Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hoàng Ngân

22/02/2008
28 tuổi đời, hơn 15 năm cống hiến tuổi xuân cho Cách mạng, bà là tấm gương tiêu biểu cho ý chí “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Ghi nhận công lao đóng góp của bà, năm 2007 Chủ tịch nước đã ký quyết định truy tặng bà danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Nhân dịp ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 năm nay, T.W Hội LHPNVN tổ chức Lễ truy tặng danh hiệu cao quý cho liệt sỹ Hoàng Ngân - người nữ du kích nổi tiếng một thời, Bí Thư T.W Đoàn Phụ nữ cứu quốc Việt Nam.

 

Hoàng Ngân (tên thật là Phạm Thị Vân) sinh ra tại thành phố Hải Phòng, quê gốc TP. Nam Định. Cha bà là ông Phạm Trung Long rời Nam Định lên Hải Phòng lập nghiệp từ đầu thế kỷ 20. Lớn lên trong lúc phong trào chống Pháp mạnh mẽ, nhất là thời kỳ Mặt trận dân chủ (1936-1939), các phong trào đòi dân sinh dân chủ diễn ra sôi nổi ở Hải Phòng, bà đã sớm tham gia cách mạng, làm liên lạc cho Thành uỷ và Xứ uỷ Bắc Kỳ. Bà tích cực tham gia tổ chức Thanh niên dân chủ và rất được tín nhiệm. 17 tuổi (1938), bà đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Thông minh, hiểu biết, có đầu óc tổ chức, bà được giao nhiệm vụ xây dựng cơ sở quần chúng, hướng dẫn họ đấu tranh tại nhà máy Tơ, máy Chai, chợ Sắt... và trở thành người có tài vận động quần chúng công nhân và nhân dân lao động thành phố Hải Phòng đấu tranh chống thực dân Pháp. Bà được đảm nhiệm việc liên lạc giữa Xứ uỷ Bắc Kỳ với Trung ương và là một trong những cán bộ chủ chốt của Đảng bộ Hải Phòng.

 

Tháng 1/1941, bà bị địch bắt trong lần dự một cuộc họp quan trọng ở làng Vạn Phúc (Hà Đông) do đồng chí Hoàng Văn Thụ chủ trì. Bà bị địch kết án 12 năm tù và chuyển về giam tại nhà lao Hoả Lò, Hà Nội. 9/3/1945 – ngày Phát xít Nhật hất cẳng Đế quốc Pháp, lợi dụng tình hình nhộn nhạo, bà đã được tổ chức thoát khỏi nhà tù. Trong những ngày chuẩn bị Tổng khởi nghĩa, Hoàng Ngân tổ chức Đội nữ du kích Minh Khai tham gia tổng khởi nghĩa. Sau ngày Tổng khởi nghĩa, tháng 8/1945, bà được giao làm Thành uỷ viên, kiêm Bí thư Đoàn Phụ nữ cứu quốc thành phố Hà Nội.

 

Năm 1946, bà phụ trách dân vận và phụ nữ hai tỉnh Hải Dương và Hưng Yên – lúc đó phong trào đang sa sút. Sau khi vực dậy phong trào ở hai tỉnh này, bà được rút lên tham gia Thường vụ Khu uỷ Liên khu 3 và kiêm Trưởng các Ban: Dân vận, Binh vận, Phụ nữ. Tháng 10/1947, T.W quyết định đưa bà lên làm Chủ tịch đầu tiên của T.W Hội Phụ nữ cứu quốc đầu tiên của Việt Nam. Ngoài công việc Bí thư, Hoàng Ngân còn kiêm chủ nhiệm tờ báo Phụ nữ Việt Nam vừa mới thành lập. Tại Hội nghị cán bộ phụ vận toàn miền Bắc cuối năm 1947, bà được bầu làm Bí thư Ban Phụ nữ cứu quốc Bắc bộ.

 

Từ năm 1948 tới năm 1949, kháng chiến chống Pháp bước vào giai đoạn gay go ác liệt, cơ quan Hội Liên hiệp phụ nữ luôn phải di chuyển đi nhiều tỉnh: Thái Nguyên, Bắc Cạn, Bắc Giang, Hà Nam..., Hoàng Ngân vẫn xông xáo lo toan, duy trì liên lạc và đẩy mạnh hoạt động của phong trào phụ nữ kháng chiến.

 

Do thương tật, ốm đau, thuốc men thiếu thốn, công việc nặng nhọc, vất vả, ngày 17/7/1949, sau một cơn đau nặng, Hoàng Ngân đã qua đời tại Việt Bắc. Bà đã được tặng Huân chương kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Nhất.

 

Tưởng nhớ công lao của Bà, ngọn đồi, nơi cơ quan Trung ương Hội Phụ nữ cứu quốc Việt Nam đặt trụ sở, được mang tên Hoàng Ngân. Các tỉnh đội Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình đã tổ chức những đội du kích Hoàng Ngân. Tỉnh Hội Hưng Yên lập một trường đào tạo cán bộ phụ nữ mang tên bà. Các thành phố: Nam Định, Hải Phòng và Hà Nội đều có phố mang tên Hoàng Ngân.

Trung tâm Thông tin
(Tổng hợp theo "Chân dung các chị lãnh đạo Hội LHPNVN" của NXB Phụ nữ, Báo PNVN

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video