Bình Định: Người thợ may giữ gìn nét đẹp áo dài Việt

06/07/2020
Sống trong một khu xóm nhỏ thuộc khối Phú Xuân, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định năm nay đã tròn 67 tuổi, với hơn 46 năm gắn bó với nghề, cô Tô Thị Loan ngày ngày vẫn cặm cụi bên chiếc máy khâu để tự tay mình may nên những chiếc áo dài truyền thống.
Vợ chồng cô Tô Thị Loan tại tiệm may áo dài của mình

Từ thuở còn thơ bé, cô Tô Thị Loan đã được thừa hưởng niềm đam mê với nghề may áo dài của mẹ. Cô quyết tâm theo đuổi nghề may áo dài và thật may mắn khi cô lấy chồng cũng có cùng sở thích. Hai vợ chồng cô cùng nhau mở tiệm may áo dài và không ngừng sáng tạo để đáp ứng yêu cầu của khách hàng.

Cô Loan chia sẻ: “Mẹ cô chỉ dạy cho cô những kiến thức may áo dài căn bản nhưng trong thực tế, mỗi khách hàng là một phom dáng khác nhau, không người nào giống người nào, đòi hỏi người thợ phải có khiếu thẩm mỹ, tính cẩn thận, chăm chút và nhẫn nại trong từng đường may. Chiếc áo dài khéo là khi người mặc vừa vặn, không chùng đường chỉ, không nhăn, giúp tôn lên đường nét đẹp đồng thời hạn chế tốt nhất những hạn chế trên cơ thể của khách hàng”, cô Loan cho biết.

Khách hàng tiệm may của cô Loan rất đa dạng, từ cán bộ, công chức, nhân viên, giáo viên cho tới các bà, các mẹ, các chị làm nông, buôn bán trên địa bàn thị trấn. Tiền công mỗi bộ trung bình từ 200.000- 250.000 đồng/bộ, riêng chất liệu vải yêu cầu sự tỉ mỉ, thời gian lâu hơn như nhung, kim sa giá trên 300.000 đồng/bộ. Với những loại vải trơn, tùy theo yêu cầu của khách, cô sẽ gắn thêm hoa văn, thêu hoa, xỏ chuỗi trên thân và tà áo.

Cô Loan chia sẻ thêm: “Để làm nên một chiếc áo dài có nhiều công đoạn, công đoạn nào cũng quan trọng dù chỉ là chi tiết nhỏ nhất. Công đoạn lấy số đo thì phải được tính toán cẩn thận để bù trừ thừa thiếu với thân hình của khách hàng. Các công đoạn trải vải, đo đạc, đánh dấu và cắt vải đều phải thực hiện cần mẫn và tỉ mỉ để tạo nên dáng áo đẹp, phù hợp nhất với khách hàng. Chiếc áo dài được mặc với quần lụa rộng tạo cho người mặc có được nét uyển chuyển, nhẹ nhàng. Mặc dù trong thời đại ngày nay, thời trang càng phát triển, chiếc áo dài được cách tân với nhiều kiểu dáng mới mẻ, màu sắc khác nhau nhưng luôn giữ được nét đẹp truyền thống vốn có của nó đó là tôn lên vẻ đẹp hình thể và sự dịu dàng của người phụ nữ Việt Nam”.

Cô Loan vui vẻ cho biết, con gái cô hiện cũng mang niềm đam mê với áo dài Việt của bà, của mẹ. Chị Nguyễn Thị Hồng Phương hiện đang là hiệu phó trường mầm non Tây Sơn, tuy công việc bận rộn nhưng cứ vào ngày nghỉ hoặc có thời gian rảnh là chị lại sắp xếp về nhà mẹ để phụ giúp và học việc may áo dài.

Thu Vân

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video