Báo động trẻ em bị xâm hại ngay tại gia đình, trường học

28/04/2020
Sáng 27/4, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” theo Nghị quyết số 81/2019/QH14 ngày 14/6/2019 của Quốc hội. Báo cáo sẽ được Quốc hội thảo luận, ra Nghị quyết vào Kỳ họp thứ 9 tới đây.
Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VGP

Chưa được phát hiện kịp thời khi trẻ em bị xâm hại

Đoàn giám sát cho biết, theo Báo cáo của Chính phủ, giai đoạn từ 2015 đến 2019, có 8.442 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, xử lý, với 8.709 trẻ em bị xâm hại. Trong đó, có 6.432 trẻ bị xâm hại tình dục; 857 trẻ bị bạo lực; 106 trẻ bị mua bán, bắt cóc, chiếm đoạt; 1.314 trẻ bị xâm hại bằng các hình thức khác. Trong các vụ xâm hại này thì phổ biến nhất, để lại hậu quả nặng nề, gây bức xúc dư luận nhất là xâm hại tình dục, chiếm 75,4% tổng số vụ xâm hại trẻ em. Nhiều địa phương, số vụ xâm hại tình dục trẻ em chiếm trên 90% như: Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang, Đồng Nai...

Một điểm đáng lưu ý là qua giám sát tại một số địa phương cho thấy, đối tượng xâm hại trẻ em là người ruột thịt, người thân thích và người quen biết với trẻ có xu hướng gia tăng, chiếm trên dưới 90%. Đoàn giám sát cũng dẫn số liệu từ Chính phủ cho thấy, trong giai đoạn này có 337 trẻ bị tử vong (trong đó 191 trẻ bị giết, 146 trẻ bị các hình thức xâm hại khác dẫn đến tử vong); 418 trẻ có thai do bị xâm hại tình dục; 193 trẻ bị rối loạn tâm thần...

"Qua giám sát cho thấy, còn nhiều trường hợp trẻ em bị xâm hại nhưng chưa được phát hiện kịp thời, đầy đủ để xử lý, nhất là các hành vi bạo lực gây tổn hại về thể chất và tinh thần cho trẻ em; đồng thời công tác theo dõi, thống kê tình hình trẻ em bị xâm hại chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến, số vụ xâm hại trẻ em được phát hiện và xử lý nêu trong các báo cáo chưa phản ánh đầy đủ tình hình thực tế”, báo cáo chỉ rõ.

Mô hình Ngôi nhà Bình yên được vận hành khá hiệu quả

Báo cáo cũng nêu rõ nêu rõ, gia đình vốn được xem là môi trường an toàn nhất với trẻ em, song vừa qua xảy ra nhiều vụ xâm hại trẻ em ngay tại gia đình. Nhiều địa phương, trẻ em bị xâm hại bởi chính người ruột thịt, người thân thích chiếm tỉ lệ cao như: Hà Tĩnh 67,6%, Hà Nội 51,9%, Bà Rịa-Vũng Tàu 33%... Theo thống kê của Tổng đài 111 (trong tổng số các cuộc gọi đến), số vụ bạo lực trẻ em do người thân trong gia đình gây ra chiếm tới 65,88%.

Trong giai đoạn 2015 - 2019, các địa phương đã hỗ trợ, can thiệp cho 8.337 trẻ em. 100% trẻ em bị xâm hại trong cơ sở giáo dục được áp dụng các biện pháp hỗ trợ, can thiệp. Tổng đài 111 đã hỗ trợ, can thiệp cho 2.033 ca trẻ em bị xâm hại. Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và các cấp Hội Phụ nữ tại địa phương đã hỗ trợ, can thiệp cho 1.952 trẻ em bị xâm hại. Mô hình Ngôi nhà Bình yên được vận hành khá hiệu quả. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tại 63 địa phương đã hỗ trợ, can thiệp cho 112 trẻ em bị xâm hại.

Trong nhà trường, xảy ra nhiều vụ xâm hại trẻ em. Trong đó có những vụ bạo lực học đường nghiêm trọng, có vụ gây bức xúc trong xã hội do giáo viên sử dụng các biện pháp bạo hành đi ngược lại với đạo đức nhà giáo; có những vụ nhiều học sinh đánh một học sinh. Đáng lưu ý, một số vụ thầy giáo, nhân viên cơ sở giáo dục xâm hại tình dục học sinh, có những vụ diễn ra trong thời gian dài, gây lo lắng, bức xúc trong xã hội.

Về môi trường xã hội, nhiều trẻ em chưa được gia đình, nhà trường trang bị những kiến thức cơ bản về việc sử dụng internet, mạng xã hội an toàn. Công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu. Cùng với sự phát triển của du lịch, nhiều khách quốc tế đến Việt Nam, trong đó có cả đối tượng đã có án tích về xâm hại trẻ em nhưng biện pháp quản lý, giám sát chưa thật chặt chẽ dẫn đến nguy cơ xâm hại trẻ em trong hoạt động du lịch, đặc biệt là xâm hại tình dục. Nhiều địa phương chưa quan tâm bố trí đất đai, đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao cho trẻ em.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trẻ em bị xâm hại chưa được áp dụng biện pháp can thiệp. Một số địa phương chủ yếu tiến hành thăm hỏi, động viên, tặng quà mà chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp can thiệp như chăm sóc y tế, trị liệu tâm lý để giúp trẻ sớm hòa nhập cộng đồng.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày Báo cáo giám sát. Ảnh: VGP/Lê Sơn.

Chính quyền cơ sở, nhà trường chưa làm hết trách nhiệm

Thảo luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, trẻ em bị cưỡng bức lao động rất đáng chú ý vì theo Đoàn Giám sát thì đây là số liệu lớn nhất. Tiếp đó là đến xâm hại tình dục trẻ em và  bạo lực đối với trẻ em. “Khi phát hiện xử lý kịp thời là đúng rồi, nhưng quan trọng là bảo vệ trẻ em để tình trạng xâm hại không xảy ra nữa. Có những vụ trẻ em bị bạo lực, kêu khóc hàng ngày mà chính quyền không biết, nhà trường không biết…Chính vì vậy, phải nhấn mạnh đến trách nhiệm của chính quyền cấp cơ sở”, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, số liệu của Đoàn giám sát cho thấy một số vấn đề rất lớn, đáng quan tâm nên báo cáo cần phân tích kỹ hơn. Cùng với đó phải đánh giá thêm về công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý của cơ quan chức năng, nhất là vai trò chính quyền cơ sở. “Thực tế nhiều vụ việc chỉ được phát hiện xử lý khi báo chí phản ánh, khi có hậu quả xảy ra hay tố cáo. Khi đó chính quyền, cơ quan chức năng mới biết. Báo cáo cần kiến nghị rõ hơn về trách nhiệm”, ông Đỗ Bá Tỵ nói.

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung thì số liệu phản ánh về tình trạng gia tăng xâm hại trẻ em chưa đúng với thực tế vì xâm hại trẻ em có từ lâu nhưng gần đây, do nhận thức của xã hội tăng lên nên việc phát hiện, xử lý tình trạng xâm hại trẻ em tăng lên.  Nói về trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng trẻ em bị xâm hại, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh “hiện có vấn đề là chưa chỉ rõ trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra xâm hại trẻ em. Việc xâm hại xảy ra mọi chỗ, mọi thời gian nhưng chúng ta mới đang đi quản lý ban ngày nhưng việc xảy ra ban đêm, trong bóng tối. Ví dụ một đối tượng bảo vệ xâm hại 2-3 trẻ em ngay tại nhà trường nhưng trách nhiệm của hiệu trưởng đến đâu chưa xử lý”.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng, hệ thống pháp luật hiện nay của chúng ta đầy đủ nhưng tính răn đe chưa đủ. Trong khi đó, việc quản lý các đối tượng xâm hại trẻ em chưa chặt chẽ. Việc khởi tố, xử lý các vụ xâm hại trẻ em rất khó vì ranh giới đúng sai rất ngắn. Nhiều vụ nghe rất bức xúc nhưng chứng cứ rất khó để xử lý. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung viện dẫn việc xử lý đối với đối tượng Minh béo về hành vi xâm hại trẻ em và cho biết. “Tôi đề nghị, cũng nên nghiên cứu để quy định chặt chẽ hơn các đối tượng có hành vi này. Kể cả giao cho Chính phủ nghiên cứu Luật Phòng chống xâm hại trẻ em”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Có thể tuyên truyền qua mạng xã hội

Nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay, việc tuyên truyền về phòng ngừa xâm hại trẻ em còn chưa đạt yêu cầu, hiểu biết pháp luật về quyền, nghĩa vụ chăm sóc trẻ em cũng còn nhiều hạn chế.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh, gia đình là tế bào của xã hội, sự phát triển lành mạnh của trẻ em có vai trò rất lớn của người lớn, trong đó có cha mẹ, người thân, nhưng con số người lớn không rõ về luật là điều đáng lo lắng.

“Không biết luật thì làm sao thực hiện đúng luật! Không nắm rõ quy định thì vi phạm luật, thực hiện không đúng là tất yếu”, ông Đỗ Bá Tỵ nói và đề nghị cần có kiến nghị nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác tuyên truyền, giáo dục, nhất là về Luật Trẻ em, trong đó, nên có nhiều biện pháp tuyên truyền, kể cả qua mạng xã hội.

 

“Trẻ em có bao nhiêu quyền, nhiều cơ quan, đơn vị không nắm được, kể cả người dẫn chương trình về bảo vệ trẻ em cũng không nắm được”

 - Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung -

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng cho rằng, thời gian vừa qua, việc tuyên truyền nhiều phòng chống xâm hại trẻ em rộng nhưng chủ yếu mới đến người tốt, chứ chưa đến được người xấu. Thứ hai là chưa thẩm thấu được vì chưa nắm được những quy định cơ bản của Luật. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị nên có nhiều hình thức tuyên truyền như dành thời lượng giờ vàng trên truyền hình; tuyên truyền qua mạng xã hội, youtube... là những kênh nhiều người tham gia để nâng cao hiệu quả tuyên truyền.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định, hướng dẫn các em phòng tránh xâm hại thế nào rất quan trọng nhưng hiện ít chương trình để hướng dẫn kỹ năng cho người được bảo vệ và kể cả người bảo vệ trẻ em. Chính vì vậy, cần đưa ra giải pháp cụ thể, từng vùng, từng nơi để mọi người tiếp cận dễ dàng.

Theo: http://baochinhphu.vn/

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video