Buôn bán phụ nữ, trẻ em: Bao giờ đến hồi kết thúc?

17/05/2006
Tệ nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em (BBPNTE)những năm gần đây đã trở thành vấn đề nóng bỏng, nhức nhối, ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội. Thống kê sơ bộ cho thấy, trong 10 năm gần đây, cả nước phát hiện được hàng chục nghìn phụ nữ, trẻ em bị buôn bán qua biên giới, chủ yếu dưới hình thức môi giới hôn nhân, hợp tác lao động, du lịch thăm người thân… sang các nước Đài Loan, Mã Lai, Hàn Quốc... Tuy nhiên, trên thực tế, con số này cao hơn rất nhiều.

Từ thực trạng đáng giật mình…

 

Nếu như trong những năm trước, nạn buôn bán phụ nữ trẻ em chỉ xảy ra ở một vài tỉnh, thành phố (chủ yếu là các tỉnh, thành vùng biên như Lạng Sơn, Lai Châu, Cao Bằng, Quảng Ninh…), đến nay, tình trạng này đã lan rộng ra nhiều khu vực từ nông thôn đến thành thị, thậm chí cả miền núi. Hầu hết các nạn nhân bị buôn bán đều liên quan đến việc bóc lột tình dục hoặc cưỡng ép kết hôn.

 

Theo báo cáo gần đây của Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (Unicef), hiện có 4 hình thức buôn bán phụ nữ ra nước ngoài. Loại thứ nhất là lừa gạt và buôn bán phụ nữ các tỉnh phía Bắc qua Trung Quốc làm vợ và làm gái mại dâm. Con số này hiện đang tăng lên từng ngày. Loại thứ hai là buôn bán phụ nữ ở các tỉnh phía Nam qua Campuchia phục vụ hoạt động mại dâm. Loại thứ ba là buôn bán phụ nữ tới Macao, Đài Loan, Hồng Kông, Hàn Quốc, Nhật Bản và châu Âu. Ở loại này, phụ nữ bị bán để làm vợ và lao động cưỡng bức như hầu hạ trong nhà hoặc bán dâm. Loại hình thứ tư là buôn bán qua Campuchia,Lào để đến Thái Lan và gần đây là Malaysia vì mục đích bóc lột tình dục. Địa phương có phụ nữ, trẻ em bị buôn bán ra nước ngoài nhiều là: Hà Tây, Thanh Hoa, Tuyên Quang, Quảng Ninh, Nghệ An...

 

Trên thực tế, tại phía Bắc, phụ nữ trẻ em bị buôn bán tập trung ở các địa bàn biên giới giáp Việt Nam, chủ yếu để sử dụng làm mại dâm trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ hoặc làm vợ một cách bất hợp pháp. Tại phía Nam, các nạn nhân chủ yếu phục vụ hoạt động mại dâm tại các thành phố lớn và các tỉnh giáp biên giới. Các nước này còn là địa bàn trung chuyển để buôn bán phụ nữ trẻ emqua các nước xa hơn trong khu vực. Đặc biệt, tình trạng phụ nữ Việt Nam bị dụ dỗ lừa gạt, buôn bán sang Đài Loan, Malaysia… qua hình thức môi giới hôn nhân trong thời gian gần đây là vấn đề rất phức tạp và khó kiểm soát.

 

Thống kê cho thấy, từ 1998 đến tháng 3/2006, cả nước đã phát hiện 4.527 phụ nữ, trẻ em (PNTE) bị buôn bán, trong đó có 665 PNTE bị buôn bán trong nước, 3.862 PNTE bị bán ra nước ngoài. Riêng trong năm 2005 đã có tới 6.000 phụ nữ, trẻ em bị đưa ra nước ngoài hành nghề mại dâm. Quý I/2006, trên cả nước đã có 34 địa phương phát hiện, bắt giữ 48 vụ, 63 đối tượng phạm tội buôn bán PNTE; giải cứu và làm thủ tục tiếp nhận cho 153 nạn nhân...

 

Tuy nhiên, cũng theo cơ quan chức năng, con số này còn quá khiêm tốn so với thực tế đã xảy ra bởi thủ đoạn của bọn phạm tội ngày càng tinh vi hơn, có tổ chức và mang tính quốc tế. Điển hình là hàng loạt vụ giấu “hàng” trong container rồi vận chuyển từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long sang Campuchia vừa bị phát hiện trong thời gian gần đây…

 

Đâu là nguyên nhân?

 

Nguyên nhân lớn nhất khiến phụ nữ trở thành nạn nhân của bọn buôn bán người là do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, hạn chế về trình độ nhận thức và đặc biệt là việc thiếu hụt thông tin, không lường trước được các thủ đoạn, mánh khóe của kẻ dã tâm. Hầu hết các nạn nhân trước khi bị lừa bán ra nước ngoài đều thất nghiệp hoặc làm ruộng, rất nhiều người trong số họ chỉ mới thoát khỏi nạn mù chữ.

 

Trong khi đó, bọn BBPNTE thường được tổ chức chặt chẽ, hoạt động hết sức tinh vi, xuyên quốc gia và mang tính quốc tế. Chúng dùng nhiều thủ đoạn như: lợi dụng hoàn cảnh khó khăn, không có công ăn việc làm của phụ nữ rồi hứa hẹn giúp đỡ và lừa bán ra nước ngoài; một số khác bị chúng lừa vào các ổ mại dâm, dùng thủ đoạn đẩy vào con đường sa ngã hoặc bị lệ thuộc để cưỡng ép bán ra nước ngoài... Đau đớn hơn, có những phụ nữ bị ngay cả chính bạn bè thân thiết, họ hàng, người thân của mình lừa bán chỉ vì tiền...

 

Trên thực tế, nhiều phụ nữ do nghèo đói, do thiếu hiểu biết hoặc vì lý do này lý do khác vẫn rất muốn được xuất ngoại để “đổi đời”. Họ không thể hình dung được rằng, đằng sau vỏ bọc“kết hôn với người nước ngoài” là những chuỗi ngày cay đắng, tủi nhục nơi đất khách quê người. Phần lớn những người phụ nữ này sau khi ra nước ngoài chủ yếu phục vụ mại dâm, hôn nhân ép buộc, giúp việc gia đình với thu nhập thấp và thường xuyên đối mặt với nạn bạo hành. Đáng nói hơn, nhiều trường hợp phụ nữ và trẻ em Việt Nam đã trở thành hàng hoá và được rao bán công khai trên các kênh truyền hình hoặc các chợ lao động của các nước, điển hình là ở Đài Loan, Mãlai…

 

Theo Bộ Tư pháp, một thực trạng rất nhức nhối hiện nay là tổ chức môi giới hôn nhân hoạt động rất mạnhvới nhiều đường dây thu gom phụ nữ ở các địa phương muốn lấy chồng nước ngoài. Thực tế đã xuất hiện đường dây làm giấy tờ kết hôn giả nhưng chậm xử lý do chế tài không đủ nghiêm minh. Kiểm tra khảo sát tại TP.HCM cho thấy, có 27 cơ sở môi giới hôn nhân đã bị cấm hoạt động nhưng đến nay vẫn còn 4 công ty tiếp tục hoạt động, thậm chí cònquảng cáo cả trên mạng Internet. Ở tỉnh Hải Dương còn xuất hiện hình thức BBPNTEqua đường du học…

Ngoài ra, cũng không thể không kể đến một lý do nữa khiến nạn buôn bán phụ nữ trẻ em ngày càng tăng, đó là việc qua lại biên giới bất hợp pháp quá dễ dãi (chủ yếu là do cò mồi đưa lậu qua đường biên giới) nên đã xảy ra tình trạng nhiều phụ nữ bị lừa đưa ra nước ngoài bán.

 

Tìm lời giải cho một bài toán khó!

 

Thực tế cuộc đấu tranh chống tội phạm BBPNTE qua biên giới đang diễn ra hết sức quyết liệt, phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ từ Trung ương tới chính quyền, các đoàn thể, gia đình, cá nhân ở cơ sở từng vùng, miền, nhất là vùng biên giới. 

 

Thực hiện Chương trình hành động phòng chống tội phạm BBPNTE giai đoạn 2004-2010 của quốc gia, Chính phủ đã có Quyết định số 130 với 4 đề án phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm buôn bán người qua biên giới và tổ chức chống tội phạm UNODC VN của Liên Hiệp Quốc tư vấn, tài trợ. Cụ thể: Đề án 1: Tuyên truyền, giáo dục trong cộng đồng về phòng, chống tội phạm BBPNTE do TW Hội LHPN Việt Nam chủ trì; Đề án 2: Đấu tranh chống tội phạm BBPNTE do Bộ Công an phối hợp với Bộ Quốc phòng (Bộ Tư lệnh bộ đội biên phòng) chủ trì; Đề án 3: Tiếp nhận và hỗ trợ những phụ nữ, trẻ em là nạn nhân bị BB từ nước ngoài trở về- do Bộ LĐTB& XH chủ trì; Đề án 4: Xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm BBPNTE do Bộ Tư pháp chủ trì

 

Hướng tới mục tiêu đến năm 2010 phải chặn đứng được nạn BBPNTE, Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã nêu một số giải pháp cần thực hiện ngay ở các địa phương thời gian tới. Trong đó, vấn đề cốt lõi nhất là phải nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền địa phương đối với công tác này, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên để tăng cường chỉ đạo; gắn kết với các chương trình kinh tế - xã hội, giáo dục, xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm để nâng cao đời sống cho người dân, đẩy mạnh thực hiện các chương trình kinh tế, xã hội, giáo dục nhằm nâng cao đời sống người dân, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo... Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật có liên quan đến BBPNTE.

 

Cũng bàn về giải pháp, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Thế Tiệm đã đưa ra sáu đề xuất với Chính phủ: có biện pháp làm chuyển biến cuộc sống của người dân ở những vùng sâu, vùng xa, giáp biên giới, nhất là khu vực miền Tây Nam bộ, các tỉnh biên giới phía Bắc; hỗ trợ những phụ nữ, trẻ em bị lừa bán trở về; tăng cường công tác tuyên truyền để mọi người nâng cao cảnh giác, phát hiện đối tượng, phối hợp với cơ quan chức năng; tiếp tục hoàn thiện, xây dựng hệ thống luật pháp, khắc phục các sơ hở trong các lĩnh vực xuất khẩu lao động, kết hôn với người nước ngoài; nâng cao công tác điều tra nắm tình hình, xử lý nghiêm minh bọn tội phạm và các tổ chức tội phạm BBPNTE, nhất là tổ chức xuyên quốc gia; tăng cường và mở rộng hợp tác quốc tế trong công tác phòng chống tội phạm và giải cứu, hồi hương các nạn nhân bị buôn bán, kiểm soát chặt chẽ việc qua lại biên giới.


Hội LHPN Việt Nam là tổ chức đại diện cho phụ nữ Việt Nam, hiện đã và đang tích cực thực hiện các giải pháp phòng chống tệ nạn BBPNTE như tăng cường phối hợp các ngành chức năng đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, giáo dục cho cộng đồng và các tầng lớp phụ nữ, gia đình về tệ nạn BBPNTE; quản lý chặt chẽ dân cư trên địa bàn; tiếp tục đẩy mạnh xoá đói giảm nghèo, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế. Hội LHPN Việt Nam cùng với tổ chức phụ nữ các nước trong khu vực có nhiều phụ nữ Việt Nam đến kết hôn thực hiện việc xây dựng cơ chế phối hợp hành động giữa các bên trong lĩnh vực phòng chống BBPNTE trên cơ sở tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của PNTE. /.

 

Trung tâm Thông tin Tư liệu

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video