Bình đẳng giới trong khu vực và trên thế giới

11/08/2016
.3 nước châu Âu ký Tuyên bố chung về bình đẳng giới
.Bình đẳng giới trong lao động việc làm ở Hàn Quốc

3 nước châu Âu ký Tuyên bố chung về bình đẳng giới

Với vai trò làm Chủ tịch Hội đồng của Liên minh châu Âu luân phiên trong 18 tháng tiếp theo, Hà Lan, Slovakia và Malta vừa ký Tuyên bố chung về bình đẳng giới. Đây là một trong những mục tiêu quan trọng của Liên minh châu Âu (EU).


Với việc Hà Lan làm Chủ tịch Hội đồng EU từ tháng 1 đến tháng 6/2016, tiếp đến là Slovakia (7/2016 - 12/2016) và Malta (1/2017 - 6/2017), 3 nước đã vạch ra kế hoạch thúc đẩy bình đẩy giới trong việc làm của phụ nữ với mong muốn sự bình đẳng giữa nam giới và phụ nữ là một điều kiện tiên quyết để đảm bảo tăng trưởng kinh tế, sự thịnh vượng, giàu có và hòa nhập xã hội. 3 nước đã đề ra các bước đi cụ thể nhằm thúc đẩy bình đẳng giới trong 18 tháng tới đây: nâng tỷ lệ nữ trong ban điều hành các công ty; tăng cường thực hiện các nguyên tắc bình đẳng, không phân biệt giới tính, tôn giáo, tuổi tác, người tàn tật; hỗ trợ phụ nữ trong thị trường lao động.

Ngoài việc đặt bình đẳng giới trên bàn nghị sự của EU, 3 nước tập trung xúc tiến các kế hoạch hành động trong Khung Chiến lược EU về sức khỏe và an toàn tại nơi làm việc giai đoạn 2014-2020, tăng cường hợp tác về thanh niên trong châu Âu trong lĩnh vực thanh niên và cải thiện cách tiếp cận với hàng hóa và dịch vụ của người khuyết tật. Theo số liệu của Ủy ban châu Âu, có khoảng 80 triệu người khuyết tật ở EU đang gặp trở ngại trong việc tiếp cận với một số loại hàng hóa và dịch vụ.

 

Bình đẳng giới trong lao động việc làm ở Hàn Quốc

Để nâng cao chất lượng nguồn lực nữ, khuyến khích và hỗ trợ phụ nữ làm việc, Chính phủ Hàn Quốc đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho phụ nữ nói chung cũng như cho phụ nữ bị gián đoạn việc làm nói riêng.

 

Ở Hàn Quốc, lao động nữ chủ yếu tham gia các hoạt động phi kinh tế do họ phải đảm nhiệm nhiều công việc gia đình, sinh con và nuôi dạy con. Điều này dẫn đến tình trạng phụ nữ bị gián đoạn việc làm, giảm năng lực cạnh tranh trên thị trường lao động.

Năm 1989, Chính phủ đã ban hành Luật tuyển dụng bình đẳng cho nam và nữ, trong đó quy định: cấm phân biệt đối xử trong tìm việc, tuyển dụng, thăng tiến, về hưu…; Bảo vệ người mẹ với chế độ nghỉ phép trước và sau thai sản; Thực hiện chế độ tuyển dụng tích cực (2008) - yêu cầu hơn 500 giám đốc doanh nghiệp nộp bản kế hoạch tuyển dụng bình đẳng về giới, lập báo cáo tình hình nhân lực nữ theo từng cấp và kế hoạch thực hiện bình đẳng giới trong các cơ quan...

Năm 2008, Chính phủ cũng đã ban hành Luật thúc đẩy những phụ nữ bị gián đoạn năng lực cạnh tranh tham gia hoạt động kinh tế với việc mở rộng hỗ trợ phụ nữ tìm việc sau khi kết hôn, sinh con, mở rộng đào tạo nghề cho phụ nữ bị gián đoạn năng lực cạnh tranh; chính sách tuyển dụng bình đẳng và dung hòa gia đình và công việc nhằm bảo vệ người mẹ - quy định người mẹ được nghỉ 3 tháng phép trước và sau khi sinh; chế độ nghỉ phép để nuôi con nhỏ, nghỉ phép để chăm sóc gia đình, giảm thời gian làm việc cho người nuôi con nhỏ; chế độ làm việc linh hoạt, việc làm chính quy theo giờ...

Ngoài ra còn có các luật và kế hoạch cơ bản hỗ trợ nữ nông dân năm 1998 như: Tập huấn cho nữ nông dân, đào tạo nữ lãnh đạo, điều tra tình hình sản xuất; phúc lợi xã hội cho nông dân nữ, bảo vệ người mẹ. Các luật và kế hoạch cơ bản hỗ trợ nữ doanh nhân năm 1998 như: Hỗ trợ vốn thành lập doanh nghiệp, hỗ trợ về đầu ra, tiêu thụ sản phẩm của doanh nhân nữ; vận hành các trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nữ.

Chính sách mở rộng việc làm có lựa chọn giờ làm việc năm 2013 với mục tiêu tỉ lệ tuyển dụng lao động nữ là 70%; tăng tỉ lệ tuyển dụng lao động nữ từ 53,5% lên 61,9% (đến năm 2017); tăng lượng lao động nữ làm các việc làm thường xuyên theo giờ lên 2.420.000 người...

Chính sách hỗ trợ lao động nữ khoa học kỹ thuật đạt được những kết quả rất tích cực. Trong lĩnh vực này, Chính phủ ban hành Luật Tăng cường và Hỗ trợ phụ nữ làm khoa học và kỹ thuật năm 2002, trên cơ sở đó xây dựng Kế hoạch cơ bản tăng cường và hỗ trợ phụ nữ trong khoa học và công nghệ theo từng giai đoạn 5 năm từ năm 2004. Những chính sách này do Bộ Giáo dục, Khoa học và Công nghệ quản lý và thực hiện.

Các nội dung chính bao gồm: Hướng nữ sinh viên gia nhập lĩnh vực khoa học kỹ thuật, bồi dưỡng và hỗ trợ lao động nữ làm việc trong lĩnh vực này; hỗ trợ kinh phí nghiên cứu cho các cá nhân ưu tú; thành lập trung tâm hỗ trợ nữ lao động làm trong lĩnh vực này trên toàn quốc (WISET); khuyến khích chế độ tuyển dụng và thăng tiến cho lao động nữ trong các trường đại học và cơ quan nghiên cứu; thực hiện hỗ trợ lao động nữ trong lĩnh vực này chưa tìm được việc hay năng lực cạnh tranh giảm do gián đoạn việc làm.

Đáng chú ý còn là Dự án 3W gồm: Phụ nữ trong Khoa học và Kỹ thuật (WISE) năm 2001, Phụ nữ trong kỹ thuật (WIE) năm 2006 và Nâng cao năng lực lãnh đạo cho nghiên cứu sinh thông qua việc thực hiện các dự án nghiên cứu (WATCH 21) được thực hiện từ năm 2004.

Dự án 3W được ngân sách Chính phủ hỗ trợ 3 tỷ đô la Mỹ hàng năm, nhằm tăng tỷ lệ nữ tiến sỹ khoa học và kỹ thuật từ 16,3% năm 2004 lên 20,8% vào năm 2008. Năm 2013, số nữ tiến sỹ ước tính tăng thêm 1.000 người.

Để nâng cao tỉ lệ nữ giáo sư trong các trường công lập trên toàn quốc, Hàn Quốc đề ra chính sách tuyển dụng nữ giáo sư tại các trường công lập năm 2003.

Các trường hàng năm phải xây dựng Kế hoạch thực hiện bình đẳng giới. Từ năm 2005, Hàn Quốc hỗ trợ thành lập và vận hành Trung tâm phát triển việc làm cho nữ sinh viên trong các trường đại học trên cả nước; hỗ trợ nữ sinh về nhận thức giới, con đường lập nghiệp, phát triển nghề nghiệp; và đặt ra kế hoạch bồi dưỡng 100.000 nữ nhân tài trong giai đoạn 2013-2017.

 

Bên cạnh đó, với mục tiêu tăng cường số lượng cũng như chất lượng nguồn nhân lực nữ trong các cơ quan chính phủ, Hàn Quốc đã thành lập Học viện phụ nữ đào tạo tập trung các ngành chuyên môn, bao gồm cả lĩnh vực kinh doanh doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Ngoài ra, còn có thể kể đến một loạt chính sách hướng tới đối tượng lao động nữ: Chính sách dung hòa gia đình và công việc; Luật tạo môi trường thân thiện với gia đình; Luật nuôi dạy con; Chính sách về việc mở rộng các cơ sở nuôi dạy công lập, nuôi dạy miễn phí… Các chính sách này cung cấp một số chế tài như chế độ chứng nhận doanh nghiệp thân thiện với gia đình, chế độ bảo hiểm điều dưỡng lâu dài, các quy định giảm nhẹ gánh nặng về nuôi dạy con, thực hiện mở rộng dịch vụ chăm sóc trẻ, hỗ trợ bảo hiểm điều dưỡng lâu dài…

Thực tế cho thấy chính sách hỗ trợ lao động nữ đã đi đúng hướng, đồng thời vai trò của Chính phủ trong việc ban hành luật đi đôi với hỗ trợ ngân sách thực hiện là rất cần thiết.

PNVN

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video