Bú mẹ muộn, nguy cơ tử vong cao

29/11/2012
Bà Nemat Hajeebhoy - Giám đốc Quốc gia Dự án A&T (dự án Nuôi dưỡng và phát triển, do Quỹ Bill&Melinda Gate tài trợ) - cho biết tại Hội thảo thúc đẩy thực hành nuôi con bằng sữa mẹ và dinh dưỡng trẻ nhỏ tối ưu.

Hội thảo do Hội Nhi khoa phối hợp với Hội Sản phụ khoa, Hội Dinh dưỡng và Hội Nữ hộ sinh vừa tổ chức tại Hà Nội.

Bà Nemat nói: Gần đây các nhà khoa học trên thế giới đã có 2 nghiên cứu tại Ghana và Nepal đánh giá mối quan hệ giữa thời điểm bắt đầu cho bú mẹ và tử vong sơ sinh. Các tác giả của nghiên cứu ở Ghana cho biết, trong số trẻ sơ sinh chết trong khoảng thời gian từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 28 sau sinh thì 2/3 là chết do nhiễm khuẩn và 1/3 do các nguyên nhân khác.

Trẻ được bắt đầu bú mẹ muộn (sau 24 giờ) có nguy cơ tử vong sơ sinh do các bệnh nhiễm khuẩn cao gấp 2,6 lần và trẻ được cho bú mẹ một phần có nguy cơ tử vong cao gấp 5,7 lần.

Tác giả của nghiên cứu ở Ghana đã ước tính có thể ngăn chặn được 16% tử vong sơ sinh nếu tất cả trẻ sinh ra đều được bắt đầu cho bú mẹ trong ngày đầu sau sinh và ngăn chặn được 22% nếu bắt đầu cho bú mẹ trong vòng 1 giờ đầu sau sinh.
Còn các tác giả của nghiên cứu ở Nepal đã ước tính rằng việc bắt đầu cho bú mẹ trong vòng 1 giờ đầu sau sinh có thể ngăn chặn 19% tỉ lệ tử vong sơ sinh.

Lợi ích của việc trẻ nhỏ được bú mẹ sớm, bú hoàn toàn trong 6 tháng và tiếp tục cho bú tới 24 tháng đã được chứng minh: Cung cấp dinh dưỡng tối ưu giúp trẻ tăng trưởng tối đa; bảo vệ trẻ khỏi nhiễm khuẩn và dị ứng; bảo vệ trẻ khỏi mắc một số bệnh mãn tính khi trưởng thành như tiểu đường, tăng huyết áp, béo phì; bảo vệ bà mẹ khỏi nguy cơ mắc ung thư vú, tử cung và buồng trứng.

BS Nguyễn Đức Vinh – Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ trẻ em (Bộ Y tế) - cho hay: Áp lực công việc và xu hướng nuôi con bằng sữa ngoài, việc quảng bá quá mức của các công ty sữa… đã khiến tỉ lệ nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiếp tục tới 24 tháng tại Việt Nam giảm.

Tỉ lệ trẻ được bú mẹ sớm trong vòng 1 giờ sau sinh của Việt Nam hiện mới chỉ chiếm 62%, trẻ được bú sữa non trong vòng 1 tiếng đầu tiên chiếm 70%. 

Đặc biệt, tỉ lệ trẻ được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu chỉ có 19,6% và tiếp tục cho bú tới 24 tháng là 22%. Đây chính là nguyên nhân khiến tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở nước ta còn cao 32%.

Để giảm được tỉ lệ suy dinh dưỡng thấp còi, một trong những can thiệp thiết yếu chính là nuôi con bằng sữa mẹ. Việt Nam bắt đầu thực hiện chương trình nuôi con bằng sữa mẹ từ năm 1992 với Ban điều hành do lãnh đạo Bộ Y tế làm Trưởng ban, Vụ Sức khỏe Bà mẹ trẻ em là đơn vị thường trực. 

Để khuyến khích thực hành nuôi dưỡng trẻ nhỏ ưu việt, Chính phủ đã ban hành Nghị định 21/2006/NĐ-CP về kinh doanh và sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ; Quốc hội cũng đã thông qua việc phụ nữ được nghỉ sinh 6 tháng...

Hỗ trợ cho việc thực hành nuôi con bằng sữa mẹ, ngày 26/11/2012, Hội Nhi khoa Việt Nam đã cùng Hội Sản phụ khoa, Hội Dinh dưỡng, Hội Nữ hộ sinh Việt Nam ký kết sự đồng thuận hỗ trợ tăng cường nuôi con bằng sữa mẹ nhằm giảm tỉ lệ thấp còi, cải thiện tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe của trẻ em Việt Nam.

Theo giadinh.net (PH)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video