Bị bệnh viện trả về, cô giáo dạy sử quyết tâm khởi nghiệp với cây dược liệu

23/08/2020
Cao an xoa, giúp hỗ trợ phòng và điều trị các bệnh về gan cùng nhiều sản phẩm dược liệu khác như cao gắm, cao bổ máu, trà an xoa, tinh dầu sả, dầu gội thảo dược, mặt nạ thảo dược... là những sản phẩm khởi nghiệp chứa đầy tâm huyết của cô giáo Hà Thị Thuận, khối phố 8, thị trấn Phù Yên, tỉnh Sơn La.
Chị Hà Thị Thuận, Giám đốc HTX Uyên Thuận, tỉnh Sơn La

Sinh ra trong gia đình truyền thống có mẹ làm thuốc nam, từ khi lọt lòng, Hà Thị Thuận đã được sống cùng với mùi hương dược liệu. Nhưng không chọn theo con đường của mẹ, chị chọn học chuyên ngành lịch sử, Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Bắc và trở thành cô giáo dạy sử tại Trường THCS Tường Hạ cho đến nay. Nhưng với miền đam mê và tình yêu dành cho cỏ cây, thảo mộc, bất kỳ lúc nào rảnh, chị lại cùng mẹ đi hái cây, lá thuốc. 

Thử nghiệm trên chính bản thân mình

Năm 2010, chị Hà Thị Thuận bị bệnh xơ gan. Bệnh nặng đến mức bệnh viện trả về. Nhưng trong thâm tâm chị luôn tin tưởng, mình có thể tự chữa bệnh cho mình bằng những loại dược liệu của quê hương. Chị Thuận nhớ lại: "Tìm tòi và học hỏi, biết cây an xoa là bài thuốc chữa bệnh gan, tôi đã tự lên rừng tìm hái và mang về uống thử. Lúc đầu, do chưa sử dụng đúng cách, chỉ dùng nguyên liệu sấy khô để uống nên bệnh tình chưa có nhiều tiến triển". 

Không đầu hàng, chị tiếp tục nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm từ những người có chuyên môn trong ngành y. Đến cuối năm 2015, tình cờ được biết thêm về cây nấm linh xanh có tác dụng hỗ trợ, điều trị bệnh gan, chị Thuận đã mang về nghiên cứu, kết hợp cùng với cà gai leo và cây an xoa, bào chế thành cao rồi tự thử nghiệm thuốc trên chính bản thân mình. Thấy sức khỏe tốt hơn hẳn, kết quả khám định kỳ cho thấy bệnh tình giảm đi rất nhiều, chị Thuận quyết định phát triển sản phẩm cao an xoa để mang đến cơ hội chữa bệnh từ dược liệu cho những người bị bệnh như mình. 

Sản phẩm khởi nghiệp từ cây an xoa của chị Hà Thị Thuận.

"Để ra đời một sản phẩm cao an xoa hoàn chỉnh, cần phải trải qua một quá trình thử nghiệm dài. Không biết bao nhiêu lần phải đổ bỏ cả mẻ nguyên liệu đi vì sản phẩm nấu ra không đạt chất lượng như mong muốn", chị Hà Thị Thuận cho biết. 

Năm 2017, sản phẩm cao an xoa của chị Thuận đã được Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia, Viện Công nghệ sinh học và Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ y tế công nhận đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và cấp Bằng sáng chế, quyền sở hữu trí tuệ.

Dần theo thời gian, càng ngày sản phẩm cao an xoa càng được nhiều người biết đến và sử dụng. 

Để phát triển và mở rộng hơn, tháng 7/2019, chị Thuận quyết định thành lập hợp tác xã (HTX) hóa dược và dược liệu Uyên Thuận và nghiên cứu ra thêm nhiều loại dược liệu như: cao gắm, cao bổ máu, trà an xoa, tinh dầu sả, dầu gội thảo dược, mặt nạ thảo dược... Các sản phẩm của hợp tác xã đã có mặt ở một số nhà thuốc, phòng khám và các đại lý, nhà phân phối trên khắp cả nước như: Hà Nội, Sài Gòn, Nghệ An, Bình Phước…  

Là một trong những đơn vị tiên phong trong sản xuất dược liệu sạch trên địa bàn tỉnh Sơn La, chị Hà Thị Thuận đang từng bước xây dựng HTX phát triển các vùng dược liệu và sản phẩm sạch. Tất cả quy trình của HTX từ sản xuất, chế biến, bảo quản đều chú trọng đến yếu tố bảo vệ môi trường. Theo những người đứng đầu HTX, đây là tiền đề để sản xuất các sản phẩm từ dược liệu sạch, an toàn, hiệu quả.

Chị Hà Thị Thuận dành nhiều thời gian nghiên cứu sản phẩm dược liệu tạo nguồn thu nhập cho bà con tại huyện Phù Yên, Sơn La.

Để bảo đảm nguồn nguyên liệu, chị Thuận liên kết người dân trồng theo hướng VietGAP. Ngoài khâu chọn giống, chọn đất, nuôi trồng, chăm sóc thì thời vụ, thu hoạch, phương pháp thu hái, chế biến, bảo quản giữ vai trò quan trọng, quyết định chất lượng dược liệu. Hiện nay, chị đã phát triển được vùng dược liệu ở xã Huy Bắc, Bắc Phong (Phù Yên) và liên kết phát triển vùng nguyên liệu ở huyện Tân Sơn (Phú Thọ), với tổng diện tích trên 30 ha.

Song song với đó, chị cũng đầu tư máy móc và khu vực nhà xưởng tinh chiết theo hướng hiện đại, khép kín theo quy trình một chiều để thuận tiện cho đường đi của nguyên liệu trong quá trình sản xuất. Không dừng lại ở việc kinh doanh, chị Thuận còn cấp phát thuốc, chữa bệnh miễn phí cho những người có hoàn cảnh khó khăn, bị bệnh nặng không có điều kiện đến bệnh viện chữa trị.

Bằng niềm đam mê dành cho dược liệu, cô giáo Hà Thị Thuận đang góp phần gìn giữ và phát triển những cây thuốc quý của tỉnh Sơn La và giúp ích cho những người xung quanh mình. 

Bí quyết khởi nghiệp của chị Hà Thị Thuận:

- Dành cả tâm huyết vào sản phẩm.

- Kiên trì, bền bỉ theo đuổi đam mê của mình.

- Sản xuất bền vững và vì cộng đồng mới là con đường khởi nghiệp ý nghĩa nhất.

PNVN

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video