Báo cáo của Quốc hội Việt Nam tại Hội nghị AIPO

06/07/2006
Tại Hội nghị chuyên đề AIPO về hợp tác lập pháp trong phòng, chống buôn bán phụ nữ và trẻ em, bà Nguyễn Thị Hoài Thu, Chủ nhiệm Uỷ ban Các Vấn đề Xã hội của Quốc hội Việt Nam đã trình bày Báo cáo của Quốc hội Việt Nam về phòng ngừa và đấu tranh, trừng phạt tộiphạm buôn bán phụ nữ, trẻ em ở Việt Nam, nhu cầu cấp thiết về tăng cường hợp tác quốc tế. Trang Web Hội LHPN Việt Nam xin trân trọng giới thiệu với độc giả nội dung bản báo cáo.



Báo cáo về phòng ngừa và đấu tranh, trừng phạt tội phạm

buôn bán phụ nữ, trẻ em ở Việt Nam, nhu cầu cấp thiết về tăng cường hợp tác quốc tế

----------------------------- 
 

I- Tình hình buôn bán Phụ nữ, trẻ em

Từ năm 1998 đến nay, cả nước đã phát hiện 4.527 phụ nữ, trẻ em (PNTE) bị buôn bán (trong đó có 3.862 PNTE bị bán ra nước ngoài và 665 PNTE bị buôn bán trong nước), với 70% số PNTE bị bán sang Trung Quốc, số còn lại bị bán sang Campuchia. Gần đây qua đấu tranh đã phát hiện một số đường dây buôn bán PNTE sang Cộng hoà Séc, Nga, Malaisia, Thái Lan, Ma Cao, Hồng Kông, Hàn Quốc… 6.418 PNTE vắng mặt lâu ngày tại địa phương nghi đã bị bán ra nước ngoài. Riêng năm 2005, phát hiện xảy ra 209 vụ với 344 đối tượng, có 449 PNTE bị buôn bán ra nước ngoài. Tiềm ẩn tội phạm còn rất lớn, nhiều đường dây tội phạm còn hoạt động ngầm, liên quan đến nhiều địa phương, xuyên quốc gia, chưa có điều kiện đi sâu khám phá và bóc gỡ.

Số phụ nữ, trẻ em bị buôn bán ra nước ngoài ngày một gia tăng, chủ yếu phục vụ hoạt động mại dâm, hôn nhânép buộc hoặc giúp việc gia đình với thời gian lao động quá sức. Nhiều phụ nữ, trẻ em đã trở thành hàng hoá được rao bán trên các kênh truyền hình hoặc chợ lao động ở nước ngoài.

Qua phân tích số PNTE bị bán ra nước ngoài cho thấy:

+ Về độ tuổi: dưới 16 tuổi chiếm 5%, trên 16 tuổi chiếm 95%;

+ Về nghề nghiệp: 63% làm ruộng, 33% không có nghề nghiệp hoặc làm nghề tự do; 4% là học sinh, sinh viên.

+ Về hoàn cảnh gia đình: 88% kinh tế khó khăn, 11,7% kinh tế trung bình, 0,3% kinh tế khá;

Thủ đoạn của bọn tội phạm nổi lên hiện nay là:

- Lợi dụng số phụ nữ, trẻ em ở các vùng nông thôn nghèo có trình độ văn hoá thấp kém, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, thất nghiệp, thiếu việc làm bằng những lời đường mật như hứa tìm việc làm thích hợp nhẹ nhàng ở đô thị với mức lương ổn định, sau đó tìm mọi cách đưa qua biên giới để bán cho các chủ chứa hoặc các tổ chức tội phạm ở nước ngoài.

- Lợi dụng sơ hở trong tư vấn môi giới hôn nhân với người nước ngoài, cho nhận con nuôi, du lịch, thăm thân, đi hợp tác lao động để lừa gạt đưa số phụ nữ, trẻ em ra nước ngoài bán.

- Lợi dụng chính sách mở cửa và hội nhập của Việt Nam thông qua tiếp xúc, làm quen với phụ nữ, trẻ em, tạo mối quan hệ thân thiện, thậm chí “yêu nhau”. Sau một thời gian quan hệ, hứa hẹn, làm tin, chúng lừa nạn nhân đi du lịch nước ngoài về sẽ tổ chức cưới – khi sang đến nước ngoài chúng bán ngay cho các đối tượng cò mồi đã chờ sẵn.

- Đặc biệt bọn tội phạm tích cực lợi dụng công nghệ viễn thông hiện đại để hoạt động phạm tội. Che mắt các cơ quan thực thi pháp luật, thiết lập các đường dây buôn bán, các đường dây gái gọi qua mạng, qua điện thoại di động, tổ chức các chuyến du lịch tình dục xuyên quốc gia.

- Đối với tuyến biên giới Việt – Trung bọn tội phạm thường lừa gạt các cô gái dưới danh nghĩa giúp họ tìm việc làm, rủ đi làm ăn, buôn bán, mang vác hàng hoá, đi du lịch, thăm thân.

- Ở tuyến biên giới Tây Nam chúng lợi dụng địa bàn qua lại biên giới thuận tiện, chúng dễ dàng lừa gạt đưa số phụ nữ, trẻ em qua các sông ngòi, kênh rạch, các đường hẻm nhằm tránh sự kiểm soát của cơ quan pháp luật. Khi sang đếnCampuchia, chúng bán ngay số phụ nữ, trẻ em cho các nhà chứa – một số được bán sang nước thứ ba như Thái Lan, Malaixia…

II- Chính sách, pháp luật hiện hành về phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm buôn bán PNTE

Ở Việt Nam cũng như các nước trên thế giới và trong khu vực, tình hình buôn bán phụ nữ, trẻ em đang là một thách thức, ngày càng diễn ra rất phức tạp và trở thành vấn nạn. Đây là vấn đề mà Đảng và Nhà nước Việt Nam rất quan tâm. Việt Nam đã xây dựng một hệ thống pháp lý ổn định, mang tính phòng ngừa nhằm bảo vệ quyền con người, đồng thời có hệ thống chế tài đối với các hành vi liên quan đến buôn bán phụ nữ, trẻ em gồm chế tài hình sự, hành chính, dân sự được áp dụng với các vi phạm trong lĩnh vực này. Nhà nước Việt nam đã thể hiện rõ quan điểm của mình là chăm lo cho con người, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mọi người, tôn trọng và thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập. Hiến pháp 1992 đã thể hiện toàn diện các quyền cơ bản của con người về dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hoá và các quyền khác đó được quy định cụ thể hơn trong nhiều luật có liên quan.

Bên cạnh đó Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em từ năm 2004 đến năm 2010, trong đó bao gồm 4 đề án: 1- tuyên truyền, giáo dục trong cộng đồng về phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em; 2- Đấu tranh chống tội phạm buôn bán phụ nữ , trẻ em; 3- Tiếp nhận và hỗ trợ những phụ nữ và trẻ em là nạn nhân bị buôn bán từ nước ngoài trở về; 4- Xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em.

1. Về phòng ngừa buôn bán phụ nữ, trẻ em:

Việt nam có một hệ thống pháp luật bảo đảm việc thực hiện quyền của con người, đặc biệt phụ nữ, trẻ em để giảm thiểu các yếu tố nguy cơ bị buôn bán, cụ thể như:

Bộ Luật Dân sự bảo đảm các quyền của công dân, của phụ nữ, trẻ em, thực hiện bình đẳng giới trong các giao dịch dân sự, trong các quan hệ tài sản và nhân thân phi tài sản.

Luật hôn nhân và gia đình có các quy định về việc phòng ngừa các điều kiện, nguyên nhân, hoàn cảnh dẫn đến buôn bán phụ nữ và trẻ em như vấn đề kết hôn, nuôi con nuôi, đặc biệt là nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài, chăm sóc, cấp dưỡng con khi cha mẹ ly hôn ....

Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em nhấn mạnh đến việc bảo vệ trẻ em khỏi các nguy cơ trở thành nạn nhân bị lạm dục tình dục, sức lao động, bị buôn bán ...

Bộ luật lao động quy định cấm ngược đãi, cưỡng bức người lao động, lạm dụng sức lao động của người chưa thành niên; các tiêu chuẩn về lao động (độ tuổi lao động, lương tối thiểu, thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, nghỉ ốm, làm thêm; điều kiện làm việc,…) và việc thanh tra, kiểm tra sử dụng lao động để phòng, chống việc lạm dụng, bóc lột sức lao động.

Pháp lệnh phòng, chống mại dâm: nghiêm cấm các hoạt động mua dâm, bán dâm và các hoạt động tiếp tay cho mại dâm; các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm chỉ được hoạt động khi có đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, hiện nay Quốc hội đang xem xét 3 dự án Luật rất quan trọng, sẽ có tác động giảm thiểu các yếu tố dẫn đến buôn bán người đó là: Luật đưa người Việt nam đi lao động ở nước ngoài, Luật bình đẳng giới Luật phòng, chống bạo lực trong gia đình.

Ngoài các các luật nêu trên, Việt Nam đã ban hành và thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xoá đói giảm nghèo, giải quyết việc làm và Đề án thứ nhất về tuyên truyền, giáo dục trong cộng đồng về phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em trong Chương trình hành động phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em từ năm 2004 đến năm 2010. Công tác phòng, chống tội phạm BBPNTE mang tính xã hội cao do vậy công tác tuyên truyền giáo dục phòng, chống tội phạm BBPNTE dưới mọi hình thức, đặc biệt là trên các phương tiện thông tin đại chúng, được coi là biện pháp quan trọng trong chiến lược phòng ngừa, ngăn chặn, hạn chế sự gia tăng tội phạm BBPNTE, quán triệt phương châm “phòng ngừa là cơ bản” song phải đổi mới nội dung phương pháp, hình thức tuyên truyền cho phù hợp lứa tuổi, vùng miền để tất cả mọi người dân đều nhận thức được, chủ động phòng ngừa và có trách nhiệm với xã hội.

2. Về đấu tranh với tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em

Việt Nam có hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực về an ninh trật tự và an toàn xã hội để bảo vệ phụ nữ, trẻ em, trừng phạt nghiêm khắc các hành vi xâm hại đến sức khoẻ, nhân phẩm của phụ nữ, trẻ em.

Theo quy định của Bộ luật hình sự thì mua bán phụ nữ, trẻ em được xác định là những tội phạm hết sức nghiêm trọng, nên hình phạt này được quy định rất nghiêm khắc: phạt tù 7 năm đối với tội mua bán phụ nữ và phạt tù 10 năm đối với tội mua bán trẻ em; phạm tội trong các trường hợp có tình tiết tăng nặng như có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, mua bán phụ nữ, trẻ em vì mục đích mại dâm, để đưa ra nước ngoài hoặc mua bán trẻ em để sử dụng vào mục đích vô nhân đạo thì hình phạt có thể lên đến 20 năm tù tội mua bán phụ nữ và 30 năm tù hoặc tù chung thân với tội mua bán trẻ em; ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 1 năm đến 5 năm. Bên cạnh đó Bộ luật hình sự còn quy định các tội danh khác có thể được áp dụng để trừng trị những hành vi tiếp tay, hỗ trợ cho các hoạt động buôn bán phụ nữ, trẻ em (các tội về giả mạo giấy tờ, xâm phạm thân thể, danh dự, nhân phẩm; chứa, môi giới mại dâm; mua dâm người chưa thành niên; vi phạm các quy chế về khu vực biên giới; tổ chức, cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép…).

Ngoài ra, pháp luật xử lý vi phạm hành chính có những quy định cụ thể việc xử lý đối với các hành vi liên quan đến buôn bán người mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự trong các lĩnh vực như mại dâm, lao động cưỡng bức, xuất cảnh, nhập cảnh trái phép, tổ chức, cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài ... Việc quy định hành vi vi phạm hành chính và hình thức xử phạt đối với từng hành vi vi phạm hành chính cụ thể thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Chế tài hành chính đối với hành vi buôn bán người và các hành vi vi phạm khác có liên quan còn được thể hiện ở chính sách xử lý nghiêm khắc đối với hành vi vi phạm trong những trường hợp có tình tiết tăng nặng, trong đó có tình tiết nhằm trừng phạt nghiêm khắc hành vi phạm tội xâm hại đến phụ nữ có thai hoặc trẻ em.

Để tăng cường việc phát hiện, điều tra tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em, trong Chương trình hành động phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em từ năm 2004 đến năm 2010 có Đề án thứ hai về đấu tranh chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em. Thực hiện đề án này Bộ Công an đã thành lập Bộ phận chuyên trách trong Tổng cục cảnh sát và Bộ Quốc phòng đã giao nhiệm vụ cho Cục trinh sát đội biên phòng.

3. Về hợp tác quốc tế trong phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em:

Do tính chất hoạt động xuyên quốc gia của tội phạm BBPNTE và sự cần thiết phối hợp với các nước, nhất là các nước láng giềng trong khu vực, thời gian qua, các Bộ, ngành của Việt Nam đã tăng cường phối hợp chặt chẽ với các tổ chức quốc tế như: UNICEF, ILO, IOM, UNODC, UNIAP… Đặc biệt Việt Nam đã tham gia các hoạt động của Chương trình hành động về phòng, chống buôn bán người của tiểu vùng sông MêKông từ năm 2005- 2007 (COMMIT).

Việt Nam đã ký Hiệp định về hợp tác phòng, chống tội phạm, trong đó có tội phạm buôn bán người với các nước Cam-pu-chia, Myanma, Trung Quốc, úc (Tuyên bố chung). Năm 2005, Chính phủ Việt Nam ký Hiệp định phòng, chốngbuôn bán người với Campuchia. Sắp tới, Hiệp định hợp tác song phương giữa Việt Nam - Thái Lan về loại trừ buôn bán phụ nữ, trẻ em và hỗ trợ nạn nhân sẽ được ký kết. Đặc biệt, Việt Nam và Trung quốc đã phối hợp tổ chức đợt cao điểm phòng, chống tội phạm BBPNTE trên tuyến biên giới Việt- Trung trong quý 3/2005, đã tạo nên quan hệ hợp tác ngày càng chặt chẽ và có hiệu quả giữa các cơ quan chức năng hai nước Việt Nam và Trung Quốc về phòng, chống buôn bán phụ nữ trẻ em.

4. Một số bất cập:

- Pháp luật hiện hành về phòng chống buôn bán phụ nữ, trẻ em đang được quy định ở rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau .

- Luật chưa có định nghĩa rõ ràng về buôn bán phụ nữ, trẻ em. Khái niệm buôn bán phụ nữ và trẻ em chỉ bao gồm 2 hành vi mua và bán vì mục đích tư lợi, không bao gồm các hành vi tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp, tiếp nhận. Khái niệm này còn khác nhiều so với khái niệm “buôn bán người” được quy định trong Nghị định thư về phòng, chống buôn bán người bổ sung cho Công ước về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia.

-Pháp luật về lao động chưa có định nghĩa bóc lột sức lao động; chưa quy định các tiêu chuẩn về lao động giúp việc gia đình.

- Sự hợp tác với các nước còn hạn chế do sự khác biệt về pháp luật, đặc biệt là thiếu các hiệp định tương trợ Tư pháp trong phòng, chống tội phạm buôn bán người.

III- Một số kiến nghị về tăng cường sự hợp tác lập pháp trong phòng ngừa, đấu tranh chống tộiphạm buôn bán phụ nữ, trẻ em và

Buôn bán phụ nữ, trẻ em là vấn đề xã hội phức tạp giải quyết vấn đề nàykhông chỉ phụ thuộc vào nỗ lực của mỗi quốc gia mà cần sự phối hợp tốt giữa các quốc gia (nơi nạn nhân đi, nơi trung chuyển và nơi nạn nhân bị bóc lột).

Việt Nam và một số nước trong khu vực có hệ thống pháp luật hiện hành về phòng chống buôn bán phụ nữ, trẻ em đang được quy định ở rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau. Khái niệm về buôn bán người, đặc biệt buôn bán phụ nữ, trẻ em, cũng như các quy định về tố tụng còn khác nhau.

Đoàn Việt Nam đề nghị Nghị viên các nước trong khu vực rà soát lại hệ thống luật pháp của mình, tiến tới việc sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng luật mới cho phù hợp với với luật pháp quốc tế, tạo cơ sở pháp lý thống nhất, vững chắc để thúc đẩy và nâng cao hiệu quả của hoạt động hợp tác quốc tế trong phòng chống buôn bán phụ nữ, trẻ em.

Đề thúc đẩy quá trình trên, trong khuôn khổ hoạt động của AIPO, chúng tôi đề nghị hình thành Dự án về hợp tác lập pháp giữa Nghị viện các nước ASEAN trong phòng chống buôn bán người, đặc biệt phụ nữ, trẻ em, với một số ý tưởng chính như sau:

- Các hoạt động:

+ Trao đổi các đoàn nghiên cứu kinh nghiệm giữa Nghị viện các nước về xây dựng, hoàn thiện pháp luật về phòng, chống buôn bán người, đặc biệt phụ nữ, trẻ em;

+ Tổ chức/cử đạidiện tham dự các hội nghị, hội thảo, tập huấn chuyên đề

+ Mỗi nước thành lập nhóm nghị sỹ về phòng, chống buôn bán PNTE?.

+ Hằng năm các nước thành viên trình báo cáo tiến độ hoàn thiện pháp luật lên Đại hội đồng AIPO.

- Kinh phí thực hiện: Tài trợ của các tổ chức quốc tế (UNIAP,…), tài trợ của các nước ngoài khu vực và sự đóng góp của các quốc gia thành viên AIPO.

- Thời gian: từ 2007-2010.

Chúng tôi trân trọng đề nghị các nước quan sát viên và các tổ chức quốc tế tham dự hội nghị hôm nay ủng hộ những sáng kiến tăng cường sự hợp tác lập pháp trong AIPO nhằm góp phần chặn đứng và tiến tới đẩy lùi việc buôn bán người, đặc biệt phụ nữ, trẻ em./.

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video