Bắc Ninh: Phụ nữ Đông Tiến với dự án Seda

06/11/2010
Vài năm trở lại đây, Đông Tiến trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế của huyện Yên Phong (Bắc Ninh). Một trong những nguyên nhân làm nên kết quả ấy là sự góp phần không nhỏ của nguồn vốn vay từ dự án SEDA.

Dự án SEDA được thực hiện từ năm 2007 tại các xã: Tam Giang, Đông Tiến, Hoà Tiến, Trung Nghĩa, Yên Phụ và thị trấn Chờ. Đối tượng hướng tới của SEDA là phụ nữ nghèo, cận nghèo, phụ nữ có con dưới 17 tuổi có nguy cơ bỏ học. Điều đặc biệt, dự án này còn ưu tiên cho học sinh, sinh viên vay vốn. Không thể kể hết được niềm vui của 320 hội viên Hội Phụ nữ Đông Tiến khi nhận được vốn vay từ dự án SEDA. Hội viên được vay nhiều nhất là gần 15 triệu, ít nhất là 4 triệu. Ngay sau khi nhận được vốn, chị em tập trung đầu tư chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh... mang lại hiệu quả cao, tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần xoá đói giảm nghèo.

Thành công của dự án là lồng ghép các hoạt động sử dụng vốn vay gửi tiền tiết kiệm hàng tháng và công tác truyền thông. Gửi tiền tiết kiệm hàng tháng của các thành viên vay vốn là bắt buộc, giúp cho các hội viên vay vốn có ý thức chi tiêu có kế hoạch, hàng tháng chị em có một khoản tiền nhỏ bỏ vào ống tiết kiệm với phương châm “tích tiểu thành đại”. Ban điều hành dự án huyện Yên Phong đã mở lớp tập huấn cho Ban quản lý dự án xã và 25 tổ trưởng về phương pháp truyền đạt kiến thức, lập kế hoạch kinh doanh, bổ sung kiến thức về sức khoẻ sinh sản, sinh đẻ có kế hoạch... Thông qua các đợt tập huấn giúp phụ nữ ngày càng nhận thức rõ hơn về bình đẳng giới, kỹ năng sống, biết hạch toán kinh tế, thực hành tiết kiệm trong chi tiêu gia đình và lao động sản xuất, trang bị kiến thức về khởi sự kinh doanh, tiếp cận thị trường, vấn đề an toàn vệ sinh lao động... Ngoài ra, Hội cũng có chính sách ưu tiên nguồn vốn tín dụng để hỗ trợ cho các mô hình của dự án như: Phát triển chuyển đổi mô hình trang trại, chăn nuôi bò sinh sản và các mô hình tạo việc làm cho nhiều lao động nữ... Nhờ vậy, nhiều chị em thuộc diện nghèo giờ đã có cuộc sống khá giả. Điển hình như gia đình chị Trương Thị Tuyết, thôn Đồng Thôn từ một hộ nghèo, nhờ nguồn vốn SEDA đến nay gia đình chị đã thoát nghèo, nuôi con thành đạt và có cuộc sống khá giả. Chị tâm sự “Khi dự án chưa triển khai, thu nhập của gia đình chỉ trên dưới 500 nghìn đồng/tháng. Năm 2007 được vay vốn của dự án SEDA, hơn 5 triệu đồng hộ nghèo và hơn 10 triệu đồng vốn vay học sinh, sinh viên, gia đình đã đầu tư trồng trọt, chăn nuôi. Hiện nay, gia đình chị thường xuyên nuôi 3 con lợn nái, 10 lợn thương phẩm và làm 2 mẫu ruộng, hơn 1 mẫu chuyên trồng rau, màu các loại. Trừ chi phí mỗi năm thu nhập từ 20 đến 40 triệu đồng. Sau 3 năm triển khai, dự án đã giúp cho hàng trăm phụ nữ thoát nghèo. Theo chị Trương Thị Nga, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Đông Tiến thì hầu hết các hội viên được tập huấn, dạy nghề, hướng dẫn cách làm ăn, tham quan học hỏi các mô hình ở nhiều địa phương và  được trợ giúp về vốn... nên có cơ hội phát triển kinh tế, tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo. Trước đây, xã Đông Tiến có đến hơn 200 hộ nghèo, thu nhập dưới 200 nghìn đồng/tháng, thì nay, con số ấy giảm hơn một nửa.

Dự án SEDA sẽ tiếp tục được Hội duy trì thực hiện, nhưng để tạo tính bền vững, Hội Phụ nữ huyện cần phối hợp cùng các cấp hội cơ sở nghiên cứu, tăng cường khai thác hỗ trợ kinh phí tổ chức nhiều hoạt động và nhân rộng các mô hình đã thực hiện ở nhiều địa phương. Hy vọng, đây là hướng mở tạo nhiều cơ hộ cho phụ nữ nông thôn thoát nghèo.

Bài, ảnh: Hà Linh
Báo Bắc Ninh

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video