Bình Định: Gương điển hình khởi nghiệp "Ươm" lại cuộc đời

14/01/2022
Sinh năm 1994 trong một gia đình nghèo ở phường Tam Quan Nam, thị xã Hoài Nhơn, chị Tôn Thị Lệ My theo bạn bè vào thành phố Hồ Chí Minh làm ăn, vì những phút giây bồng bột của tuổi trẻ, thiếu hiểu biết về pháp luật, chị đã tham gia mua bán trái phép chất ma túy. Bị kết án tù với thời gian 3 năm, tính từ ngày 01/01/2019, tuy nhiên với sự tích cực lao động, cải tạo tốt chị được mãn hạn tù trước 8 tháng và bắt đầu hành trình khởi nghiệp, làm lại cuộc đời.
Chị Tôn Thị Lệ My nhận cúp tham gia cấp vùng cuộc thi khởi nghiệp

Ân hận và nung nấu sớm được đoàn tụ với gia đình, trong thời gian chấp hành án, chị tích cực tham gia học nghề đan mây, tích cực lao động, cải tạo tốt và được mãn hạn tù trước 8 tháng (ngày 10/4/2021).

Quyết tâm làm lại cuộc đời sau 2 năm 3 tháng chấp hành án tù, tuy nhiên với một người vừa chấp hành xong bản án tù với sự tự ti, mặc cảm, điều kiện gia đình kinh tế khó khăn đã làm chị e dè, lo lắng. Chị chia sẻ: “Khi mới trở về, mình cũng mặc cảm lắm, vì bản thân từng phạm tội và bị ngồi tù, mình sợ những ánh mắt kỳ thị của mọi người, có lúc không biết phải bắt đầu cuộc sống mới từ đâu”. Nhưng trái ngược với những gì chị nghĩ, bà con làng xóm, người thân không những không kỳ thị, xa lánh mà còn nhiệt tình giúp đỡ để chị có thể tái hòa nhập cộng đồng.

Được sự động viên, giúp đỡ của địa phương cộng với sức trẻ, sự quyết tâm và những kiến thức nghề đan mây đã học được khi chấp hành án, chị My đã nhận sợi mây nhựa từ các công ty rồi đan thành sản phẩm và gửi tới công ty sản xuất bàn ghế nhựa giả mây ở An Nhơn. Khởi đầu với nghề đan bàn ghế nhựa giả mây khá thuận lợi bởi trong thời điểm ấy nghề đan mây nhựa vẫn còn mới mẻ, ít người biết đến, cùng với đó nhận thấy phản hồi của khách hàng khá tốt, sản phẩm làm ra tỉ mỉ, chắc tay nên công ty đã cho chị nhận với số lượng lớn để làm. Sau đó, chị My vay mượn thêm tiền của người thân quyết định mua máy móc để mở rộng quy mô, mạnh dạn đứng ra nhận nguyên liệu từ công ty và phân phối lại cho chị em phụ nữ. Đến nay, “xưởng” nhỏ của chị My đã góp phần giải quyết cho 5-7 lao động nữ, họ vừa có thể lo cho gia đình, con cái vẹn toàn vừa có thể tập trung vào đan ghế, đan bàn tạo nguồn thu nhập ổn định, cải thiện cuộc sống.

My cùng chị em phụ nữ đang đan mây

 

Qua khảo sát, thu nhập bình quân của các lao động khoảng trên 3 triệu đồng/tháng, người đan giỏi có thể đạt 4-5 triệu đồng/tháng tùy theo mẫu mã của từng sản phẩm dễ hay khó và cũng tùy theo thời gian nhàn rỗi của lao động mà có thu nhập khác nhau. Thu nhập bình quân mỗi tháng của chị My là 4-5 triệu đồng. Giữa năm 2021, được Hội LHPN phường Tam Quan Nam hỗ trợ, chị đã tham gia cuộc thi khởi nghiệp với chủ đề “Phụ nữ khởi nghiệp nâng tầm thương hiệu sản phẩm OCOP” do TW Hội LHPN Việt Nam phát động và đã xuất sắc vượt qua các dự án để lọt vào vòng thi cấp vùng.

Chị Tôn Thị Lệ My không những biết vươn lên mặc cảm khắc phục khó khăn, mà còn là hội viên tích cực của chi hội phụ nữ Cửu Lợi Bắc, chị thường xuyên tham gia các buổi sinh hoạt định kỳ của chi hội, nhất là các hoạt động hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Hội LHPN thị xã Hoài Nhơn

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video