Bà tiên Thụy Điển

29/03/2006
Nữ nghệ sĩ Thụy Điển Elisabeth Persson tới Việt Nam lần đầu năm 1997 để tìm hiểu nghệ thuật gốm, môn nghệ thuật sở trường của bà. Trong vòng chín năm sau đó, bà trở lại tất cả 15 lần để gắn bó với một công trình mà bà chưa hề hình dung khi đặt chân đến Việt Nam: giúp các em khiếm thị phát huy năng khiếu nghệ thuật của mình.

Ý tưởng thành hình từ lần đi xem các tác phẩm của họa sĩ Lê Duy Ứng, người nổi tiếng với bức chân dung Bác Hồ vẽ bằng máu khi hai mắt đã bị mù. Elisabeth nhận ra rằng mình thích các tác phẩm của họa sĩ Ứng sáng tác sau khi mất thị lực hơn là trước đó.

 

“Các tác phẩm đó giúp tôi hiểu rằng người nghệ sĩ dẫu mất đi đôi mắt, không có nghĩa mọi cánh cửa sẽ đóng sập xuống cuộc đời. Chỉ là họ đang mở một cánh cửa khác để cảm nhận thế giới xung quanh, có khi còn vẹn đầy hơn cả những người bình thường khác”.

 

Elisabeth nghĩ ngay tới việc giúp đỡ trẻ em khiếm thị phát triển cảm hứng nghệ thuật, để các em hiểu rõ hơn giá trị của bản thân mình. Với sự giúp đỡ của họa sĩ Thẩm Đình Tụ, bà tìm đến Trường Nguyễn Đình Chiểu ở Hà Nội. Ý tưởng xây dựng một môi trường nghệ thuật tại ngôi trường dành cho trẻ em khiếm thị này của bà được hoan nghênh nhiệt liệt. Nơi đó, các trẻ em khiếm thị có cơ hội học hỏi về nghệ thuật hội họa và sáng tạo. Bà luôn có niềm tin mạnh mẽ rằng giao lưu nghệ thuật là cách thức đầy nhân bản xây dựng tình thân ái và hiểu biết.

 

Elisabeth bắt tay vào xây dựng tại Trường Nguyễn Đình Chiểu một trường nghệ thuật thu nhỏ. Một thư viện máy tính cũng đã được thiết lập tại trường nhằm giúp các em đọc sách để nuôi dưỡng tâm hồn. Bà cũng đang ấp ủ ý tưởng mời các họa sĩ giàu kinh nghiệm đến trường để dạy cho các em. Tất cả những việc này không chỉ đòi hỏi nhiệt huyết mà còn cả nguồn lực tài chính.

 

Ở Thụy Điển, Elisabeth sống cũng không dư dả gì với công việc đi dạy tại các lớp nghệ thuật. Vậy mà vào năm 2000 khi cha bà qua đời, bà đã quyết định dùng toàn bộ số tiền thừa kế từ cha để thực hiện các dự án của mình tại Việt Nam.

 

“Khi được thừa hưởng số tiền của cha, tôi nghĩ ngay tới việc dùng nó với mục đích hiểu biết nhiều hơn về thế giới này chứ không chỉ giữ lại cho riêng mình. Và thật tình cờ đó lại là Việt Nam và các trẻ em khiếm thị của Việt Nam. Tôi hạnh phúc vì điều đó” - Elisabeth tâm sự.

 

Bà bỏ tiền đưa tranh của các em đi triển lãm tại Thụy Điển. Tháng 5-2005, bà tổ chức một đoàn bảy học sinh khiếm thị sang Thụy Điển giao lưu. Hoàng hậu Thụy Điển đã đón tiếp đoàn tại hoàng cung trong hơn một giờ. Các em đã có dịp biểu diễn văn nghệ và tặng hoàng hậu các bức tranh của mình.

 

Các học sinh khiếm thị Việt Nam cũng đã có cơ hội làm quen và hoạt động nghệ thuật cùng các bạn học sinh Thụy Điển. Elisabeth tâm sự: “Tôi vui mừng khi thấy niềm tin của mình hoàn toàn đúng đắn: nghệ thuật khiến con người phát triển đầy đủ hơn và giúp đưa con người đến với nhau, nghệ thuật giúp phát triển bản thân dù đó là những người bị thiệt thòi”.

 

Trong câu chuyện, Elisabeth dành nhiều thời gian nói về những người bạn Việt Nam đã tận tình giúp đỡ, về những nhà tài trợ khác như Sida (Cơ quan Phát triển quốc tế Thụy Điển), Công ty Comviq... Bà cũng kể nhiều về niềm vui của các em khiếm thị khi lần đầu được xuất ngoại, tiếng cười của các em khi cảm nhận hình vẽ bàn tay của chính mình nổi dần lên nhờ chiếc máy tạo hình mà bà cùng hai người bạn Thụy Điển vừa cất công mang sang Hà Nội tặng các em.

 

Ít có lời nào về cuộc sống riêng tư của bà và cả nỗi thiệt thòi bà đang gánh chịu: đôi mắt của bà cũng đang yếu dần thị lực.

Tuổi trẻ

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video