Bộ trưởng LĐTBXH: 'Sẽ là gánh nặng cho thế hệ sau nếu không điều chỉnh tuổi nghỉ hưu'

30/05/2019
Nhấn mạnh về tính cần thiết phải điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo dự thảo Bộ luật Lao động, Bộ trưởng LĐTBXH Đào Ngọc Dung cho rằng sẽ nhiều bất cập nếu vẫn duy trì độ tuổi nghỉ hưu như luật hiện hành. Điều này ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, trong đó có bối cảnh Việt Nam đang là quốc gia có tốc độ già hóa dân số rất nhanh.

3 lý do cấp thiết để tăng tuổi nghỉ hưu

Bên hành lang Quốc hội sáng nay 29/5, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH đã có cuộc trao đổi với báo chí liên quan đến việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, theo dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi). Ông Đào Ngọc Dung đưa ra các con số để phân tích về tính cần thiết phải điều chỉnh tăng tuổi hưu, trên cơ sở có lộ trình chậm, tránh gây sốc cho thị trường.

Theo ông Đào Ngọc Dung, có 3 lý do mà ông thấy việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Vấn đề này cần đặt trong tương quan tổng thể của nhiều phương án và “giải quyết” nhiều luật, chính sách khác như điều chỉnh về bảo hiểm xã hội, công việc, thị trường lao động… chứ không đơn thuần “nhắm” vào mỗi Bộ luật Lao động.

Trước hết theo ông Dung, dù ở tầm nhìn dài nhưng sự điều chỉnh này phải đáp ứng được yêu cầu mau lẹ của việc thích ứng sự già hóa dân số của Việt Nam vào năm 2035.

“Chúng ta đa khẳng định Việt Nam là dân số vàng nhưng thực chất dân số vàng bắt đầu chuyển sang già vào năm 2014 rồi. Nếu năm 2000 mỗi năm có 1,2 triệu người bước vào độ tuổi lao động thì đến bây giờ, lực lượng này đã giảm xuống còn 400.000 người và ngày càng giảm”, ông Dung nêu con số đáng chú ý.

Lý do thứ hai, theo ông Đào Ngọc Dung, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam hiện tăng rất nhiều, so với thời điểm Bộ luật Lao động đề ra tuổi hưu và áp dụng hiện hành.

“Nếu nói về độ tuổi nghỉ hưu, nam 60 nữ 55 thì mức tuổi này đã dược quy định từ năm 1961 - hơn 60 năm nay. Ở thời điểm quy định tuổi hưu đó thì bình quân tuổi thọ của người Việt Nam mới trên 45 tuổi. Đến nay tuổi thọ trung bình đã là 76,6. Đặc biệt tuổi sống sau 55 tuổi đối với nữ đã là 79,5 tuổi. Việt Nam hiện nay là một trong những nước có tuổi thọ cao trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương”, ông Dung thông tin.

 Ảnh minh họa

Việt Nam đang có tốc độ già hóa dân số rất nhanh


Lý do thứ 3, theo ông Đào Ngọc Dung là liên qua đến việc ổn định quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH). Tư lệnh ngành LĐTBXH cho rằng, nhìn sự đảm bảo ổn định của quỹ BHXH thì thấy thời gian đóng BHXH của nam và nữ nhìn chung thấp (bình quân đóng hơn 20 năm) nhưng thời gian hưởng thì rất dài.

Bên cạnh đó, mức hưởng BHXH của Việt Nam cao hơn rất nhiều so với các nước. Ở nhiều nước, thông thường từ 35 đến 45% mức lương, nhưng với nước ta thì người hưởng cao nhất là 75%, bình quân là 70%. “Nếu một người đóng bảo hiểm 28 năm thì chỉ đủ để chính mình hưởng trong 10 năm, còn 9,5 năm còn lại thì lấy đóng góp của thế hệ sau chia sẻ cho thế hệ hiện tại. Do đó, chỉ riêng về việc đảm bảo cân bằng quỹ BHXH thì ta điều chỉnh tuổi hưu là cần thiết rồi!”, ông Dung nói.

“Không có chuyện người già tranh “ghế” của người trẻ!”

Trước băn khoăn về việc liệu tăng tuổi hưu có ảnh hưởng đến cơ hội việc làm của người trẻ hay không, nhất là trong bối cảnh nguồn lao động đang dôi dư hiện nay, Bộ trưởng LĐTBXH khẳng định, việc này thậm chí đang tính cho thế hệ trẻ, cho tương lai.

Ông Dung cho biết, cần xác định rõ, điều chỉnh tuổi hưu thì mục tiêu số một là đảm bảo tăng trưởng kinh tế, còn thứ hai là đảm bảo công ăn việc làm cho giới trẻ. Việc tính phương án lộ trình tăng tuổi hưu (theo phương án 1 dự luật - PV) là đã cân đối được công việc hiện tại cho người trẻ lẫn tính toán cho người già. Nguyên tắc hiện nay 46% người sau tuổi hưu đang đi làm việc tiếp. Thứ hai, lực lượng lao động trẻ không còn dồi dào nữa.

“Đi về các vùng nông thôn và quan sát thì tôi thấy rằng hiện nay nhiều vùng nông thôn chỉ còn người già và phụ nữ, không còn nhiều thanh niên trẻ nữa đâu! Việt Nam bây giờ không còn là đỉnh cao của dân số vàng, mà đang già hóa dân số. Phải làm rõ việc không có chuyện người già tranh chấp ghế của người trẻ, quan chức giữ chỗ để làm việc đâu! Đây là chúng ta tính cho tương lai, thế hệ sau, nếu không điều chỉnh tuổi hưu, chúng ta sẽ truyền gánh nặng cho thế hệ sau”, tư lệnh ngành LĐTBXH nhìn nhận.

Cũng theo ông Đào Ngọc Dung, việc điều chỉnh tuổi hưu theo dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến lần này là theo lộ trình chậm chứ không phải là tăng luôn lên mức 60 với nữ và 62 với nam.

“Nếu phương án 1 được thông qua, thì đến 2028 đàn ông mới nghỉ hưu ở độ tuổi 62. Đến năm 2035, phụ nữ mới nghỉ hưu ở tuổi 60. Đó là nghỉ trong điều kiện lao động bình thường, sức khỏe bình thường. Còn các trường hợp khác chắc chắn sẽ có quy định cụ thể”, ông Dung nói.

Trong đó, đối tượng công nhân được cơ quan soạn thảo đặc biệt quan tâm. Người lao động trong các trường hợp: Suy giảm sức khỏe, làm việc trong điều kiện đặc biệt nặng nhọc độc hại thì có quyền được nghỉ hưu sớm hơn 5 tuổi. Chính sách thực hiện quyền nghỉ hưu sớm hoặc muộn sẽ được thiết lập.

“Hiện Chính phủ đang rà soát tất cả ngành nghề lĩnh vực, công việc nặng nhọc độc hại để kèm theo bộ luật này là phải có danh sách ngay! Riêng về một số ngành như than, hầm lò… đang quy định 24 lĩnh vực có thể nghỉ hưu sớm hơn. Còn với lao động trình độ cao như tòa án, kiểm sát, giáo sư, nhà khoa học… thì phải khuyến khích họ làm việc suốt đời, cống hiến cho đất nước”, ông Đào Ngọc Dung nói.

Hai phương án tăng tuổi nghỉ hưu theo Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi):

Phương án 1, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường: cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với nam và 04 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Phương án 2, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường: cứ mỗi năm tăng thêm 04 tháng đối với nam và 06 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Chính phủ đề xuất lựa chọn Phương án 1 (tuổi nghỉ hưu của nam giới đạt 62 tuổi vào năm 2028 và tuổi nghỉ hưu của nữ giới là 60 tuổi vào năm 2035 - sau 8 năm với nam và sau 15 năm với nữ kể từ năm 2021), vì đây là phương án có ưu điểm hơn, phòng tránh cao hơn các rủi ro khi điều chỉnh tuổi đối với thị trường lao động, tránh gây sốc thị trường lao động, giữ được ổn định xã hội và phù hợp với thông lệ quốc tế.

PNVN

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video