bộ, các tỉnh biên giới phía Bắc; hỗ trợ những phụ nữ, trẻ em bị lừa bán trở về; tăng cường công tác tuyên truyền để mọi người nâng cao cảnh giác, phát hiện đối tượng, phối hợp với cơ quan chức năng; tiếp tục hoàn thiện, xây dựng hệ thống luật pháp, khắc phục các sơ hở trong các lĩnh vực xuất khẩu lao động, kết hôn với người nước ngoài; nâng cao công tác điều tra nắm tình hình, xử lý nghiêm minh bọn tội phạm và các tổ chức tội phạm BBPNTE, nhất là tổ chức xuyên quốc gia; tăng cường và mở rộng hợp tác quốc tế trong công tác phòng, chống tội phạm và giải cứu, hồi hương các nạn nhân bị buôn bán; kiểm soát chặt chẽ việc qua lại biên giới…Riêng năm 2008 cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 16/TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng chống tội phạm BBPNTE; nghiên cứu đề xuất Chính phủ nâng cấp Chương trình 130/CP thành chương trình mục tiêu quốc gia; triển khai văn kiện ghi nhớ và kế hoạch hành động Tiểu vùng sông Mê Kông giai đoạn 2008-2010; nghiên cứu xây dựng Luật phòng chống buôn bán người; tiếp tục tấn công, trấn áp, kiềm chế tội phạm, vô hiệu hoá cá nhân và các trung tâm môi giới lừa PNTE ra nước ngoài bán...

Đối với Hội LHPN Việt Nam, tổ chức đại diện cho phụ nữ: đang tích cực thực hiện các giải pháp phòng chống tệ nạn BBPNTE như: khảo sát đánh giá thực trạng tình hình PNTE bị lừa bán tại một số địa bàn trong nước và khu vực, tham mưu để Đảng ban hành chỉ thị về công tác phòng chống buôn bán PNTE ; tổ chức hội thảo đánh giá các mô hình truyền thông về phòng chống BBPNTE, nhân rộng mô hình ra các tỉnh, thành trọng điểm của giai đoạn II; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cộng đồng về phòng chống buôn bán phụ nữ, trẻ em; nâng cao năng lực Ban chỉ đạo Đề án 2, đội ngũ cán bộ Hội, tuyên truyền viên, cộng tác viên; tổ chức các hoạt động hỗ trợ PNTE bị buôn bán trở về tái hoà nhập cộng đồng; tăng cường phối hợp với các ban, nhành, đoàn thể liên quan trong công tác truyền thông; tăng cường hợp tác quốc tế nhằm trao đổi thông tin, kinh nghiệm, hỗ trợ các nguồn lực để phòng chống buôn bán phụ nữ trẻ em...

Trung tâm Thông tin

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video